Ân tình ông 'rộng bụng'

PTĐT - 18 năm trước, khi phân hiệu Trường cấp ba Văn Miếu (nay là Trường THPT Văn Miếu, huyện Thanh Sơn) đi vào hoạt động cũng là lúc căn nhà gỗ nằm ven trục đường nối cổng trường của gia đình ông Đinh Xuân Diễn (khu Dẹ 1, xã Văn Miếu) có thêm các thành viên mới là học sinh đến trọ học.

Tuổi đã cao nhưng ông Diễn vẫn thường xuyên hướng dẫn các cháu học bài buổi tối.

Tuổi đã cao nhưng ông Diễn vẫn thường xuyên hướng dẫn các cháu học bài buổi tối.

Từ đó đến nay, khóa học tiếp nối, lứa học sinh này ra trường lại có lứa khác đến xin thế chân, khu nhà ông ở luôn rộn tiếng cười vui, nhộn nhịp sắc đồng phục học sinh. Điều kiện kinh tế không mấy dư dả, tuy nhiên, không những cho học sinh trọ học hoàn toàn miễn phí, ông Diễn còn tận tâm dạy bảo, chăm lo cho các cháu từng miếng ăn giấc ngủ như con cháu trong gia đình. “Rộng bụng hơn rộng nhà”, nghĩa cử thể hiện tình cảm trong sáng, đôn hậu, trách nhiệm với cộng đồng của ông Diễn không những giúp các học trò vùng cao vơi bớt khó khăn, tiếp thêm động lực đến trường mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, lắng đọng niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống…

Học sinh trọ học sắp xếp sách vở và dọn phòng gọn gàng mỗi sáng trước khi đến trường...

Học sinh trọ học sắp xếp sách vở và dọn phòng gọn gàng mỗi sáng trước khi đến trường...

Vòng quay nhân đức!
Quá trưa, mặt trời đứng bóng, đang vui chuyện với khách bên ấm chè đặc sánh trong ngôi nhà khang trang, rợp mát bóng cây, ông Diễn chợt liếc nhìn đồng hồ trên tường rồi phân bua: “Các chú cứ ngồi uống nước tự nhiên. Thông cảm cho tôi, hôm nay tụi nhỏ học năm tiết, sắp tan rồi. Tôi vào nấu nồi canh cho các cháu về ăn cho nóng. Cơm nước xong cả rồi nhưng riêng canh thì khi nào ăn mới nấu sẽ ngon miệng hơn, chúng nó học cả buổi, bụng đói lắm rồi…”. Nồi canh bắt đầu sủi cũng là lúc tiếng trống trường gần đấy điểm nhịp. Ông Diễn chậm rãi tắt bếp, xếp dọn đồ ăn ra mâm. Ngoài sân, bà Hà Thị Hoa- vợ ông đi làm đồi cũng vừa về đến. Đặt chiếc gùi trĩu nặng rau xanh vừa hái vào góc bếp, bà lên nhà ngồi trước quạt máy cho ráo mồ hôi rồi vừa nhìn chồng lụi cụi trong bếp vừa thủng thẳng như giải thích: “Ông nhà tôi là thế đấy, giúp được ai cái gì là tận tâm như việc nhà mình. Cũng vì cảm phục cách sống nhân nghĩa, rộng bụng giúp đỡ người dưng của gia đình ông ấy mà tôi mới theo về làm dâu…”. Theo lời kể của bà Hoa, những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, khu vực này còn hoang vu, lạc hậu lắm. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào mấy khoảnh lúa nước cằn cỗi và các sản vật từ rừng. Miếng ăn, cái mặc hàng ngày còn chưa lo đủ nên chẳng mấy ai quan tâm đến việc học của con. Thêm vào đó, trường lớp cũng đơn sơ, tạm bợ, cả khu vực mấy xã lân cận chỉ có trường cấp hai Văn Miếu. Tốt nghiệp cấp một, muốn học tiếp cấp hai, học sinh các xã Thượng Cửu, Khả Cửu, Tam Thanh… phải lặn lội cõng gạo về Văn Miếu tìm nhà trọ học. Lúc bấy giờ, cụ thân sinh ra ông Diễn là Đinh Công Hiệu có ngôi nhà sàn gỗ rộng rãi, chắc chắn, vị trí gần trường học nên rất nhiều người đưa con đến xin trọ học. Dẫu vẫn lo ăn từng bữa, cụ Hiệu nhất định không lấy tiền trọ học của bất kỳ ai, nhà nào muốn gửi con cứ mang đến, có gạo góp gạo, có củi góp củi, đến bữa nấu ăn chung cả nhà, no đói đùm bọc nhau như người thân trong gia đình. Ngày ấy bà Hoa cũng trọ học gần nhà ông Hiệu, cảm phục phong cách sống nền nếp, gần gũi, trọng nhân nghĩa của gia đình mà dần thân quen, quý mến rồi nên duyên với cậu con trai trạc tuổi có tiếng hiếu học, tài hoa. Ngồi cạnh mẹ chồng, chị Hà Thị Đông cười bẽn lẽn. Chị là học sinh đầu tiên của phân hiệu cấp ba Văn Miếu, nhà xa, phải trọ học và cũng bén duyên về làm dâu nhà ông Diễn. Thế nên, chị rất đồng cảm, nhiệt tình ủng hộ bố mẹ chăm lo, giúp đỡ học sinh trọ học tại nhà. Quen thuộc, gần gũi như người thân trong gia đình, ông Hà Văn Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Văn Miếu bộc bạch: “Đúng như lời cổ nhân dạy “rộng bụng hơn rộng nhà”, trong điều kiện hoàn cảnh nào bác Diễn cũng nhiệt tâm giúp đỡ người khác rất vô tư, thoải mái. Ngày tôi lên Thanh Sơn trọ học cấp 3, bác Diễn mới về nhận công tác ở huyện, được bố trí ở gian nhà tập thể kê vừa chiếc giường cá nhân và chiếc bàn nhỏ. Vậy mà bác vẫn cho tôi ở nhờ, đùm bọc, chăm sóc suốt mấy năm học như em ruột. Có thể bác không còn nhớ nhưng tình cảm ấy không bao giờ tôi quên được…”. Ngoài sân, ba cô bé mặc đồng phục học sinh chưa bước chân vào nhà đã líu ríu cất tiếng chào ông bà. Từ gian bếp bước ra, lau mồ hôi đọng trên trán, ông Diễn cười hiền: “Vào nhà chào các bác các chú rồi rửa mặt mũi, chân tay cho thoải mái, ông cháu mình dọn mâm ăn cơm thôi kẻo bà cháu chờ lâu lại cáu bây giờ”.

...cùng vào bếp phụ ông Diễn chuẩn bị bữa cơm trưa.

...cùng vào bếp phụ ông Diễn chuẩn bị bữa cơm trưa.

“Ký túc xá” ân tình!

Đến giờ ông Diễn cũng chẳng thể nhớ nổi nhà mình đã cho bao nhiêu học sinh đến trọ học. Nhiều lần có khách lạ đến nhà chơi, nhắc chuyện ngày trước ở nhờ nhà bác, ông chỉ biết cười, chúc mừng các cháu đã khôn lớn, trưởng thành. Năm 2002, khóa học đầu tiên của Phân hiệu cấp 3 Văn Miếu đã có 3-4 học sinh đến ở nhà ông. Các khóa học tiếp nối, lứa này ra trường, lứa khác thế chân, từ gian nhà gỗ nay đã được thay thế bằng nhà xây khang trang, gia đình ông lúc nào cũng có 3-6 thành viên mới là học sinh trọ học. Từ lúc ông còn công tác trong ngành văn hóa của huyện đến khi nghỉ hưu, ai có nhu cầu cho con em đến trọ học, ông đều vui vẻ nhận lời mà không lấy bất cứ khoản tiền nào. Gia đình nào có điều kiện, hàng tuần mang gạo, củi đến cho con thì ông nhận, còn không gia đình vẫn nấu nướng phục vụ các cháu ngày ba bữa như con cháu trong nhà. Nói về chuyện này, ông Diễn cười vui: “Có gì đâu, tôi cũng trọ học từ nhỏ, sống nhờ sự giúp đỡ của bao nhiêu người. Cuộc sống có khó khăn, vất vả thì càng phải thương yêu, đùm bọc nhau. Tôi quan niệm hạnh phúc đời người là thấy vui, thoải mái mỗi ngày. Tuổi cao, kinh tế gia đình tuy không dư dả nhưng cũng không đến mức thiếu thốn, tôi thực sự thấy vui khi được giúp đỡ, thấy các cháu vui đến trường, trưởng thành”. Sinh năm 1949, ông Diễn từng là học sinh duy nhất của xã theo học lên cấp 3, rồi về Yên Sơn theo học trường vừa học vừa làm của Đoàn Thanh niên trước khi trúng tuyển vào Trường Văn hóa nghệ thuật, chuyên ngành chiếu bóng ở Hà Nội. Hơn chục tuổi, cậu bé nói tiếng phổ thông chưa thạo đã gùi gạo đi bộ 20-30 cây số theo học, sáng đi học, chiều lao động trên nông trường mía. Rồi những ngày tháng vào phục vụ bộ đội trong chiến trường B, ăn ngủ nhờ nhà dân dường như giúp ông Diễn thêm thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn, cực nhọc cùng khát vọng theo đuổi ước mơ của mỗi học trò. Thế nên, trong khả năng cho phép, ông luôn dành những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho các cháu. Ngôi nhà xây của gia đình ông dành riêng 1 phòng cho học sinh ở trọ với đầy đủ tủ đựng đồ cá nhân, bàn học, giường ngủ, đèn chiếu sáng, quạt máy, điều hòa nhiệt độ… Ngày nào cũng vậy, tự tay ông đi chợ, nấu nướng đầy đủ 3 bữa ăn cho cả gia đình. Hôm nào có người mời ăn cỗ, ông cũng phải nấu xong xuôi để các cháu tan học về có cái ăn rồi mới yên tâm đi. Biết các cháu xa nhà, thiếu thốn tình cảm trong khi tâm sinh lý đang trong giai đoạn phát triển, định hình, ông thường xuyên trò chuyện, quan tâm chia sẻ từng việc nhỏ, khéo léo chỉ dạy các cháu nền nếp sinh hoạt, ứng xử trong cuộc sống như người ông trong gia đình. Thời điểm này, trọ học tại nhà ông Diễn có hai chị em sinh đôi Hà Thị Kim và Hà Thị Hồng Nhung (lớp 11A5) và Đinh Thị Hoài Ngọc (lớp 11A7) cùng ở xóm Sinh, xã Khả Cửu, cách trường gần 20km. Lúi húi cùng bạn thu dọn góc học tập, Đinh Thị Hoài Ngọc hồn nhiên chia sẻ: “Lần đầu tiên sống xa nhà, chúng cháu bỡ ngỡ lắm, thấy lo sợ nữa. Lúc nào cũng chỉ muốn bỏ về với bố mẹ, nhưng nay thì quen rồi, có tuần bận học, chỉ gọi điện về nói chuyện cho bố mẹ yên tâm. Ông bà và cô chú hiền lắm, chúng cháu ở đây cũng thoải mái như ở nhà. Sau này có đi đâu thì cháu vẫn về thăm ông bà. Đây cũng là nhà chúng cháu mà…”.Bắt đầu hoạt động từ năm 2002, Trường THPT Văn Miếu (tiền thân là phân hiệu cấp 3 Văn Miếu) đón nhận học sinh khắp các xã quanh khu vực: Văn Miếu, Võ Miếu, Khả Cửu, Thượng Cửu, Đông Cửu, Vinh Tiền, Tân Minh, Tam Thanh, Long Cốc và Văn Luông… Nhiều học sinh nhà cách trường đến 25-30km trong khi trường chưa có cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu nội trú nên các em buộc phải ở trọ để theo học. Năm học này, trường có 20 lớp với 818 học sinh, trong đó có khoảng 220-230 học sinh ở xa. Ông Hà Tiến Công- Bí thư Đảng ủy xã Văn Miếu cho biết: “Có cầu ắt có cung. Phục vụ nhu cầu học sinh, nhiều gia đình quanh trường học đã cho thuê trọ. Để đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu học tập, chúng tôi phối hợp với nhà trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các gia đình cho thuê trọ và học sinh trọ học chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, ứng xử văn hóa, văn minh, giúp đỡ lẫn nhau. Trong số các nhà cho ở trọ có gia đình ông Đinh Xuân Diễn nhiều năm liền không những cho các cháu ở miễn phí mà còn quan tâm chăm sóc, dạy dỗ như người thân. Ông Diễn là đảng viên hưu trí, luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Nghĩa cử của ông và gia đình có tác động, lan tỏa rất lớn, tạo ấn tượng đẹp về con người Văn Miếu thân thiện, hiếu khách, trọng tình nghĩa”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà ông Diễn luôn đông khách nhất trong vùng. Ngoài hàng xóm láng giềng, người thân, phụ huynh học sinh trọ học, thi thoảng lại có người lạ chạy xe thẳng vào sân, cất lời chào bố mẹ như con cháu đi xa mới về, chuyện một lúc mới vỡ lẽ đấy là học sinh đã có thời gian trọ học. Bữa cơm hôm ấy nhà ông lại có thêm thành viên với những câu chuyện thân mật, ấm cúng. Theo thời gian, thành viên “ký túc xá”, người coi ông bà như ruột thịt thân thích cũng ngày một tăng. Ở đời, mấy ai có được diễm phúc như thế…

Đức Hoàng- Ninh Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202010/an-tinhong-rong-bung-173286