Án phạt cho Will Smith sau cú tát Chris Rock: Bài học cho mọi nền giải trí
Cách Viện Hàn lâm 'trừng phạt' hành động bạo lực của Will Smith, và cách nam diễn viên thẳng thắn đón nhận là minh chứng cho sự văn minh mà mọi nền giải trí trên thế giới cần có.
Án phạt cho Will Smith: Bài học cho mọi nền giải trí
Cách Viện Hàn lâm “trừng phạt” hành động bạo lực của Will Smith, và cách nam diễn viên thẳng thắn đón nhận là minh chứng cho sự văn minh mà mọi nền giải trí cần có.
Án phạt cho Will Smith: Bài học cho mọi nền giải trí
Cách Viện Hàn lâm “trừng phạt” hành động bạo lực của Will Smith, và cách nam diễn viên thẳng thắn đón nhận là minh chứng cho sự văn minh mà mọi nền giải trí cần có.
Mặc dù đánh Chris Rock với lý do vô cùng xác đáng là bảo vệ vợ trước lời chọc ghẹo kém duyên nhưng Will Smith cũng đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Hành động tát đồng nghiệp ngay trên sóng truyền hình, trước sự chứng kiến của giới làm phim, người yêu nghệ thuật toàn cầu được cho là hành động cổ vũ bạo lực, bôi xấu Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ - đơn vị tổ chức Oscar.
Will Smith không có lời nào bào chữa cho hành động của mình. Anh nhận thức được lỗi lầm nên lập tức đưa ra lời xin lỗi, xin rút khỏi Viện Hàn lâm và sau khi nhận án phạt mới đây, Will Smith nói anh “chấp nhận và tôn trọng”.
Về phía Viện Hàn lâm, ngay khi sự việc diễn ra, các thành viên thông báo sẽ nhanh chóng kết luận và đưa ra án phạt thích đáng cho hành động bồng bột, khó có thể dung thứ của Will Smith. Ban đầu, Viện ấn định ngày 18/4 là thời điểm kỷ luật chính thức, tuy nhiên, Viện ý thức được tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên đã vào cuộc rốt ráo, họp bàn và đưa ra án phạt cho Will Smith trước thời điểm dự kiến 10 ngày.
Cách mà Viện Hàn lâm đã thẳng tay phạt Will Smith mặc anh là người thắng Oscar 2022 (hạng mục Nam chính xuất sắc), là hành động dũng cảm, cho thấy thái độ và chính kiến của Viện. Nếu với bất kỳ giải thường nào mà đơn vị e ngại làm phật lòng cộng đồng fan của nghệ sĩ hay ngại đối diện với dư luận trái chiều, thì chắc có lẽ, Will Smith đã vô tội hoặc chỉ cần kiểm điểm là xong.
Còn với Will Smith, anh là người hùng trong mắt của vợ và những người yếu thế nhưng ở góc độ khác, anh là tội đồ, người nhân danh lẽ phải cổ vũ bạo lực. Nam diễn viên bước lên đỉnh cao khi nhận tượng vàng danh giá nhưng cũng rơi thẳng xuống vực sâu trong cùng một khoảnh khắc. Sự việc của Will Smith cho thấy cách ứng xử sòng phẳng, nghiêm minh của một đơn vị tổ chức không ngại đối diện những lùm xùm của cá nhân.
Tại Hollywood, không phải khi nào sự công bằng, nghiêm trị cũng xuất hiện nhưng ở trường hợp của Will Smith lần này, có lẽ đây sẽ là bài học cho nhiều nền giải trí khác rằng nếu có năng lực, anh sẽ được khen ngợi, tôn vinh nhưng nếu vi phạm, anh sẽ bị kỷ luật, không khoan nhượng.
Ở Việt Nam, thỉnh thoảng, vẫn có những sự vụ bất ngờ xảy ra, dù không phải bạo lực như Will Smith nhưng cũng đủ sức thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, không phải khi nào, đơn vị tổ chức hay cá nhân người nổi tiếng cũng dám đứng ra nhận lỗi hay nghiêm trị những hành vi sai trái.
Gần đây nhất, khi Forbes Việt Nam công bố danh sách những người trẻ dưới 30 tuổi có nhiều đóng góp nổi bật, đơn vị này vấp phải chỉ trích nặng nề khi vinh danh Ngô Hoàng Anh – cá nhân vướng cáo buộc quấy rối tình dục cách đây 2 năm. Nhiều nạn nhân của Ngô Hoàng Anh bất bình, khơi lại vụ việc và thu thập chữ ký từ nhiều người để yêu cầu Forbes loại tên Ngô Hoàng Anh ra khỏi danh sách.
Nhưng khác với phản ứng nhanh và mạnh mẽ của một bộ phận người trẻ, Forbes đưa ra lời hẹn xử lý một cách hời hợt, thiếu rõ ràng, không quyết đoán. Cho đến khi chính Ngô Hoàng Anh đưa ra lời xin lỗi và xin rút tên khỏi danh sách vinh danh vì muốn giảm áp lực lên bản thân và gia đình, Forbes sau đó mới thông báo loại Ngô Hoàng Anh sau khi "cân nhắc kỹ lưỡng". Trước đó, Forbes liên tục cho rằng vụ việc quá phức tạp, cần thời gian xác minh.
Ngoài sự vụ có phần trốn tránh trách nhiệm của Forbes, trước đây, làng giải trí Việt không nhiều người nổi tiếng đối mặt với sai sót và dám đưa ra lời xin lỗi, cũng như thẳng thắn nhìn nhận sai lầm của bản thân. Những nghệ sĩ quảng bá cho tiền ảo, đến nay có người xin lỗi, có người vẫn im lặng. Nghệ sĩ quảng bá sản phẩm kém chất lượng, có người xin lỗi, có người xin lỗi xong lại tiếp tục mắc lỗi. Hoặc khi đối diện với những khen chê, nghệ sĩ Việt giãy nảy bức xúc, không nhiều người tiếp thu hoặc đa phần, họ im lặng không cho thấy sự cầu thị.
Hollywood có giải thưởng Mâm xôi vàng dành cho những tác phẩm/cá nhân dở tệ, lại cũng có những giải thưởng tôn vinh sự đóng góp cho nghệ thuật như Oscar. Đó là sự công bằng với tài năng của nghệ sĩ, rằng chỉ cần họ có màn thể hiện tệ hại, họ sẽ bị bêu tên một cách công khai dù có đang đứng trên đỉnh cao danh vọng.
Trở lại với sự vụ của Will Smith, một lần nữa, đây là bài học mà mọi nền giải trí cần xem là chuẩn mực trong xử lý. Chúng ta có thể ngợi khen tài năng của nghệ sĩ nhưng một khi họ phạm lỗi, sẽ không có bất kỳ tấm khiên nào có thể bảo vệ. Rất nhiều người vẫn đang dành cho Will Smith sự tôn trọng dù anh hành xử bạo lực, sự tôn trọng không phải vì hành động bảo vệ vợ của nam diễn viên mà cho những hành xử văn minh của anh sau lỗi lầm.