'An toàn an ninh mạng là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số'

'An toàn an ninh mạng được xem là phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn,' Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh VGP.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh VGP.

An toàn, an ninh mạng là nội dung được nhiều bạn trẻ quan tâm tại sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024, diễn ra ngày 26/3.

Tham gia đặt câu hỏi, bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm nêu: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, có đến 35% người dùng Internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?

Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu, trong 3 năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Một minh chứng rõ nét, Liên Hợp Quốc đã xếp Việt Nam vào danh sách 25 nước dẫn đầu trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu.

Hơn nữa, các giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ trong chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia. Theo đó, 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn an ninh mạng gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

"An toàn an ninh mạng được xem là phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Để bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên môi trường trực tuyến, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là cần bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng. Giải pháp này thuộc trách nhiệm của các nhà mạng, đơn vị cung cấp viễn thông, Internet đối với người dùng.

Cùng với đó là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp cho thiết bị, đây là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trước hết, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để đảm bảo an ninh mạng. Phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, tránh xảy ra trường hợp như sự cố CTCP Chứng khoán VNDirect ngày 24/3 đã khiến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty tạm thời không đăng nhập được.

Đồng thời, nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên. Đó là phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu; phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.

"Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng," Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/an-toan-an-ninh-mang-la-chiec-phanh-cua-chiec-xe-chuyen-doi-so-post33039.html