Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Nhật Bản bắt giữ nghi phạm dọa bắn rơi máy bay Vietnam Airlines
Một thiếu niên17 tuổi người Nhật Bản vừa bị cảnh sát tiến hành bắt giữ vì đã có hành vi đe dọa bắn rơi máy bay chở khách của Vietnam Airlines. Đối tượng đã thừa nhận hành vi và sẽ bị xử lý ra sao?
Án Nước ngoài: Đe dọa bắn rơi…máy bay
Hãng tin Japan Today cho biết cảnh sát tỉnh Chiba (Nhật Bản) vừa bắt giữ thiếu niên 17 tuổi ở Yamagata vì hành vi "cản trở hoạt động kinh doanh". Thiếu niên này bị nghi ngờ là người đe dọa bắn rơi máy bay chở khách của Vietnam Airlines hôm 5/1.
Theo cảnh sát, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h55 sáng 5/1 (giờ địa phương) khi văn phòng chi nhánh hãng hàng không Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được một cuộc gọi đe dọa.
Nghi phạm - thiếu niên 17 tuổi - được cho là đã gọi điện từ nhà riêng ở Yamagata, tuyên bố “chuẩn bị bắn rơi chuyến bay mang số hiệu VN5311” và khuyên các phi công “nên quay đầu”.
Cuộc gọi đã buộc chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Fukuoka để kiểm tra an ninh. Trước đó, máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Narita và đang trên đường đến Hà Nội. Sự cố khiến chuyến bay bị chậm khoảng 3h40'.
Cảnh sát tỉnh Chiba đã lần ra số điện thoại của thiếu niên nói trên và tiến hành bắt giữ hôm 15/2. Cảnh sát cho biết nghi phạm được xác định có vấn đề về thần kinh, và đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Trước đó, ngày 5/1/2022, chuyến bay số hiệu VN5311 sử dụng máy bay B787 có 15 thành viên tổ bay và 47 khách, khởi lúc 10h30 từ Narita (Tokyo, Nhật Bản) về Hà Nội.
Sau khi khởi hành được khoảng 40 phút, chi nhánh của Vietnam Airlines tại Nhật nhận được 1 cuộc điện thoại từ 1 đối tượng giọng nam giới, tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo”.
Nhân viên nhận điện thoại hỏi lại: “Ông có thể nhắc lại điều ông vừa nói được không?”. Người đàn ông trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”.
Thời điểm này, chuyến bay VN5311 đã bay được khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, Vietnam Airlines đã báo cáo vụ việc cho nhà chức trách Nhật Bản và phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Fukuoka (Nhật Bản).
Luật Việt Nam: Nói đùa cũng phải trả giá
Trước đó, hồi tháng 5/2006, một chuyến bay cũng của Vietnam Airlines từng gặp sự cố khi hành khách trên tàu bay đe dọa có bom trong hành lý. Sau đó lực lượng công binh đã phải đến rà soát bom mìn, toàn bộ hành khách phải chuyển sang máy bay khác.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tất cả những hành vi vi phạm quy định về an ninh hàng không (trong đó có việc đe dọa bắn máy bay) sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Về xử phạt hành chính, điểm a, khoản 7 và khoản 8 điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây: a) Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay.
Như vậy, dù thiếu niên 17 tuổi kia chỉ “nói đùa” bắn hạ máy bay chỉ là một lời nói đùa có bom hoặc mìn hay bất kỳ một vật liệu nổ nào khác làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không, người trên máy bay thì đều bị xử phạt.
Xuất phát từ tính chất đòi hỏi sự an toàn cao độ, nghiêm ngặt trong quá trình bay, không để bất kỳ một sai sót nào xảy ra thì việc nói đùa mà gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường không tại Điều 278 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Cụ thể, người nào đặt chướng ngại vật; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu tần số thông tin liên lạc; làm hư hỏng trang bị, thiết bị của sân bay hoặc trang bị, thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay; cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; điều khiển, đưa phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay hoặc có hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 11%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Nếu gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì người phạm tội phải đối diện với mức án từ 03 năm đến 10 năm tù. Trường hợp gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Hành vi cản trở giao thông đường không trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy nhiên, do kẻ tình nghi có dấu hiệu về thần kinh nên trước khi áp dụng biện pháp tố tụng cụ thể, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành trưng cầu giám định tâm thần.