'Ẩn tình' Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và tín hiệu ngoại giao với Trung Quốc

Một ngày sau khi một đoàn tàu của Triều Tiên băng qua biên giới để lấy hàng từ Trung Quốc, nước này đã tiến hành vụ thử tên lửa thứ 4 trong vòng 2 tuần.

Hôm thứ Hai, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa về phía đông từ sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng. Theo Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc, các tên lửa này, nghi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), bay được khoảng 380 km ở độ cao tối đa 42 km. Vụ thử tên lửa này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Triều Tiên thử nghiệm hai SRBM từ bệ phóng trên toa tàu vào ngày 14/1 và đánh dấu vụ thử tên lửa thứ tư của Triều Tiên trong vòng chưa đầy hai tuần. Trước đó, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa siêu thanh vào ngày 5/1 và 11/1. Dựa trên thông tin do JCS công bố cho đến nay, các tên lửa này có thể là tên lửa KN-23, KN-24 hoặc KN-25 của Triều Tiên.

Hành động gây chú ý

Trong số các vụ thử này, vụ thử tên lửa từ các toa tàu đường sắt có lẽ là gây chú ý nhiều nhất từ cả Mỹ và Hàn Quốc. Vụ thử đó được tiến hành vào buổi chiều, điều bất thường vì Triều Tiên thường bắn thử tên lửa vào sáng sớm, và diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng công khai lên án việc Mỹ mới áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sáu cá nhân Triều Tiên có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Và sau khi Seoul hạ thấp sức mạnh công nghệ siêu thanh của Triều Tiên, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa siêu thanh để chứng minh các công nghệ tên lửa tiên tiến của nước này.

Vụ thử tên lửa từ đường sắt của Triều Tiên thu hút nhiều sự quan tâm của Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: KCNA/KNS/AP.

Vụ thử tên lửa từ đường sắt của Triều Tiên thu hút nhiều sự quan tâm của Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: KCNA/KNS/AP.

Có thể thấy, trong thời gian đầu năm 2022, nước này liên tục đáp trả các động thái của Mỹ và Hàn Quốc bằng việc thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, các hành động thử nghiệm vũ khí này vẫn bị giữ ở một mức độ hạn chế, kém xa so với các vụ thử trước đây của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã không tiến hành bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào hoặc thử tên lửa hạt nhân kể từ tháng 11/ 2017.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố tạm hoãn các vụ thử như vậy như một cam kết ủng hộ tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vào tháng 12/2019, sau khi không đạt được tiến bộ với phía Mỹ và Hàn Quốc, ông Kim nói rằng ông không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi lời hứa không thử tên lửa hạt nhân và ICBM, nghĩa là Triều Tiên có thể thử ICBM, bao gồm cả tên lửa có khả năng vươn tới đất liền Mỹ, trong tương lai.

Như vậy, dù chưa thực sự thử ICBM, thì các vụ thử SRBM là vừa đủ để cho thấy ý chí mạnh mẽ của ông Kim trong việc tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như không dấy lên phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Ra tín hiệu với Trung Quốc

Trong thời gian diễn ra các vụ thử tên lửa này, Triều Tiên cũng đồng thời nối lại hoạt động thương mại với Trung Quốc, một động thái giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng của nước này. Ngày 16/1, một chuyến tàu chở hàng từ thị trấn Sinuiju, Triều Tiên đã đến thành phố biên giới Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc.Tại Đan Đông, hàng hóa được bốc xếp lên tàu trước khi quay trở lại Triều Tiên vào ngày 17/1. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên mở lại biên giới sau một thời gian dài đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Có nhiều nguồn tin cho biết những nhu yếu phẩm cơ bản của cuộc sống như bột mì, đường và dầu ăn có thể là một trong những mặt hàng được chuyên chở lần này, cùng với một số sản phẩm hóa chất và hàng hóa theo yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Theo nhận định của Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc, sẽ mất khoảng 10 ngày để khử trùng đoàn tàu và sau đó chuyển được hàng hóa vào Triều Tiên. Nếu chuyến tàu lần này suôn sẻ, Triều Tiên có thể mở cây cầu nối qua sông Áp Lục vào cuối tháng Hai, một động thái cho phép trao đổi sôi động hơn giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh từ tháng Tư này.

Có thể thấy, Triều Tiên đang nỗ lực hết sức để nối lại giao thương sau khi dịch bệnh Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt kinh tế Liên Hợp Quốc áp đặt đối với nước này. Từ cuối tháng 1/2020, Triều Tiên đóng cửa biên giới và ngừng trao đổi hàng hóa với Trung Quốc khi các ca nhiễm virus corona gia tăng ở nước này.

Năm ngoái, Triều Tiên đã cố gắng mở lại biên giới để lấy hàng hóa và vật tư từ Trung Quốc, nhưng hệ thống khử trùng của nước này không sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp bất ngờ. Và lần này, việc tái khởi động thương mại với Trung Quốc không chỉ là một hành động nỗ lực khôi phục kinh tế mà còn có thể là một tín hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ cân nhắc tái thiết ngoại giao với cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy rõ chiến lược ngoại giao của Triều Tiên đang được triển khai theo hai hướng: Với đồng minh Trung Quốc, nối lại giao thương và tăng cường quan hệ; với đối thủ Mỹ và Hàn Quốc, liên tục thể hiện các hành động và tuyên bố cứng rắn. Điều này được thấy rõ khi xem xét các phát biểu gần đây của Bộ Ngoại giao Triều Tiên về các lệnh trừng phạt của Mỹ: "Nếu Mỹ áp dụng lập trường đối đầu như vậy, CHDCND Triều Tiên sẽ buộc phải có phản ứng mạnh mẽ hơn và chắc chắn hơn".

Như vậy, Triều Tiên có thể đang muốn quay lại tiến trình ngoại giao nhưng họ không muốn ngồi vào bàn đàm phán với thế yếu. Điều này đúng như tuyên bố của ông Kim về cách tiếp cận các cuộc đàm phán hạt nhân và quan hệ liên Triều là sẽ phản ứng với "sự thiện chí bằng sự thiện chí và đáp trả sức mạnh bằng sức mạnh".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/an-tinh-trieu-tien-lien-tuc-phong-ten-lua-va-tin-hieu-ngoai-giao-voi-trung-quoc-20220118163734218.htm