An sinh và việc làm cho người dân về quê tránh dịch
Giai đoạn dịch bùng phát mạnh, nhiều địa phương miền trung đã tổ chức đón hàng chục nghìn người dân có hoàn cảnh khó khăn từ phía nam trở về quê. Bảo đảm an sinh bước đầu và tạo việc làm, sinh kế lâu dài cho người dân là công việc quan trọng mà cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố miền trung đang thực hiện với trách nhiệm cao, dù khu vực này cũng đang phải căng mình chống dịch.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các tỉnh, thành phố miền trung đã và sẽ có thêm những giải pháp phù hợp về vấn đề này; nhất là khi dòng chảy dân cư và lao động tiếp tục có những biến động, dịch chuyển. Trong đó, dự báo chính xác và lập kế hoạch sắp xếp nguồn nhân lực khoa học, thích ứng với hoàn cảnh mới là điều cần quan tâm.
Kịp thời hỗ trợ an sinh
Phú Yên là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19 với hơn 3.060 ca bệnh. Sau hơn ba tháng, dịch được kiểm soát, toàn tỉnh trở về cuộc sống bình thường mới. Trong hoàn cảnh đó, tỉnh duyên hải này đã làm được một việc rất đáng trân trọng là tổ chức đón gần 17.000 người dân từ phía nam về quê an toàn. “Đón dân về trong lúc Phú Yên đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ dịch tăng cao, nhưng chúng tôi nghĩ phải đón người dân về an toàn, có tổ chức và Phú Yên quyết tâm đón hết đồng bào có nhu cầu được trở về quê”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế nói.
Các tỉnh, thành phố khác trong khu vực cũng tổ chức đón hàng chục nghìn người thuộc các đối tượng yếu thế từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê an toàn. TP Đà Nẵng vận động doanh nghiệp tài trợ, tổ chức năm chuyến bay miễn phí đón gần 1.000 người; tỉnh Quảng Nam đón hơn 5.500 và tỉnh Quảng Ngãi đón gần 740 người. Đặc biệt, Bình Định có gần 25.000 người từ các tỉnh, thành phố phía nam về quê tránh dịch, trong đó có khoảng 15.000 người trong độ tuổi lao động… Với tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm cao, các địa phương cố gắng trong việc thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người dân bước đầu ổn định cuộc sống. Các địa phương triển khai song song việc tổ chức phòng, chống dịch với việc khảo sát đánh giá nhu cầu, trình độ, độ tuổi, giới tính… trong tổng số người dân trở về để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể về an sinh xã hội, chuẩn bị phương án việc làm.
Ảnh hưởng dịch bệnh, nền kinh tế của TP Đà Nẵng hai năm liên tục “tăng trưởng âm”. Thống kê mới nhất, chín tháng qua có hơn 540 doanh nghiệp giải thể, 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, gần 22.000 lao động phải dừng việc làm và hơn 26.000 lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này ảnh hưởng việc bảo đảm đời sống của nhiều hộ dân, đặc biệt là lao động phổ thông, công nhân lao động và người có thu nhập thấp. Thế nhưng, Đà Nẵng vẫn thể hiện trách nhiệm cao trong việc thực hiện công tác an sinh phục vụ người dân; thực hiện nghiêm chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng với nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng người dân từ phía nam trở về, tùy theo các nhóm đối tượng, Đà Nẵng thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí ăn, ở, xét nghiệm tại cơ sở cách ly tập trung và chi phí xét nghiệm khi cách ly tại nhà. Hầu hết những người được đón về trong đợt 1 (tháng 7/2021) được hỗ trợ tối đa theo các chính sách của Trung ương và địa phương. Ngoài hơn 1.200 người có điều kiện về bằng đường hàng không, cách ly tập trung tại các khách sạn có trả phí, còn toàn bộ bà con thuộc diện khó khăn trở về đều được bố trí trong khu cách ly tập trung và miễn phí toàn bộ. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, hầu hết người dân trở về từ phía nam được nhận các chính sách hỗ trợ theo quy định, công bằng như người dân thường trú tại địa phương…
Về việc thực hiện các chế độ đối với các đối tượng lao động tự do từ các địa phương phía nam về, tỉnh Phú Yên có cơ chế đơn giản hóa các thủ tục để người dân được nhận nhanh, đúng thời điểm đang khó khăn này. Các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ, thiếu sót, tiêu cực, chậm trả cho người dân. Còn tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, thời điểm hiện nay, tỉnh đón theo kế hoạch 1.160 người dân diện yếu thế từ phía nam về quê bằng đường hàng không và đường bộ và khoảng 13.000 người về quê tự phát. Sau thời gian cách ly, nhiều hoàn cảnh khó khăn được chính quyền địa phương và đoàn thể hỗ trợ an sinh, tạm thời ổn định cuộc sống trước mắt.
Bảo đảm việc làm, sinh kế lâu dài
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là làm sao thực hiện được phương châm “ly nông không ly hương” cho bà con. Được sống và làm việc trên chính quê hương của mình là mong ước của rất nhiều người. Tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị vào cuộc đồng bộ để cùng nhau thực hiện khát vọng “an cư lạc nghiệp” cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống tại quê nhà. Với quan điểm mở rộng các khu công nghiệp trong tỉnh, tăng cường quy mô nhà xưởng, làm sao thu hút nhiều công nhân, để nguồn lao động phổ thông có được việc làm ổn định trên địa bàn tỉnh”. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp trải qua khó khăn sau đại dịch. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên có kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu giúp người dân có nhu cầu quay lại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác làm việc có chuyên môn tốt hơn, thu nhập cao hơn…
Tại Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, đang khẩn trương hoàn chỉnh phương án hỗ trợ, tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch để trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chia sẻ. Trên cơ sở rà soát gần 1.900 lao động từ vùng dịch trở về địa phương đã hoàn thành thời gian cách ly và có nhu cầu tìm việc làm, huyện đang phối hợp với ngành chức năng và doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng lao động nhằm ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong số người từ phía nam về, có hơn 700 người có nhu cầu vay vốn, học nghề và tìm việc làm ở quê. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tại 100 doanh nghiệp tại tỉnh trong thời điểm này lên đến hơn 16.000 lao động. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để người dân trở về từ vùng dịch có việc làm phù hợp cũng như tiếp cận được chương trình đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi. Sắp tới, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tiếp tục chuyển nguồn kinh phí đưa người lao động đi làm việc ngoài nước sang kinh phí hỗ trợ lao động vay vốn (với số tiền 8,4 tỷ đồng) để hỗ trợ bà con về từ vùng dịch. Trong tháng 10 này, tỉnh sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại các địa phương để kết nối cung cầu lao động.
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định: Với số người trong độ tuổi lao động sau khi hết thời gian cách ly theo quy định, sở chỉ đạo các địa phương bố trí, sắp xếp và tạo công ăn việc làm để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho họ. Thời điểm lao động về quê tránh dịch đang lúc thu hoạch vụ lúa hè thu, tiếp đến là sản xuất vụ mùa nên tạm thời họ làm ruộng giúp đỡ gia đình. Ông Quang cho biết: “Các ngành sản xuất ở Bình Định đang thiếu lao động trầm trọng, nhất là các ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ. Nếu lao động từ phía nam về có tay nghề phù hợp thì các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng. Hiện các doanh nghiệp đang rất muốn đẩy mạnh sản xuất vì các đơn đặt hàng dồn dập”.
Đối với những người buôn bán nhỏ, UBND tỉnh Bình Định đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 50 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ. Đến nay, đã có gần 450 hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay để làm ăn và đã có hơn 20 tỷ đồng đến tay người dân.
Rõ ràng, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã và đang đi vào cuộc sống trên tinh thần vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Những ngày tới, dòng dịch chuyển nguồn nhân lực sẽ tiếp tục diễn ra. Tại nhiều địa phương, đối với những người quyết định ở lại, địa phương sẽ được quan tâm tính toán các phương án hỗ trợ việc làm phù hợp, giúp ổn định cuộc sống trong tình hình mới.