An sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Mơ ước và cạm bẫy

Nghèo đói, không nghề nghiệp ổn định, người dân mong muốn có việc làm, có thu nhập cao để cuộc sống đỡ vất vả. Thế nhưng, vì thiếu kiến thức nên người dân đã mê muội nghe theo lời của kẻ xấu, lọt bẫy 'việc nhẹ lương cao'.

Bẫy “việc nhẹ lương cao”

Nắm rõ tâm lý người dân cần có việc làm để kiếm tiền, các đối tượng xấu đã tiếp cận, vẽ ra thiên đường xuất ngoại để dụ dỗ. Do thiếu cảnh giác, mong muốn đổi đời, nhiều gia đình đã bán hết tài sản, nghe theo lời kẻ xấu để vượt biên. Hậu quả, nơi đất khách quê người, họ bị bóc lột sức lao động, vỡ mộng. Nạn nhân trong những cạm bẫy này đa phần là đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

 Cán bộ Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông thăm hỏi, động viên gia đình anh Vương Văn Cường, sau khi 12 người của gia đình này được trở về từ Thái Lan. Ảnh: MAI CƯỜNG

Cán bộ Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông thăm hỏi, động viên gia đình anh Vương Văn Cường, sau khi 12 người của gia đình này được trở về từ Thái Lan. Ảnh: MAI CƯỜNG

Mới đây, câu chuyện 11 người trong gia đình anh Vương Văn Cường (sinh năm 1996, trú tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bị lừa xuất ngoại - lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về cạm bẫy việc nhẹ lương cao. Anh Cường cho biết, cuối năm 2023, nghe theo lời kẻ xấu, gia đình anh bán ruộng vườn, nhà cửa vượt biên sang Thái Lan mong ước được đổi đời. Thế nhưng, “việc nhẹ lương cao” đâu không thấy, gia đình anh bị giam lỏng trong căn phòng ẩm thấp, tối tăm. Nhiều tháng liền không có việc làm, tiền bán ruộng vườn tiêu sạch sau vài tháng, cả gia đình tìm cách trốn về lại Việt Nam.

“Giờ mình sợ rồi, không có công việc nào nhẹ mà lương cao cả. Ở nước ngoài khổ lắm, chỉ có quê hương mình mới bình yên thôi. Về địa phương, gia đình tôi không còn nhà ở, hết sạch tiền. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và chỗ ở, giờ đây tôi đã ổn định cuộc sống”, anh Cường kể.

Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút (Đắk Nông), cho biết: “Các đối tượng xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện chiêu trò lừa đảo. Chúng tôi đang phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ việc làm cho các nạn nhân ổn định cuộc sống. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không bị những kẻ xấu dụ dỗ”.

Kloong là ngôi làng nghèo của xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Vào tháng 6-2022, người dân ở đây bất ngờ khi phát hiện 7 người trong làng bị kẻ gian lừa gạt sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”, nhưng phải gánh chịu cuộc sống khổ sai ở đất khách. Lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra, xử lý. Đến tháng 7-2022, 7 công dân được lực lượng chức năng giải cứu đưa về, kết thúc giai đoạn sống cơ cực ở Campuchia.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ksor Tuy, Bí thư Đảng ủy xã Ia O, cho biết, Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm đến đời sống của 7 người bị lừa ở làng Kloong. Từ khi họ trở về, xã đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ họ phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, kết nối để họ được nhận làm công nhân cao su. Nhờ sự hỗ trợ nhiều mặt, đời sống những người này đã tốt hơn, họ chăm chỉ làm ăn kiếm sống.

“Trước khi bị lừa “làm việc nhẹ lương cao”, 7 người dân này thuộc diện hộ nghèo, nhận thức hạn chế nên dễ dàng mắc bẫy. Đến nay, khi trở về địa phương để xây dựng lại cuộc sống mới, cuộc sống họ đã thay đổi theo hướng tích cực. Họ chăm chỉ lao động kiếm sống, nhiệt tình phối hợp với địa phương trong việc tuyên truyền bằng câu chuyện của chính mình để người dân trong làng, trong xã cảnh giác, đừng để bị mắc bẫy như họ”, ông Tuy nói.

Tập trung đào tạo nghề, tư vấn việc làm

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết, qua thống kê, đa phần các nạn nhân mắc bẫy “việc nhẹ lương cao”, kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, thêm phần nhận thức thấp nên bị kẻ xấu dụ dỗ. Hiện nay, đơn vị tập trung tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân.

 Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) liên kết trồng sâm dây để thoát nghèo. Ảnh: HỮU PHÚC

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) liên kết trồng sâm dây để thoát nghèo. Ảnh: HỮU PHÚC

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 12.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 10.000 lao động người DTTS. Sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm, hoặc được nâng cao tay nghề cho thu nhập cao hơn. Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 15.400 lao động nông thôn.

Theo Sở LĐTB-XH Lâm Đồng, từ năm 2021 đến nay, đã tiếp nhận, giải cứu 12 nạn nhân bị lừa xuất ngoại “việc nhẹ lương cao” (gồm 11 nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia, 1 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc). Sau khi trở về địa phương, tất cả nạn nhân đã được các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm ban đầu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và tạo điều kiện việc làm để hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, cho biết, năm 2023 tỉnh đã tổ chức giáo dục nghề nghiệp cho 35.000 người (trong đó, đồng bào DTTS được đào tạo là hơn 9.300 người); giới thiệu việc làm cho 25.600 lượt lao động; đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 350 lao động (đồng bào DTTS chiếm gần 10%). Năm 2024, tỉnh cũng đã đào tạo nghề nghiệp cho hơn 9.900 người đồng bào DTTS, đồng thời giải quyết việc làm cho 28.500 lượt lao động. Nhờ đó, người lao động, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, có thêm cơ hội việc làm, ổn định đời sống.

MAI CƯỜNG -HỮU PHÚC - ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-sinh-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-tay-nguyen-mo-uoc-va-cam-bay-post782466.html