An toàn cho nhà báo khi tác nghiệp

Khi các nhà báo dấn thân vào các điểm nóng, làm các đề tài nhạy cảm, dễ phải đối mặt với những tình huống thiếu an toàn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, rất cần có những yếu tố 'bảo hộ' để họ được an toàn và đảm bảo hiệu quả thông tin.

Vụ việc phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội bị hành hung. Ảnh cắt từ clip của hanoionline.vn.

Vụ việc phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội bị hành hung. Ảnh cắt từ clip của hanoionline.vn.

Dễ đối mặt hiểm nguy

Thời gian gần đây, vẫn liên tiếp xảy ra các vụ việc các phóng viên bị hành hung, đe dọa khi tác nghiệp.

Đơn cử ngay trong đầu tháng 6 đã xảy ra vụ việc phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội bị đánh tới tấp khi đang ghi hình việc mua bán quạt tích điện tại khu vực vỉa hè trước cửa hàng quạt điện số 19 Đông Các, khu vực Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội). Theo phản ánh, khi phóng viên đang tác nghiệp thì có một đối tượng xông ra, yêu cầu không quay phim, chụp ảnh. Mặc dù được giải thích khu vực tác nghiệp dưới lòng đường, ở nơi không có biển cấm quay phim, chụp hình nhưng đối tượng trên vẫn lớn tiếng quát mắng, túm cổ áo và đạp ngã phóng viên. Sau đó, một đối tượng khác cũng tham gia hành hung; đến khi phóng viên bị đánh đã nằm gục trên đường, hai đối tượng này vẫn tiếp tục đấm đá. Thậm chí, khi phóng viên được đồng nghiệp đưa lên xe, những đối tượng này vẫn đi theo xe và uy hiếp. Phóng viên này đã được khẩn trương đưa vào bệnh viện để cấp cứu, được chẩn đoán bị đa chấn thương.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các phóng viên đã trình báo Công an phường Ô Chợ Dừa để làm rõ vụ việc. Công an phường Ô Chợ Dừa đã bàn giao 2 đối tượng cho Công an quận Đống Đa củng cố hồ sơ, xử lý.

Cũng là vụ việc nghiêm trọng, khoảng cuối tháng 4 - đầu tháng 5 vừa qua, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn (bút danh Tuấn Nguyễn), phụ trách Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đi triển khai tuyến bài liên quan đến việc mua bán đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã bị một số đối tượng không rõ danh tính gọi điện đe dọa, uy hiếp tính mạng của anh và gia đình.

Hình ảnh khai thác đất trái phép mà phóng viên báo Tiền phong ghi nhận. Ảnh: PVCC

Hình ảnh khai thác đất trái phép mà phóng viên báo Tiền phong ghi nhận. Ảnh: PVCC

Nhà báo Tuấn Nguyễn trong những ngày tác nghiệp tại viết bài về việc mua bán đất nông nghiệp trái phép. Ảnh: PVCC

Nhà báo Tuấn Nguyễn trong những ngày tác nghiệp tại viết bài về việc mua bán đất nông nghiệp trái phép. Ảnh: PVCC

Theo phản ánh của báo Tiền Phong, trong quá trình tác nghiệp viết bài về việc mua bán đất nông nghiệp trái phép để thi công một số tuyến đường giao thông ở Đắk Lắk, nhà báo Tuấn Nguyễn đã liên lạc và làm việc với chính quyền xã Ea Ktur. Sau đó liên tiếp có 2 người đàn ông sử dụng cùng một số điện thoại thay nhau gọi đến số máy của nhà báo Tuấn Nguyễn, dọa giết cả nhà anh nếu anh còn đặt chân xuống đất Cư Kuin…

Hai đối tượng dọa giết nhà báo Tuấn Nguyễn. Ảnh: PVCC

Hai đối tượng dọa giết nhà báo Tuấn Nguyễn. Ảnh: PVCC

Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Chi hội nhà báo Báo Tiền Phong đã ngay lập tức có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo sự việc. Ngay lập tức, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk có biện pháp bảo vệ an toàn cho phóng viên báo Tiền Phong. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề nghị điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng đe dọa, xúc phạm uy tín danh dự người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng phối hợp cùng Chi hội nhà báo báo Tiền Phong bám sát quá trình điều tra, xử lý của cơ quan chức năng, để đảm bảo những hiện tượng cản trở, đe dọa các nhà báo - hội viên được xử lý nghiêm khắc, bảo vệ quyền hành nghề, danh dự cũng như tính mạng, sức khỏe của nhà báo.

Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm dễ phải đối mặt khi tác nghiệp, nhất là khi triển khai các đề tài trong các điểm nóng, nhạy càm, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay cho rằng: “Đối với các nhà báo điều tra, họ có thể bị lộ bất cứ lúc nào, từ khi tác phẩm đang được triển khai, chưa được đăng tải, cho đến lúc đăng tải và sau này khi nhận các giải thưởng báo chí, đều có thể bị lộ. Muốn an toàn, phóng viên chỉ có thể cố gắng không lộ danh tính”.

Nhà báo Chu Trung Đức, kênh VOV Giao thông cũng chia sẻ khi thực hiện đề tài “Vỉa hè đang thật sự nuôi ai?”, anh cũng bị các đối tượng được thuê theo dõi đến tận trụ sở cơ quan làm việc, tiếp cận và dùng những lời lẽ đe dọa tôi, thậm chí họ còn dùng tiền để mua chuộc.

Tạo điểm tựa an toàn, vững vàng

Khi các phóng viên dấn thân vào các điểm nóng, làm các đề tài nóng, nhạy cảm, rất cần có những yếu tố “bảo hộ” để họ an toàn và đảm bảo hiệu quả thông tin.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, thời gian qua, Hội luôn kịp thời bày tỏ ý kiến và kiến nghị quyết liệt các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo. Nhiều vụ cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố bắt tạm giam các đối tượng hành hung phóng viên...

Theo các nhà báo, cần xây dựng một đội ngũ tư vấn pháp luật là những luật sư, những người công tác trong các cơ quan bảo vệ và thi hành pháp luật để tư vấn cho Ban Biên tập, các cán bộ, phóng viên một số tình huống có thể vi phạm luật trong quá trình tác nghiệp; tư vấn cách thức phòng tránh khi bị hành hung... Bên cạnh đó, bản thân các nhà báo khi gặp cản trở, bị đe dọa trong hoạt động tác nghiệp, các cơ quan cần phải lên tiếng ngay. Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí kịp thời phản ánh thông tin nhanh và chính xác để tạo thành áp lực dư luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công quyền nghiêm túc vào cuộc xử lý. Khi toàn xã hội cùng đồng tình, lên án hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, sẽ là phương thức bảo vệ tốt nhất cho nhà báo. Đặc biệt, các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo phải là “chỗ dựa vững chắc” để nhà báo, phóng viên an tâm tác nghiệp một cách chính đáng, đúng pháp luật…

Bên cạnh đó, để an toàn khi tác nghiệp, trước hết, các nhà báo cũng cần phải biết tự bảo vệ mình. Chính bản thân các nhà báo cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp, có tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật; thực hiện đúng quy trình, quy phạm tác nghiệp…

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, khi nhà báo buộc phải lộ mình trong các đề tài nhạy cảm, phải gặp gỡ trực tiếp với những người có liên quan để phỏng vấn thì nên đi theo nhóm, bảo vệ nhau; cần có sự tinh tế, luôn có thống nhất với nhau về các phương án an toàn, hỗ trợ nhau thu thập thông tin, hình ảnh tạo tính chân thực đa dạng, có chiều sâu cho tác phẩm… Trước sự manh động của các đối tượng, phóng viên cần có những kỹ năng mềm để thoát thân để tự đảm bảo an toàn cho mình.

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng thư ký tòa soạn báo Lao động cũng cho rằng, để tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy hoặc cám dỗ xung quanh, bản thân các nhà báo, nhất là nhà báo điều tra phải am tường các quy định của cơ quan, của pháp luật để thực hiện tác nghiệp theo đúng các quy tắc và quy định của pháp luật hiện hành. Mỗi nhà báo cần coi trọng sứ mệnh nghề nghiệp cao quý, rèn tố chất và nội lực, bản sắc riêng của mình, cố gắng xây dựng hình ảnh của một nhà báo chân chính, có tâm và có tầm, biết vận dụng ảnh hưởng từ vị thế của mình để phục vụ đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân về quyền được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, tận tâm đấu tranh vì lẽ phải, sự công bằng bằng.

"Nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân", Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/an-toan-cho-nha-bao-khi-tac-nghiep-20230616232415383.htm