Ăn Tết hay Chơi Tết?
LTS: Thời đại thay đổi, thế hệ sau càng ngày càng có quan niệm sống khác xa các thế hệ đi trước. Nhưng Tết thì vẫn là Tết, thế hệ nào cũng nhìn về dịp ấy ít nhất là với vài điểm chung nhất, được gọi là truyền thống. Song, hướng về Tết như thế nào khác với hưởng thụ Tết như thế nào. Và đây vẫn còn là câu chuyện tranh luận thú vị dài dài.
Về quê ăn Tết
Chuyện ăn Tết thế nào vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong vài năm qua, nhưng tựu trung lại, có hai “trường phái” ăn Tết chủ yếu: bảo vệ truyền thống, hoặc gỡ bỏ bớt nó.
Năm nay, nếu về quê ăn Tết, chúng tôi sẽ lại đối mặt với một sự phiền toái đeo bám từ lúc thiếu niên đến bây giờ: các câu hỏi đôi khi rất riêng tư của họ hàng. Từ chuyện có người yêu chưa (thời thiếu niên và đại học), cho đến bao giờ lấy vợ/chồng (khi đi làm), rồi lúc nào tính đẻ con (khi lập gia đình), hay như hiện tại, có thể sẽ là “bao giờ đẻ đứa nữa”?
Có một dạo mà các câu hỏi này bị xếp vào dạng những cuộc chất vấn vô duyên bậc nhất dịp Tết, và được rất nhiều người đồng tình. Ngoài chuyện này, thì các cuộc nhậu cuối năm, lệ đốt vàng mã, rồi phong tục ăn chơi kéo dài suốt tháng Giêng, hay riêng chuyện ăn Tết ta lệch pha so với thế giới, làm sản xuất ngưng trệ… cũng là những chủ đề bị chỉ trích rất nhiều.
Trong một thập niên qua, chúng ta đã xét lại tất cả những chuyện này, với một âm lượng ngày càng gay gắt hơn. Đến nỗi mà có những gia đình đã lựa chọn “chạy trốn” khẩn cấp khi Tết về: họ đặt vé đi du lịch ngay sau khi thắp hương xong đêm 30 và chỉ trở lại khi qua mùng. Tết giống như một gánh nặng cần làm nhẹ đi.
Tôi cũng từng khó chịu ra mặt với các câu hỏi riêng tư, từ chối những lời mời tụ tập cuối năm, không thích việc đốt vàng mã... Tóm lại Tết là dịp để bạn hưởng thụ, hơn là cố giữ lại những truyền thống vốn đang phải oằn mình sống sót với chủ nghĩa xét lại.
Tất nhiên là quá dễ để gán cho chúng một tội lỗi nào đó: các câu hỏi hơi riêng tư thì “xâm phạm tự do cá nhân”; đốt vàng mã gây lãng phí và ảnh hưởng môi trường, chưa kể nguy cơ hỏa hoạn; ăn Tết ta lệch Tết tây thì ảnh hưởng đến guồng sản xuất và việc xuất khẩu; tháng Giêng ăn chơi dông dài làm mọi thứ đều đình trệ.
Nhưng khi càng lớn tuổi hơn, đôi khi tôi nhìn các quan điểm này khác đi.
Những người cứ gặp tôi là hỏi những câu rất riêng tư ấy, cũng đã yêu thương tôi rất nhiều từ khi tôi còn đỏ hỏn. Đơn giản là họ không có cách quan tâm nào “tế nhị” hơn. Họ đã sống với thói quen ấy hàng chục năm, và với cá nhân họ, đấy chính là sự quan tâm. Ký ức của tôi cũng xác nhận rằng họ thực sự quan tâm.
Đốt vàng mã, cũng như thắp hương thôi, là một trong những nghi lễ mang tính tâm linh, để bạn thật sự nhập tâm vào việc tưởng nhớ tổ tiên ông bà mình. Trong suốt một năm bận rộn, bạn có lẽ có rất ít thời gian nghĩ về quá khứ.
Những buổi tụ tập thường là diễn ra giữa những người thân trong gia đình, hoặc bạn bè thân thiết, mà đôi khi là cả năm chúng ta không gặp được. Những người đi xa trở về. Những đồng nghiệp thường chỉ làm việc với nhau qua mạng. Ngồi với nhau được là quý.
Ăn Tết ta khác với lịch Tết tây là một cách để duy trì danh tính và bản sắc. Tháng Giêng ăn chơi có lẽ sẽ vẫn trở thành tội đồ cho sự phát triển, nếu bạn không biết rằng số ngày nghỉ lễ của Việt Nam nằm ở nhóm trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Chúng ta không lười biếng như ta nghĩ.
Tất nhiên, đây chỉ là một hành trình suy nghĩ mang tính chất rất cá nhân. Có thể bạn sẽ không trải qua quá trình phản tư này, hoặc mọi thứ thậm chí diễn ra theo chiều hướng đảo ngược, từ người ủng hộ ăn Tết truyền thống sang cấp tiến.
Nhưng nghĩ về những lựa chọn kiểu này mỗi lần Tết về cho ta một nhận thức sâu sắc hơn về danh tính của chính ta, và cuối cùng thì giá trị nào sẽ ở lại sau cùng với cuộc đời bạn.
Với tôi, có vẻ câu trả lời đã xuất hiện: truyền thống có mặt phiền toái, thậm chí là hạn chế riêng, của nó. Nhưng truyền thống cũng là nơi mà danh tính độc bản của chúng ta xuất hiện, với liên kết mạnh mẽ với các kỷ niệm và ký ức.
Tết này, tôi sẽ về quê và thoải mái sống với những sự phiền toái dễ chịu ấy.
Phạm An
Ăn Tết - Chơi Xuân
Trong rất nhiều tranh luận xoay quanh câu chuyện Tết Nguyên đán kéo dài nhiều năm qua, có lẽ đất nước luôn được mang ra làm ví dụ minh họa chính là Nhật Bản. Nhiều người, tự cho là cấp tiến, đã lấy việc người Nhật đã ăn Tết dương lịch thay cho Tết âm lịch từ nhiều thập niên nay để làm minh chứng rằng đó là một cải cách tiến bộ, và nó cũng góp một phần không nhỏ vào chuyện Nhật Bản phát triển như hôm nay.
Phải thừa nhận, chọn một “lịch thi đấu” phù hợp thông lệ quốc tế sẽ dễ dàng khiến một quốc gia hội nhập hơn với thế giới, mà trong hội nhập đó, hoạt động kinh tế - tài chính sẽ luôn nhận được lợi ích lớn. Nhưng không phải bất kỳ một hình thức hội nhập nào mà một quốc gia áp dụng thành công cũng đủ được tôn lên thành công thức chuẩn đảm bảo thành công tương tự ở quốc gia khác. Thế nên, nói chuyện bắt chước đổi Tết âm lịch sang dương lịch như cách Nhật Bản làm sẽ có thể giúp Việt Nam tiến bộ hơn là tầm phào cũng không hẳn đã sai.
Trong tất cả các quốc gia khu vực Đông Á, phải thừa nhận, Nhật Bản là một đất nước có sự tiếp cận với văn hóa Tây phương rõ rệt nhất. Nhưng dù “Âu hóa” khá mạnh mẽ như vậy, Nhật Bản lại là một trong số ít những quốc gia bảo tồn được giá trị truyền thống rất chặt chẽ. Giới trẻ Nhật gần như không còn biết đến âm lịch nhưng họ lại không rời xa căn tính Nhật chút nào. Họ tiếp nhận thế giới, và cố gắng định hình lại thế giới theo cách của mình thay vì hòa tan vào trong đó, và dần dần, biến mất về bản sắc.
Người Việt sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện bỏ Tết âm lịch giống như cách người Nhật đã và đang làm. Tất nhiên, loại trừ một số cực ít ỏi những cá thể tự cho mình là cấp tiến và quá say mê với việc Âu hóa. Người Việt vốn dĩ bắt nguồn văn hóa của mình từ xóm, làng, họ mạc nên câu chuyện nguồn cội luôn được mang trong tâm thức. Và, Tết Nguyên đán, với người Việt, không chỉ là một dịp lễ lớn mừng năm mới mà nó còn là cảm thức hướng về với nguồn cội của mình. Nguồn cội không chỉ là câu chuyện đơn thuần là “về nhà” hay “sum họp gia đình” mà nó còn là những câu chuyện thiêng liêng của những lễ, hội ở làng. Tết Nguyên đán gắn chặt với những câu chuyện thiêng liêng đó. Bởi thế, với người Việt, ăn Tết luôn vượt trên cái nghĩa đen của từ “ăn” từ rất lâu rồi, kể cả ở thời kỳ khó khăn nhất về kinh tế với những nỗi lo thường trực về miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Nhưng người Việt trẻ thì bắt đầu cũng có những tiếp nhận khá mạnh mẽ về xu hướng hưởng thụ và họ xem cái việc tận hưởng mùa Tết cũng mở rộng ra hơn rất nhiều. Dịch chuyển, du lịch, xả hơi v.v và v.v đã được ưa chuộng lựa chọn nhiều năm trở lại đây. Nhưng cho dù có hiện đại tới mấy, ưa dịch chuyển tới mấy, sợ hãi với những phiền hà, cách rách của Tết đến mấy thì họ cũng vẫn chung tâm trạng của những chiều ba mươi Tết. Đó là cảm thức của gột rửa sạch chính bản thân mình, cả tâm lý lẫn thể lý, và thầm mong năm mới, vận hội sẽ mới mẻ hơn, sáng sủa hơn.
Nếu được lựa chọn, chắc chắn không ít người Việt sẽ thích một cái Tết đúng nghĩa vào ngày 30 và mùng Một, sau đó cả gia đình du xuân ở một nơi xa nào đó, thậm chí là du lịch nước ngoài. Nhưng không phải ai cũng có thể được lựa chọn như vậy. Kế hoạch Tết có cả ăn lẫn chơi như thế này không phải một công thức phổ quát. Thứ nhất, các hạn chế về kinh tế có thể khiến người ta không dám nghĩ tới. Thứ hai, những eo hẹp về thời gian không cho phép người ta có một kế hoạch Tết đủ cả truyền thống lẫn hiện đại kiểu này.
Nhưng thực sự, thẳm sâu trong mỗi người Việt, cái “chơi Tết” vẫn luôn là một nhu cầu rất lớn, không phải mới được hình thành những năm gần đây, mà đã từ rất lâu rồi. Chỉ có điều, qua mỗi thế hệ, cách chơi, thú chơi cũng đã khác. Thế hệ cũ thường có thú chơi hướng nội nhiều hơn. Ví như tỉa thủy tiên, đánh tổ tôm, ngâm vịnh, thi chim… cũng là những thú chơi ưa chuộng ngày xuân. Những cách chơi này thiên về trải nghiệm bên trong mỗi con người. Còn đi du lịch như mốt của giới trẻ ngày nay, đó lại là thú chơi thiên về trải nghiệm thế giới bên ngoài. Có thể nói, thú chơi ngày Tết của người Việt chưa bao giờ suy suyển cả. Người Việt không chỉ ăn Tết mà còn chơi Tết. Thế nên mới nói là chơi xuân và một trong những cách chơi xuân từ xa xưa của các cụ chính là du xuân. Suy cho cùng, nó cũng không khác gì cách con cháu đời nay đi du lịch đó đây nhân dịp Tết.
Tìm sự cân bằng cho cái chơi Tết ấy mới là việc cần phải làm và nên làm cho sớm. Thực tế, theo như thống kê, số lượng ngày nghỉ của người Việt hàng năm vẫn là quá ít so với mặt bằng khu vực và thế giới. Dịp Tết, người Việt thật ra chưa được nghỉ nhiều. Năm nay, Tết Giáp Thìn, người Việt nhìn chung cũng chỉ được nghỉ 7 ngày, nhiều hơn thông thường chừng hai ngày. Nếu có dính thêm 2 ngày cuối tuần, số ngày nghỉ cũng chỉ dao động từ 7-9 ngày mà thôi. Chừng ấy ngày cho một kỳ du lịch là đủ nhưng để vừa được hưởng cái Tết truyền thống, đúng nghĩa dành cho gia đình nhỏ, đại gia đình, họ mạc, xóm giềng và kết hợp với một chuyến du lịch lại là không đủ. Thế nên, nhiều gia đình đã phải lựa chọn giữa truyền thống hay hiện đại và cũng không ít tranh cãi cũng bắt đầu nổ ra từ đó.
Nói như thế để thấy, người Việt cần một kỳ nghỉ đông như thế nào. Nếu có một kỳ nghỉ đông đủ dài, cái thú ăn Tết và chơi Tết sẽ có thể được đáp ứng một cách đầy đủ. Nói đến đây, chắc sẽ có người giãy nảy lên mà cãi đại ý rằng “Tết cũng là dịp để kiếm thêm đối với nhiều gia cảnh, nghỉ lâu như thế có mà đói à?” hoặc “đâu phải ai cũng có điều kiện đi du lịch mấy ngày xuân đâu”. Nhưng thực tế đã chứng minh ở rất nhiều nơi, các kỳ nghỉ dài, đi kèm các kỳ vận lễ hội, luôn là lúc sức tiêu thụ trong xã hội tăng trưởng mạnh nhất. Người có tiền sẽ tiêu tiền và một khi đã có những người tiêu tiền, ắt sẽ có những người kiếm được tiền. Kỳ nghỉ được đặt ra không đồng nghĩa tất cả đều phải nghỉ. Nghỉ hay không là lựa chọn riêng và một khi có những người lựa chọn nghỉ ngơi, thụ hưởng, tiêu xài, mua sắm thì cũng sẽ có một lực lượng xem đó như cơ hội cho kinh doanh, dịch vụ. Chỉ khi nào con người ta cảm thấy đủ, và phải có một đợt xả hơi, họ sẽ lựa chọn hưởng thụ trong kỳ nghỉ. Nhưng trước tiên, phải tạo ra văn hóa kỳ nghỉ đông trước cái đã.
Hãy thử hình dung thế này. Nếu chúng ta rút ngắn kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên và kéo dài kỳ nghỉ đông, chắc chắn sẽ hình thành một nhu cầu “trông trẻ” trong thời gian cha mẹ vẫn đi làm. Nhu cầu đó sẽ tạo ra một loại hình công việc ngắn hạn hoàn toàn có thể được thực hiện bởi chính những sinh viên có gia cảnh không được khá giả cho lắm. Nhu cầu ấy còn lớn hơn nhu cầu đi du lịch hưởng thụ rất nhiều, bởi nó là tình trạng phổ cập của nhiều gia đình. Đồng tiền sẽ luân chuyển tốt hơn trong xã hội và một khi đồng tiền luân chuyển, nó sẽ tạo ra các giá trị tăng thêm.
Thực chất, chuyện kỳ nghỉ đông đã được bàn tới đó đây cũng đã vài năm nay. Và một khi nó được bàn tới, có nghĩa là đã có một nhu cầu nghỉ đông hình thành trong cộng đồng. Chỉ có điều, nhu cầu này chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Phần lớn, chúng ta mới chỉ xem nó là nhu cầu của những người có tiền. Và khi nhu cầu chưa được đánh giá nghiêm túc, nó chưa thể được xây dựng thành một thứ cụ thể trong thực tế đủ có thể biến thành một trào lưu văn hóa mới.
Ăn Tết hay chơi Tết? Câu hỏi đó không nên được đặt ra nữa một khi có những vận động xã hội đủ để mỗi người hoàn toàn có điều kiện thời gian cho cả việc ăn Tết lẫn chơi Xuân. Xét cho cùng, nếu có đầy đủ điều kiện xã hội cho một dịp hưởng thụ cả ăn Tết lẫn chơi Xuân như vậy, người Việt coi như đã được đảm bảo về nhu cầu tiếp cận thế giới mà vẫn bảo tồn được chính những giá trị truyền thống của mình theo đúng tinh thần, bản sắc mà họ tiếp nhận từ thuở nhỏ trong mỗi gia đình.
Hà Quang Minh
Ngắm những điều sắp qua
Đã bao giờ bạn nghĩ về những điều chắc chắn sẽ biến mất trong tương lai gần? Đã bao giờ muốn đi tìm kiếm những thứ như thế, và ngắm nhìn chúng trước khi trở thành dĩ vãng?
Có nhiều thứ hiển nhiên phải mất đi – cho dù chúng đã từng là một phần quan trọng của cộng đồng. Một nghề mà khoa học công nghệ đã thay thế chẳng hạn. Người viết thư thuê, người đánh máy chữ, hay ông già khắc bút thủ công ở Hồ Gươm mà báo chí thường hay nhắc tới. Những khung cảnh từng gắn bó với ký ức nhưng không phù hợp với sự phát triển nữa. Những mái nhà gianh, con đường đất, hay khu tập thể nhỏ mà giờ đã xuống cấp nhiều phần.
Chúng ta không thể “safari hóa” khung cảnh và bắt chủ thể của những nghề đó, những khung cảnh đó phải sống thế mãi, chỉ để bảo vệ mỹ cảm của mình. Những con đường đất lầy sớm muộn cũng phải trải nhựa; những bức tường rêu phong sớm muộn cũng phải thay thế bằng những kiến trúc mới; và có những nghề không thể có giá trị kinh tế nữa. Chúng đẹp. Nhưng việc chúng bị thay thế trong tương lai khả kiến là gần như tất nhiên.
Ở Cao Bằng, giữa những thung lũng bao quanh bởi các ngọn núi cao, vẫn còn một vài làng giữ nghề làm ngói âm dương. Đó là kiểu ngói tạo nên khung cảnh huyền bí của núi rừng Đông và Tây Bắc. Những mái nhà nghiêng với các lớp ngói, lớp rêu, và cả một tầng mây nằm xếp lên nhau. Không đều tăm tắp như ngói xi măng sản xuất trong nhà máy; càng khác xa so với loại “ngói âm dương” của Italia sản xuất, gợi nhớ về những mái nhà bên bờ biển Địa Trung Hải, mà người có tiền bây giờ hay nhập về xây biệt thự. Ngói âm dương trên những mái nhà miền núi hơi lộn xộn, có chút cong vênh, và thường ngả màu thời gian.
Thứ ngói ấy có thể có nhiều công năng vi khí hậu, mát vào mùa Hè và ấm vào mùa Đông, đã che chở cho đồng bào hàng trăm năm qua. Nhưng nếu bạn được một lần chứng kiến đồng bào người Nùng ở Cao Bằng làm ngói, bạn sẽ nhận ra chúng sớm muộn cũng phải lùi vào quá khứ. Đó là một công việc rất cơ cực. Họ nhào đất, cắt đất, rồi bọc đất quanh một khuôn hình tròn, hoàn toàn bằng tay. Mỗi khuôn chỉ tạo ra vài viên ngói cong. Mỗi gia đình, một năm chỉ làm được hai vụ ngói. “Nghèo quá không biết làm gì thì mới phải làm chứ vất vả lắm”, đồng bào sẽ tâm sự với bạn như thế.
Thậm chí, nếu tính toán kỹ về giá trị kinh tế của công việc ấy, chính bạn sẽ thầm mong rằng họ có nghề khác, rằng kinh tế địa phương sẽ phát triển hơn, tạo ra những cơ hội việc làm khác.
Nếu ngói âm dương có được bảo tồn, bằng một nỗ lực bảo tồn văn hóa phi thường nào đó, nó cũng nên được sản xuất trong nhà máy. Cái khung cảnh người phụ nữ Nùng cầm chiếc “cung”, có sợi dây thép mảnh, cắt miếng đất sét vuông thành một mảng lớn, đắp quanh chiếc thùng để tạo ra viên ngói cong, chứa bao nhiêu thơ mộng. Nhưng bạn hiểu, rằng họ làm vậy, để con mình không phải làm điều đó nữa.
Thế thì, những ngày nghỉ lễ này, tại sao chúng ta không thể đứng dậy tìm về những khung cảnh ấy? Ta bình thản đón nhận rằng rồi có những điều thơ mộng sẽ trôi vào dĩ vãng. Nhưng cũng vì thế, ta tranh thủ kiếm tìm, ngắm nhìn và nâng niu vẻ đẹp của chúng. Ký ức về những điều đó sẽ ghi dấu rằng, ta đã sống ở một đất nước như thế, một thời đại như thế và mang những trải nghiệm không lặp lại như thế.
Đó là một ngôi làng nằm sâu trong những con đường độc đạo dắt vào thung lũng ở Cao Bằng - nơi những người Nùng đang làm ngói âm dương. Đó là một ngôi nhà sàn ở Đắk Lắk - nơi người nghệ nhân đẽo tượng gỗ Tây Nguyên đang già đi không có người nối nghiệp. Đó là một ngôi nhà trên đỉnh núi ở gần Bắc Giang, nơi một người thợ gốm vẫn đang nung những mẻ ấm chén, bát đĩa của mình bằng củi khô: ở khắp nơi, những lò nung bằng gas đã trở thành tiêu chuẩn vì khả năng giữ nhiệt độ chính xác của nó.
Hay đó chỉ là một sân khu tập thể nhỏ - thứ mà bạn biết rằng rồi đây sẽ được thay thế bằng một căn chung cư khang trang. Những bức tường đã mốc và nứt nhiều chỗ, nhưng chúng chứa đựng bao ký ức cơ hàn.
Thuở trước, tôi hay buồn khi nghĩ về những thứ sắp mất đi. Nhưng rồi qua thời gian, trong đời, chứng kiến nhiều điều trôi vào dĩ vãng, tôi nhận ra rằng có những thứ là tất yếu. Cho dù tôi có nhớ nhung cái cảm giác ngóng chờ điện thoại từ người yêu đến đâu, cái quầy điện thoại công cộng đầu ký túc xá đại học cũng không còn nữa. Cho dù tôi có tiếc khu nhà cũ ven sông Tam Bạc quê mình đến đâu, nó cũng phải được sang sửa, lát đá, lắp đèn đường – trở thành một “phố đi bộ” sáng trưng ánh sáng của thời đại.
Ngày Tết dạo này, người ta nói nhiều về những chuyến đi. Nhưng những chuyến đi không chỉ để kiếm tìm phong cảnh đẹp. Có những cái đẹp đặc biệt hơn: chúng chỉ tồn tại trong thời đại mà chúng ta đang sống.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/an-tet-hay-choi-tet--i720879/