Ăn tất niên ở quán bia thủ công tại TP.HCM

Những ngày cuối năm, nhiều người trẻ chọn quán bia thủ công để gặp gỡ, ăn tất niên. Quầy bar thoải mái cùng các vị bia lạ trở thành địa điểm hẹn hò thú vị.

Bia thủ công (craft beer) bắt nguồn từ các nước phương Tây, sau đó du nhập vào châu Á và nhanh chóng tạo thành xu hướng.

Tại Việt Nam, bia thủ công xuất hiện từ năm 2014. Vài năm gần đây, loại bia này đã trở thành thức uống yêu thích của những khách hàng trẻ tuổi, đặc biệt là giới văn phòng.

Không nhiều quy chuẩn như uống rượu vang hay kiểu cách như cocktail, bia craft mang đến cảm giác thoải mái, là nơi khởi đầu câu chuyện của giới trẻ hiện đại.

Sau một năm đặc biệt vất vả như 2021, tiếng cụng bia, âm thanh trò chuyện rôm rả, âm nhạc sôi động là những thứ lôi kéo người trẻ tới các quán bia thủ công ăn tất niên.

Anh Khoa Nguyễn, quản lý tại một quán bia trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), chia sẻ với Zing văn hóa uống bia thủ công đã thổi một làn gió mới mẻ vào thế giới đồ uống có cồn tại Việt Nam.

"Không gian các quán bia thế này vẫn rộng rãi, thoáng đãng, nhưng không bị xô bồ, ồn ào. Nơi này đặc biệt phù hợp với những người đi thành đôi, hoặc nhóm bạn muốn chill một chút, say một chút, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để tâm sự và chia sẻ", anh nói.

_______

Do không dùng chất bảo quản, bia thủ công được nấu mới mỗi ngày để đảm bảo độ tươi. Ngoài ra, bia còn phải được ủ trong nhiệt độ phù hợp để giữ nguyên hương vị nguyên bản và chất lượng ban đầu.

Khách hàng có thể thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của các “brewmaster” (thợ ủ bia chính) tại taproom (xưởng bia). Không xô bồ, tấp nập như những quán bia truyền thống, nhiều người đến taproom để tìm kiếm sự hứng khởi, tâm trạng thoải mái và trải nghiệm văn hóa mới.

Nếu tại cocktail bar, mỗi ly rượu là câu chuyện, cảm xúc mà bartender muốn truyền tải thì ở taproom, bia thủ công được làm mới liên tục. Thợ ủ bia luôn phải cập nhật thực đơn để tạo nên những hương vị độc đáo. Một số loại bia thủ công được lấy cảm hứng từ dấu ấn đặc thù của từng địa phương, quốc gia hoặc bất kỳ thứ gì có thể kết hợp với nhau.

Từ những nguyên liệu chung như lúa mạch, men bia, hoa bia, các xưởng ủ bia (brewpub) có thể thêm thắt thành phần như hoa quả, thảo mộc, trái cây… để cho ra các tác phẩm khác biệt.

Hớp một ngụm bia thủ công, khách hàng có thể cảm nhận mùi vị đặc trưng lần lượt được bung tỏa trong khoang miệng. Đó có thể là sự chua nhẹ của chanh dây, thoảng đắng của hoa lài, tiêu đen Phú Quốc hay dịu ngọt của mạch nha, mật ong.

Khác với các hãng bia công nghiệp, bia thủ công không được nấu theo số lượng lớn. Bên cạnh đó, hương vị của bia craft còn phụ thuộc vào trái cây theo mùa chứ không cố định suốt quanh năm. Vào trái mùa thu hoạch, mùi vị của bia có thể thay đổi một chút nhưng chất lượng vẫn nguyên vẹn.

_______

Là người thích tán gẫu cùng bạn bè, đồng nghiệp, tôi chọn đến taproom của anh Khoa để gặp mặt cuối năm. Lần đầu đến đây nên tôi gọi một khay nếm bia (beer flight) để tìm hiểu các dòng bia đặc trưng của taproom này.

Với người mới tiếp cận bia thủ công, khay nếm bia là phiên bản dùng thử để biết bản thân hợp với loại nào, nên uống theo trình tự ra sao. Tùy nơi, “beer flight” có thể gồm 4-6 ly bia nhỏ được đặt cạnh nhau.

Bia được rót trực tiếp từ vòi có độ lạnh khoảng 6-12 độ C. Điểm đặc trưng của bia thủ công là không uống kèm với đá để có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị. Đá lạnh sẽ làm bia hạ nhiệt độ xuống thấp, mất đi mùi vị nguyên bản.

Vì thế, thời điểm hoàn hảo nhất để thưởng thức đồ uống này là dùng ngay khi vừa được rót ra. Khác với rượu, bia thích hợp với kiểu uống ngụm lớn thay vì nhấm nháp từng chút một.

Anh Khoa cho biết hiện nay trên thế giới có hơn 100 loại bia thủ công. Các loại phổ biến nhất là Pale Ale, Stout, Porter, Lager, Wheat… Việc phân biệt hương vị giữa những dòng bia này đôi khi cũng là thử thách khó khăn với người sành uống.

Khi mới biết đến bia thủ công, anh Khoa khuyên khách hàng không nên chọn những loại quá mạnh, có độ cồn (ABV) và chỉ số độ đắng (IBU) cao.

Có thể bắt đầu với bia có màu sáng như Lager, Pale Ale, Golden Ale… Nếu đã quen dần, khách mới nên chuyển từ từ sang dòng đậm màu như India Pale Ale (IPA), Stout, Pilsner…

Ngoài ra, độ cồn (ABV) cũng là thứ nên được lưu ý. Bia đắng không đồng nghĩa với loại đó nặng, dễ say và ngược lại.

Nhằm tránh bỡ ngỡ khi bước vào sân chơi thú vị của bia thủ công, khách hàng nên trò chuyện với bartender về khẩu vị cá nhân để được tư vấn loại phù hợp nhất.

“Sau nhiều năm nghiên cứu thói quen uống bia tại Việt Nam, chúng tôi nhận ra khách nước ngoài chuộng bia đắng, đậm hoa bia trong khi người Việt lại thích vị ngọt, hương trái cây hơn. Tuy nhiên, người yêu bia thủ công dù với quốc tịch nào cũng luôn muốn khám phá những vị bia mới mỗi ngày", Alex Violette, CEO của công ty ủ bia thủ công tại TP.HCM, chia sẻ.

Sau khi trải nghiệm khay nếm bia, tôi quyết định gọi thêm một ly Dragon Fruit Gose (4% ABV - 20 IBU). Thức uống này có nguyên liệu chủ đạo là quả thanh long đỏ khiến nó có màu hồng đậm bắt mắt.

Đây là loại bia chua có nguồn gốc từ thành phố Goslar (Đức), được lên men bởi lợi khuẩn Lactobacillus và cân bằng với một chút muối.

_______

“Đồ nhắm” cũng khá quan trọng trong văn hóa thưởng thức bia thủ công. Không phải món ăn nào cũng thích hợp để dùng chung với bia craft. Việc chọn không cẩn thận có thể làm giảm vị đắng của bia hoặc át hết cái ngon của đồ ăn.

Chẳng hạn, ly Dragon Fruit Gose của tôi được giới thiệu ăn kèm với 3 món: cánh gà chiên giòn, cá bớp nướng, sườn heo nướng BBQ.

Với bia thủ công, người ta thường đổ ra cốc thay vì uống trực tiếp trong chai hoặc lon. Cách rót bia để không bị trào bọt là nghiêng ly một góc 45 độ so với mặt phẳng. Khi bia chạm đến một nửa, ta dựng thẳng thân ly và tiếp tục rót đầy.

Cách này giúp mũi ngửi trực tiếp mùi thơm của bia mà không bị tác động bởi không khí xung quanh.

Ngoài ra, khi uống, thực khách không nên cầm vào thân ly vì có thể làm hạ nhiệt bia bên trong.

Sự sảng khoái, phóng khoáng chính là điểm nhấn ở các taproom. Là nơi hội tụ của người trẻ, khách hàng tới quán bia không cần quá cầu kỳ, trang nhã mà chỉ cần ăn mặc thoải mái, năng động.

“Tôi khuyến khích mọi người đến taproom với tinh thần cởi mở. Bia thủ công và cả taproom đều hướng đến việc mang lại trải nghiệm đồ uống, tận hưởng không khí náo nhiệt, giao lưu kết bạn một cách gần gũi nhất. Vì thế, hãy cứ là chính mình”, nam quản lý nói.

Phương Thảo

Ảnh: Phương LâmVideo: Thiên Tâm - Quỳnh PhươngDàn trang: Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-tat-nien-o-quan-bia-thu-cong-tai-tphcm-post1291813.html