Ấn - Pháp hợp tác hàng hải ở ấn Độ Dương
Bất chấp những lo sợ ngày càng gia tăng về đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Ấn Độ và Pháp đã tiến hành hoạt động tuần tra hàng hải chung ở Ấn Độ Dương. Đây là một chỉ dấu cho thấy New Delhi ngày càng sẵn sàng hơn trong việc tăng cường vai trò và củng cố năng lực của mình trong khu vực bằng cách hợp tác với lực lượng hải quân của những nước lớn ngoài khu vực song có cùng chí hướng.
Tờ The Hindu dẫn hai nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ rằng cuộc tuần tra và giám sát chung với Hải quân Pháp nói trên đã diễn ra ở phía Nam Ấn Độ Dương hồi tháng 2-2019. Xuất phát từ căn cứ hải quân Pháp trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương, cuộc tuần tra này có sự tham gia của phi đội máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8I của Ấn Độ, vốn được coi là lực lượng nòng cốt của Hải quân Ấn Độ.
Tìm kiếm đối tác “cùng chí hướng”
Giải thích vì sao Pháp là nước đầu tiên ở bên ngoài khu vực được lựa chọn tham gia cuộc tuần tra chung, các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói rằng cả New Delhi và Paris đều có chung quan điểm và nhận thức về những thách thức và quan ngại ở khu vực, song cả hai đều có những hạn chế về năng lực. Chính những hạn chế này đã trở thành động lực thôi thúc hai bên hợp tác triển khai các cuộc diễn tập hàng hải phối hợp. Chỉ huy phi đội P-8I của Hải quân Ấn Độ nói rằng các hoạt động phối hợp an ninh chung như thế này “có thể giúp duy trì an ninh của các tuyến hải lộ quốc tế cho hoạt động thương mại và liên lạc”.
Các nguồn tin cũng thận trọng nhận định rằng cuộc tuần tra chung kiểu này sẽ diễn ra định kỳ song không theo định dạng cố định nào. Mặc dù vậy, đây vẫn là một chỉ dấu quan trọng cho thấy mức độ sẵn sàng lớn hơn của Ấn Độ về việc mở rộng sự hiện diện cũng như củng cố năng lực hàng hải của mình ở khu vực bằng cách hợp tác với hải quân của các quốc gia bên ngoài khu vực có chung chí hướng.
Những hoạt động can dự như thế này có ý nghĩa đáng kể. Từ trước đến nay, Ấn Độ thường chỉ tiến hành các cuộc tuần tra phối hợp (CORPAT) với các nước láng giềng trên biển của mình như Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Indonesia. Trước đó thì New Delhi đã từ chối đề nghị của Washington tham gia CORPAT.
Thế nhưng, giờ đây, Ấn Độ ngày càng hài lòng khi tham gia các cuộc diễn tập như kiểu CORPAT vì New Delhi dường như nhận ra rằng việc mở rộng số nước tham gia các hoạt động diễn tập an ninh chung kiểu như vậy đem lại lợi ích cho chính mình. Vì vậy, trong vòng 5 năm qua, Ấn Độ đã ngày càng có xu hướng lôi kéo các nước có chung ý chí tham gia CORPAT nhằm tăng cường sự hiện diện của New Delhi ở khu vực Ấn Độ Dương.
Ấn Độ và Pháp đã thảo luận những hình thức hợp tác kiểu CORPAT trong chuyến thăm New Delhi của Tư lệnh Hải quân Pháp, Đô đốc Christophe Prazuck từ hồi tháng 11-2019. Đề cập về sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc ở phía Tây Ấn Độ Dương, Đô đốc Prazuk lưu ý rằng Bắc Kinh đã sử dụng vấn đề cướp biển ở khu vực này như một cái cớ để điều động tàu thuyền và tàu ngầm tấn công hạt nhân của mình đến đó, ngay cả khi mối đe dọa cướp biển đã giảm thiểu đáng kể. Vị đô đốc này lưu ý rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân “không phải là công cụ hữu hiệu nhất để chống lại cướp biển”.
Khi ông Modi lần đầu đề cập “liên minh Ấn -Pháp”
Pháp là một trong những đối tác lâu đời nhất và tin cậy nhất của Ấn Độ, có lẽ chỉ đứng thứ 2 sau Nga. Tuy nhiên, ngày nay, khi Moscow thiết lập được mối quan hệ gần gũi dù có phần gượng gạo với Trung Quốc, thì Ấn Độ lại dựa dẫm vào Pháp nhiều hơn. Pháp đã dần nổi lên là một đối tác chiến lược chính đối với Ấn Độ với những hợp đồng quốc phòng “nặng ký” đồng thời tăng cường hoạt động hợp tác và giao lưu quân sự với Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ hiện đang tiếp nhận tàu ngầm diesel-điện Scorpene do Pháp chuyển giao công nghệ và được xây dựng ở Ấn Độ, trong khi Không quân Ấn Độ sẽ sớm tiếp nhận lô hàng 36 chiến đấu cơ Rafale mua từ Pháp.
Mặc dù New Delhi thường vẫn không thoải mái với những thuật ngữ kiểu như “liên minh” song Thủ tướng Narendra Modi đã sử dụng cụm từ này để miêu tả mối quan hệ với Pháp khi phát biểu tại một sự kiện do UNESCO tổ chức ở Paris, trong đó, ông nói: “Ngày hôm nay, trong thế kỷ 21 này, chúng tôi nói về Ấn-Pháp (INFRA). Đối với tôi, Ấn+Pháp (IN+FRA), tức là liên minh giữa Ấn Độ và Pháp”.
Đây là sự thừa nhận quan trọng về việc New Delhi và Paris đã trở nên gần gũi hơn như thế nào trong vài năm qua. Một số ý kiến trong cộng đồng nghiên cứu chiến lược ở Ấn Độ xem nhẹ cụm từ này, coi đó chỉ là một hình thức chơi chữ, song thực tế là những can dự chiến lược giữa hai nước đã phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu theo nhiều cách thức có ý nghĩa đáng kể.
Ví dụ, cách thức Pháp ủng hộ Ấn Độ tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về vấn đề Jammu và Kashmir hồi năm 2019 là chỉ dấu gần đây nhất cho thấy cam kết chiến lược của Paris đối với New Delhi. Nga từng là một đối tác tin cậy của Ấn Độ ở Hội đồng Bảo an song ngày nay vị trí đó đã ngày càng được Pháp chiếm giữ (và dĩ nhiên cả Mỹ).
Mặc dù cả Paris và New Delhi đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng như vũ trụ, hạt nhân và quốc phòng, song trọng tâm hợp tác về Ấn Độ Dương và an ninh hàng hải có ý nghĩa quan trọng. Hợp tác ở khía cạnh này phù hợp với tầm nhìn mới của New Delhi về Ấn Độ Dương. Hồi năm 2014, Thủ tướng Modi đã quảng bá trước các đối tác chiến lược và bạn bè của Ấn Độ rằng “hành động và hợp tác tập thể sẽ củng cố tốt nhất cho hòa bình và an ninh ở khu vực hàng hải của chúng ta”, trong đó, Ấn Độ tìm kiếm các đối tác quan trọng như Pháp và Mỹ trong nỗ lực đảm bảo một trật tự hàng hải ổn định ở Ấn Độ Dương.
Điều này thể hiện một sự thay đổi lớn lao trong cách tiếp cận của New Delhi vì trước đây nước này thường chỉ trích sự hiện diện của bất kỳ cường quốc ngoài khu vực nào ở Ấn Độ Dương.