Ân tình với liệt sĩ
Lèn Hà là một ngọn núi đá ở bản Hà, thuộc xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Giữa lưng chừng núi có một hang đá rộng, cây cối dây leo che phủ. Năm 1967, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) chọn hang Lèn Hà làm Trạm Cơ vụ A69 (Trạm A69).
Trên hang đá bố trí máy móc tổng đài liên lạc, dưới chân núi là khu sinh hoạt và kho dự trữ chiến lược của Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134, Binh chủng TTLL). Trạm A69 có vị trí và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nơi đầu tiên nhận và truyền đạt thông tin cơ mật từ Hà Nội vào miền Nam, sang Nam Lào. Ngoài ra, Trạm A69 còn phục vụ Đoàn 559, Binh trạm 14, Binh trạm 12, Sư đoàn Phòng không 367 và một số đơn vị đứng chân trên địa bàn. Tuy khó khăn và nguy hiểm nhưng 5 năm liền cán bộ, chiến sĩ của trạm đã dũng cảm vượt qua bom đạn giặc Mỹ, ngày đêm bám đường dây, bám máy, bảo đảm TTLL, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trưa 2-7-1972 là một ngày hè rực lửa ở Lèn Hà. Máy bay Mỹ xuất hiện rồi ném bom vào khu lán trại của đơn vị. 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Mặc dù tổn thất nặng nề về người và phương tiện nhưng Trạm A69 vẫn nhanh chóng khắc phục và bảo đảm TTLL, phục vụ chiến đấu đến ngày toàn thắng. Đến nay, Trạm A69 là địa chỉ đỏ và ký ức không bao giờ quên của cán bộ, chiến sĩ Binh chủng TTLL cũng như nhân dân Quảng Bình.
Ngày 7-5-2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận hang Lèn Hà là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2017 tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch xây dựng khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình, tái hiện cuộc sống và công tác của cán bộ, nhân viên Trạm A69. Đó là việc làm cần thiết để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Song nhiều người dân ở bản Hà còn luôn nhớ đến hình ảnh vợ chồng cựu chiến binh Đinh Xuân Tiệu-Đinh Thị Lại hàng chục năm qua thầm lặng chăm sóc di tích, bằng sự tự nguyện và tình cảm đặc biệt với người đã khuất.
50 năm trước, ông Đinh Xuân Tiệu là cán bộ xã, vừa làm dân quân trực chiến, tham gia bắn rơi máy bay Mỹ và bắt biệt kích xâm nhập địa phương. Bà Đinh Thị Lại cũng vào dân quân từ khi 16 tuổi, lập nhiều chiến công. Sau khi cưới nhau, năm 1974, ông bà vào bản Hà xây dựng cuộc sống mới. Ông Tiệu, bà Lại từng cứu chữa bộ đội A69 vào ngày 2-7-1972 nên có ấn tượng đặc biệt. Ngoài việc tăng gia sản xuất, ông Tiệu ngày nào cũng lên hang thông tin, nơi có một số máy móc còn sót lại, làm bàn thờ và quét dọn sạch sẽ, rồi sắp xếp lại các bậc đá sau mưa bão làm hỏng, lau chùi bia tưởng niệm. Từ chân núi lên cửa hang có 169 bậc đá, dấu chân thầm lặng của người lính già tới thắp hương, chăm sóc di tích đã như in đậm trên từng bậc đá.
Tháng 9-2019 ông Tiệu qua đời vì tuổi cao sức yếu, bà Đinh Thị Lại tiếp tục thay chồng chăm sóc và hương khói cho liệt sĩ. Hiện nay, di tích rộng 12ha nhưng chỉ có hai người quản lý. Một cô là hướng dẫn viên, một anh là cán bộ văn hóa xã kiêm bảo vệ. Bởi vậy, công việc chăm sóc quét dọn khu di tích rất cần thêm nhân lực nên bà Lại tự nguyện đảm trách phần việc này. Mấy chục năm trước hai ông bà tự nguyện làm với tình cảm sâu sắc, không bao giờ nghĩ đến phụ cấp. Sau này huyện có bồi dưỡng mỗi tháng một ít tiền. Bà dành số tiền đó mua gương lược, bồ kết, hương hoa cho các nữ liệt sĩ. Đến nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng bà Lại vẫn chuyên cần với công việc quen thuộc hàng chục năm qua.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/an-tinh-voi-liet-si-654732