AN TOÀN GIAO THÔNG CHO 'NGƯỜI Ở LẠI'

Từ năm 2005, Liên hợp quốc chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm là 'Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT)'. Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì TNGT thuộc nhóm cao trên thế giới, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động này kể từ năm 2012.

Năm nay, chủ đề của “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” vẫn như nhiều năm trước, đó là: “Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại”. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề này được lặp đi lặp lại, đó là vì an toàn giao thông (ATGT) đối với “người ở lại” là mong mỏi, ước nguyện và hạnh phúc của tất cả chúng ta. Tưởng nhớ người không may mắn tử vong vì TNGT cũng là dịp để mỗi người, mỗi gia đình và tổ chức, toàn xã hội cùng nhìn nhận, đánh giá, rút ra bài học, đề ra những giải pháp phù hợp, từ đó làm tốt hơn công tác bảo đảm ATGT trong thời gian tới.

 Ảnh minh họa. Nguồn: mt.gov.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: mt.gov.vn

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm nước ta có gần 10.000 người tử vong vì TNGT. Như vậy, mỗi ngày có gần 30 người ra đường tham gia giao thông nhưng mãi mãi không trở về nhà! Thiệt hại hữu hình vì TNGT là rất lớn, đồng thời thiệt hại vô hình vì TNGT cũng không hề nhỏ, bởi đằng sau mỗi trường hợp tử vong, bị thương nặng... là một hoàn cảnh, một gia đình. Biết bao gia đình từ khá giả bỗng chốc rơi vào cảnh bần hàn chỉ vì người cha, người mẹ-lao động chính trong nhà, tử vong vì TNGT. Biết bao đứa trẻ đang sống hạnh phúc, tương lai phơi phới bỗng chốc trở thành mồ côi, cuộc sống phía trước mờ mịt khi TNGT cướp đi cả cha và mẹ của mình... Có thể nói, TNGT đã và đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, đây phải được xác định là một nguy cơ mà mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội phải chung tay, quyết liệt phòng, chống bằng được, nếu không, TNGT sẽ tiêu diệt chính chúng ta!

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra TNGT, từ hệ thống đường sá, kết cấu hạ tầng giao thông chưa bảo đảm; công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập đến ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân chưa cao, tình trạng điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định, vượt ẩu, uống rượu, bia vẫn lái xe... còn xảy ra khá phổ biến. Vì vậy, để đẩy lùi TNGT cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về quản lý nhà nước; giáo dục, tuyên truyền; kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm... Và “giải pháp của giải pháp” chính là phải cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATGT nhằm tạo hành lang pháp lý, cơ sở vững chắc để triển khai các giải pháp nói trên.

Những năm gần đây, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Điển hình như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt... được ban hành đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc “nói không” với rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Theo chương trình Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành thời gian thảo luận, cho ý kiến vào hai dự án luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Mong rằng các vị đại biểu Quốc hội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung xây dựng luật bảo đảm chất lượng, có tính khả thi cao, góp phần thiết thực ngăn chặn, đẩy lùi TNGT, mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, thấm nỗi đau sâu sắc do TNGT gây ra, chúng ta mong pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT được duy trì nghiêm túc để thực sự tạo chuyển biến về nhận thức của mọi người; mong toàn xã hội cũng như mỗi người đều có ý thức nhắc nhở nhau chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT để không phải ân hận, xót xa...

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/an-toan-giao-thong-cho-nguoi-o-lai-643857