An toàn như… đề Ngữ văn

Sau khi kết thúc mỗi kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT, đề thi môn Ngữ văn năm nào cũng được bàn luận sôi nổi. Nhiều năm gần đây, đa phần đề thi văn tốt nghiệp chỉ dừng lại ở mức an toàn, chưa có nhiều đột phá và đặc biệt là rất dễ đoán. Trong khi đó đề thi cần có độ mở để học sinh và cộng đồng thấy được sự thú vị của văn chương...

Cần có sự đổi mới trong đề thi môn Ngữ văn.

Cần có sự đổi mới trong đề thi môn Ngữ văn.

“Dễ thở” nhưng khó phân loại

Kỳ thi tốt nghiệp THCS tại Hà Nội vừa qua, đề thi môn Ngữ văn tập trung vào truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê và một đoạn trích trong bức thư người bố gửi cho con. Đa số thí sinh sau khi làm bài xong đề thở phào, cảm thấy đề thi năm nay tương đối dễ và tự tin sẽ đạt điểm sẽ cao.

Đánh giá đề Ngữ văn, PGS.TS Đào Duy Hiệp - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Nhìn lướt qua đề thi có cảm giác “dễ thở” nhưng chưa hay lắm, trước đó trong hình dung của tôi đề thi phải khó hơn. Đề thi văn xuôi về tình cảm đồng đội, tình cảm gia đình với các câu lệnh bám sát nội dung, gợi hướng trả lời khá rõ. Chắc hẳn năm nay, mặt bằng điểm trung bình hoặc khá sẽ dồi dào, nhưng cũng nhiều điểm giỏi với những học sinh có học lực vững vàng, ôn luyện kĩ. Cũng vì thế mà “cuộc chiến” vào trường công, nhất là trường điểm năm nào cũng tạo ra những hồi hộp, chờ đợi ở phụ huynh và các thí sinh.

Năm ngoái, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn THCS của Hà Nội cũng được cho là khá dễ và vừa sức với thí sinh, không có sự đột biến. Đề thi tốt nghiệp dễ không chỉ xuất hiện ở các kỳ thi của khối THCS, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trong hai năm 2021, 2022 thực trạng đề thi với những lệnh đề “cảm nhận”, “phân tích” cũng được đánh giá là quá dễ, chưa thể phân loại được chất lượng của thí sinh. Tuy nhiên nếu nhìn lại đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2019 thì rất nhiều người cho rằng đây là một đề thi khó, chỉ nên dành cho những học sinh có học lực khá giỏi trở lên. Thực trạng đề dễ thì chê, đề khó thì kêu than vẫn cứ diễn ra, liệu nguyên nhân có phải do cấu trúc đề thi đã cũ?

Theo TS Diêu Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn: Rất khó để đánh giá chất lượng đề thi môn Ngữ văn. Thông thường đề thi cho đối tượng học sinh phổ biến là dựa trên cấu trúc đề thi đã công bố. Đề thi tốt nghiệp mấy năm nay trước hết là đúng với cấu trúc, nhưng cấu trúc cho sẵn thì thường là khá khuôn mẫu và lâu dần thì thành nhàm chán. Cho nên đề thi ít có đột phá, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc.

Đoán đề, tủ đề cũng không còn xa lạ

Đa phần đề thi môn Ngữ văn hiện nay được xây dựng dựa theo chương trình học, cấu trúc đề giữ nguyên qua nhiều năm nên thí sinh cũng đã quá quen với các dạng câu hỏi của đề. Những đề thi mới, sáng tạo, không lệ thuộc vào văn mẫu như đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn THCS ở TPHCM vừa qua là rất hiếm gặp.

Phần lớn cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay thi tốt nghiệp THPT, ngữ liệu của phần đọc hiểu thường được lấy ở ngoài sách giáo khoa, phần làm văn thường là cảm nhận, suy nghĩ, phân tích những tác phẩm, đoạn trích văn học trong chương trình sách giáo khoa. Mặc dù đề thi luôn có phần điểm sáng tạo nhưng không nhiều, chỉ dao động từ 0,5 - 1,0 điểm trong thang điểm 10 của bài văn nên tác dụng phân loại chất lượng thí sinh sẽ khá khó khăn.

Thực tế, một số đề thi Ngữ văn ở các tỉnh chưa có sự đầu tư nghiêm túc. Đề thi còn na ná nhau, chẳng hạn như đề thi tốt nghiệp THCS của tỉnh Long An và Bình Phước đều lấy ngữ liệu từ bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn 9. Cả 2 đề thi cùng hỏi trùng nội dung ở câu 1 như sau: Đoạn thơ trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? (câu 1,0 điểm - đề thi tỉnh Bình Phước); Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ nào? Tác giả là ai? (đề thi tỉnh Long An).

Chính vì quá thạo với lối ra đề, chỉ tập trung vào chừng ấy cách hỏi, và chừng ấy tác phẩm văn học nên thực trạng người dạy, người học, người quan tâm đến giáo dục… đoán đề, tủ đề cũng không còn xa lạ. Với cách ra đề hiện nay thì những giáo viên, những người quan tâm đến các kỳ thi đều có thể làm các phép tính toán, suy luận để loại trừ những tác phẩm đã ra, tác phẩm ít ra và tác phẩm nằm trong nhóm “có khả năng cao”. Việc trang Facebook Kaito Kid đoán trúng tác phẩm trong đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2022 và 2 năm trước đó (năm 2021, 2020) khiến cho cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Theo phân tích của TS Diêu Lan Phương: Khi nội dung thi gói gọn trong sách giáo khoa và sách giáo khoa của chương trình cũ thì chỉ có duy nhất một bộ, vì vậy việc loanh quanh với mấy tác phẩm là điều đương nhiên. Cho nên việc đoán đề, học tủ là hiện tượng có thật và cũng khá phổ biến. Tôi nghĩ đôi khi học sinh làm phép loại trừ, giáo viên có thêm kinh nghiệm là cũng có thể khoanh vùng được một số điểm.

Nếu vẫn học, vẫn thi, vẫn chấm văn như hiện nay sẽ rất khó để đổi mới môn Ngữ văn trong các trường học. Bởi vậy cần có sự đổi mới trong cấu trúc và chất lượng thì đề thi mới phát huy được vai trò đánh giá, phân loại học sinh vốn có của nó.

Sắp tới là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, để có một đề thi văn hay và tốt, TS Diêu Lan Phương cho rằng, đề thi cần có những tiêu chí cần thiết như: Đánh giá, phân loại được năng lực của học sinh. Chất lượng đề cần có ngữ liệu hay, đẹp để qua đề thi học sinh cũng nhớ được câu văn câu thơ nào đó, nhận ra được một điều gì đó. Cần có độ mở để học sinh và cộng đồng thấy được sự thú vị của văn chương...

TS Diêu Lan Phương kỳ vọng, trong những năm tới, khi áp dụng chương trình GDPT mới 2018 theo hướng đánh giá năng lực thì đề thi Ngữ văn cũng sẽ thay đổi tích cực nhằm đánh giá được năng lực học của học sinh để giúp việc phân loại chất lượng từng thí sinh dễ dàng hơn.

NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-toan-nhu-de-ngu-van-5720870.html