An toàn an ninh mạng - chiếc phanh xe để chuyển đổi số nhanh hơn, an toàn hơn

Đối với câu chuyện an toàn an ninh mạng, thanh niên được kỳ vọng sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng, tự bảo vệ mình, sau đó hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng

Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Tại Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Thủ tướng Chính phủ sáng ngày 26/3 với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia”, an toàn an ninh mạng là vấn đề được người trẻ đặc biệt quan tâm và đặt ra câu hỏi liên quan đến câu chuyện chuyển đổi số.

Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia”,

Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia”,

Một con số thống kê được đưa ra là ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trả lời về các giải pháp của Chính phủ để đảm bảo an toàn không gian mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng so sánh an toàn an ninh mạng giống như chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số.

“Chúng ta không phải dừng chiếc xe này lại mà cần chiếc phanh để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn. Con số thống kê mà bạn nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới”.

Dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng nhấn mạnh việc phải làm rất nhiều. Trong đó, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ TTTT, có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

Chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra, ông Huy cho biết chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.

Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.

 Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng

Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây chúng tôi tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời chúng tôi cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.

“Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thanh niên.

TN.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/an-toan-an-ninh-mang---chiec-phanh-xe-de-chuyen-doi-so-nhanh-hon-an-toan-hon-d211618.html