An toàn thông tin đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức nghiêm trọng

Không gian mạng đã trở thành môi trường sống mới, một nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân trên thế giới với sự bùng nổ của công nghệ số, không gian mạng mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn an ninh mạng thậm chí đe dọa đến anh ninh quốc gia.

Ngày 15/6, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề lý luận về an ninh mạng như quan niệm, đặc điểm, mối quan hệ của an ninh mạng với an ninh phi truyền thống trong nền an ninh quốc gia; các hành vi xâm phạm, các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; ứng phó với các vấn đề an ninh mạng…

38% hệ thống thông tin chưa được bảo đảm hệ thống thông tin theo cấp độ

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có quan niệm về an ninh quốc gia khác nhau xuất phát từ vị thế và trình độ phát triển của quốc gia đó. Trong một quốc gia thì quan niệm về an ninh quốc gia ở mỗi giai đoạn lịch sử cũng có những nội dung mới để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT ước tính trên thế giới mỗi giây có khoảng 1000 cuộc tấn công không gian mạng, 5 mã độc mới được tạo ra cũng với 40 lỗ hổng mỗi ngày. Trong năm 2022, toàn thế giới có 30 tỉ cuộc tấn công mạng tức là trung bình mỗi người dân kể cả những người không sử dụng không gian mạng chịu khoảng 3,5 cuộc tấn công mạng.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, tại Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống – đây là những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

 Ông Trần Đăng Khoa - Cục Phó Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Trần Đăng Khoa - Cục Phó Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chia sẻ tại Hội thảo.

Thực trạng vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia ở nước ta đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới cũng như tác động tiêu cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Trần Đăng Khoa - Cục Phó Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng sự phức tạp của mối đe dọa trên không gian mạng về an toàn an ninh mạng ngày càng tăng do xu thế áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, 5G, Big Data...

"Đặc biệt trong đó có sự phối hợp của các tin tặc với các tổ chức chính trị thậm chí chính phủ của một số quốc gia. Các cuộc tấn công mạng mang màu sắc chính trị hướng vào các thông tin quan trọng của các cơ quan chính phủ, ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp và tinh vi.

Gián điệp mạng, khủng bố mạng và xung đột có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến chủ quyền quốc gia, thể chế chính trị. Nga và Ukraine trước xung đột về vũ trang đã có xung đột trên không gian mạng - một thực tiễn rõ rệt nhất về việc không gian mạng có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị", ông Trần Đăng Khoa cho biết.

Tại Việt Nam, công tác chuyển đổi số trong thời gian vừa qua cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Công tác an toàn và an ninh mạng cũng tương tự như vậy được gắn chặt để xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng do đó hệ thống hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng tại nước ta đến nay cơ bản được hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, bên cạnh những điểm đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế phải thẳng thắn chỉ ra để từ đó có định hướng triển khai công tác an toàn, an ninh mạng quốc gia trong cái thời gian tới đó là: 38% hệ thống thông tin chưa được bảo đảm hệ thống thông tin theo cấp độ - đây là một tỷ lệ chưa đáp ứng được yêu cầu - cũng có thể hiểu là những hệ thống này đang không tuân thủ pháp luật về bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Nhân sự chuyên trách về quản lý an ninh mạng còn yếu. Trên thế giới hiện đang thiếu 50% về nhân sự và đó cũng là con số ở Việt Nam đang thiếu, trong khi đó làm an toàn an ninh mạng nguồn nhân lực là rất quan trọng. Hơn nữa, nhân sự ở Việt Nam còn yếu về chuyên môn và thiếu kinh nghiệm thực chiến. "Nhận thức về an toàn an toàn an ninh mạng của các đơn vị tổ chức còn hạn chế do đó thực trạng lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân còn phổ biến", ông Khoa cho biết thêm.

Vấn đề an ninh mạng đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, chúng ta đang chứng kiến một cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng trong thế giới ảo này, tất cả các quốc gia đều lo lắng về an toàn, an ninh mạng. Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

 PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về sự cấp thiết của vấn đề anh ninh mạng.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về sự cấp thiết của vấn đề anh ninh mạng.

Năm 2022, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng. Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội. Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin trọng yếu của an ninh quốc gia nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, gây gián đoạn hoặc chiếm quyền điều khiển diễn ra thường xuyên hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, vấn đề an ninh mạng đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm những phương châm, kế sách, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện mới.

 PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu về vấn đề an ninh tư tưởng.

PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu về vấn đề an ninh tư tưởng.

Vấn đề an ninh tư tưởng được coi là nội dung chủ chốt - là một bộ phận không thể tách rời của an ninh quốc gia; của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật để chống phá Việt Nam, đặc biệt là gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá nhằm tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Do đó, thời gian tới theo PGS.TS Lê Hải Bình cần coi trọng hơn nữa và đẩy mạnh tiến hành đồng bộ, toàn diện các biện pháp bảo đảm an ninh tư tưởng trên thực địa cũng như trên không gian mạng. Cần có sự nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác bảo đảm an ninh tư tưởng nói chung và bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng nói riêng.

"Công tác tuyên truyền cũng phải được ưu tiên, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền trên không gian mạng, chú trọng xây dựng lực lượng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Để bảo đảm an ninh tư tưởng, tuyên truyền phải gắn với thực tiễn đời sống xã hội, phải bảo đảm lập trường rõ ràng theo đường lối chính trị, hướng tới gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân", ông Bình nêu giải pháp.

Phan Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/an-toan-thong-tin-dang-phai-doi-dien-voi-nhieu-nguy-co-thach-thuc-nghiem-trong-post251703.html