An toàn cho học sinh trong trường học: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Học sinh bị điện giật tử vong ở trường trong giờ ra chơi; học sinh bị cánh cổng nhà trường đổ sập vào người, gãy xương phải bó bột; hay một vụ sập sàn phòng học 60 năm tuổi mới đây làm 10 học sinh rớt từ tầng cao xuống đất, nhiều em bị chấn thương phải nhập viện…
Những vụ việc liên quan đến tai nạn liên tiếp xảy ra tại trường học trong thời gian gần đây đã khiến phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng...
Tai nạn thương tích “rình rập”
Sự việc học sinh lớp 2 bị điện giật tử vong trong giờ ra chơi tại Trường Tiểu học xã Tuy Lai A, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 24-10 không chỉ khiến gia đình, xã hội đau đớn, xót xa mà còn gieo thêm vào lòng phụ huynh nỗi bất an có thể xảy ra với con em mình trong trường học. Điều đáng nói, trước khi xảy ra sự cố này đã có hàng loạt tai nạn thương tích xảy ra trong môi trường học đường.
Mới đây nhất là tai nạn xảy ra với các em học sinh ở Trường Tiểu học Thạnh Quới A (huyện Long Hồ, Vĩnh Long). Trong khi khoảng 90 học sinh khối lớp 3 và 4 của trường đang ngồi học thì bất ngờ trần nhà và bóng đèn… đổ sập xuống đầu các em. Vụ việc khiến ít nhất 20 học sinh bị trần nhà rơi trúng đầu, có 9 em bị thương được thầy cô đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hay một vụ việc khác cũng được dư luận xã hội quan tâm là sự cố học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tam Quan I ( huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc) bị cánh cổng nhà trường đổ sập vào người gây gãy xương đòn vai trái, phải nhập viện bó bột.
Trước thềm năm học mới 2017-2018, vụ việc sập sàn phòng học 60 năm tuổi ở Trường THCS - THPT Đống Đa - TP Đà Lạt làm 10 học sinh rớt từ tầng 1 xuống tầng trệt, nhiều em chấn thương nặng phải nhập viện cấp cứu… cũng là một lời cảnh báo về sự an toàn của trẻ ở trường. Tại Hà Nội, vào năm 2018, các mảng trần lớn tại Trường THPT Trần Nhân Tông đã rơi trúng đầu học sinh khiến 3 em lớp 12 phải nhập viện.
Không chỉ trong lớp học, tai nạn thương tích còn đang rình rập học sinh trong giờ ra chơi và trong quá trình các em đến trường. Vào đầu tháng 5-2019, trong lúc học sinh Trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) đang giờ ra chơi buổi sáng, bất ngờ một thanh niên chạy từ bên ngoài vào trường, dùng dao đâm liên tiếp vào người các em. Hậu quả, 1 học sinh đã tử vong, 4 em khác và cô giáo bị thương.
Đầu tháng 4-2019, khi vừa đến trường, 1 học sinh lớp 7, Trường THCS Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã bị 1 nam phụ huynh đưa ra sân thể dục của trường để hành hung chỉ vì có xích mích với con trai của phụ huynh này. Cũng trong tháng 4-2019, tại Nha Trang, 1 gã đàn ông đã lẻn vào Trường Tiểu học Vĩnh Trường kéo 1 nữ sinh lớp 5 vào nhà vệ sinh thực hiện hành vi dâm ô.
Trước đó, vào tháng 11-2018, học sinh lớp 9 của Trường THCS Đức Thuận (phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cũng bị 2 thanh niên lạ mặt xông vào trường học hành hung…
Đặc biệt, chỉ sau một thời gian ngắn xảy ra vụ việc học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón tại Trường Gateway (Hà Nội), dư luận lại tiếp tục bàng hoàng với sự việc cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị bỏ quên trong xe đưa đón từ sáng sớm đến chiều, suýt nguy hiểm đến tính mạng.
Đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Không có nơi nào là an toàn tuyệt đối với trẻ, kể cả đó là môi trường gia đình hay học đường. Tuy vậy, dù ở môi trường nào, trách nhiệm của người lớn vẫn phải là ngăn ngừa, phòng chống các tai nạn thương tích, các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với trẻ.
“Trong môi trường học đường, an toàn phải luôn là yếu tố được nhà trường đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường cần chủ động loại bỏ các nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích; đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình” - PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Bà Lê Tuệ Minh, Hiệu trưởng Trường Wellspring cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một trường học an toàn cho học sinh. Trong đó, quan trọng nhất là phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro có thể xảy đến.
“Việc giữ gìn môi trường an toàn, thân thiện trong trường học là cần thiết, nhất là trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Để thực sự có một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội” - bà Minh nói.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Khi đi làm việc với các nhà trường, chúng tôi nhận thấy, mỗi nhà trường thật bé nhỏ, dễ bị tổn thương bởi chính sự đơn giản khi chúng ta nghĩ rằng “nhà trường là nơi an toàn nhất, mô phạm”, nhưng thực tế, nhà trường cũng dễ bị xâm hại; an toàn của học sinh, của nhà giáo cũng dễ bị phá vỡ nếu nhà trường không được tăng cường sự tự chủ, tự bảo vệ…
Nhiều trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học, phòng vệ sinh chưa được đảm bảo sạch sẽ, an toàn, đủ điều kiện để các con học, để giáo viên dạy. Nhiều nhà quản lí, nhiều giáo viên, phụ huynh cũng không được trang bị hiểu biết pháp luật, về quyền, về nghĩa vụ của mình. Những điều đó là tác nhân gây ra sự thiếu đồng bộ, và chắc chắn sẽ gây ra những sự cố đáng tiếc trong quá trình vận hành.
Cũng theo PGS Chu Cẩm Thơ, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được cả xã hội quan tâm. Do vậy, người lớn chúng ta cần quyết liệt hơn khi yêu cầu các địa phương phải đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất, dạy và học; làm tốt sự phối hợp giữa gia đình-nhà trường - xã hội trong việc thực thi, giám sát giáo dục; xử lí thật nghiêm những sai trái làm ảnh hưởng đến sự an toàn của trường học.
Khi chúng ta ý thức được rằng, bảo vệ nhà trường là bảo vệ chính mình, chính con em mình, là chuẩn bị cho tương lai thì khi đó chúng ta sẽ có hành động kịp thời vì sự an toàn thân thiện cho học sinh khi đến trường.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/can-su-chung-tay-cua-ca-cong-dong-567327/