An toàn thông tin sinh viên cần được chú trọng trong thời kỳ chuyển đổi số
Chiều ngày 7/11, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP. HCM) phối hợp trường ĐH An ninh Nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học 'An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số'.
Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về các mối đe dọa an ninh trong môi trường số, tạo ra một sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn trực tuyến. Các diễn giả là những chuyên gia an ninh, chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin; góp phần đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của an ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số; chia sẻ công nghệ và các giải pháp đảm bảo an ninh sinh viên.
Sau 2 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận về 88 bài tham luận của 177 tác giả, từ 28 đơn vị, là các trường đại học, học viện, doanh nghiệp và viện nghiên cứu trong và ngoài TP. HCM.
Poster dự thi tại hội thảo của Đinh Thị Ánh Dương (sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM) đề cập đến tình trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân của sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số: “Tình trạng dữ liệu sinh viên đang bị rò rỉ, đánh cắp diễn ra công khai và rất phổ biến. Qua phần trình bày này, mình muốn bảo vệ dữ liệu sinh viên một cách tốt nhất. Bởi về pháp lý hay thực tiễn đều có những bất cập nhất định. Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên cũng chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề an toàn thông tin cá nhân”, Ánh Dương chia sẻ.
Chia sẻ về lý do bị lộ thông tin cá nhân trở nên phổ biến như hiện tại, Ánh Dương cho rằng, nhiều thông tin được chia sẻ một cách công khai trên các nền tảng xã hội như số điện thoại, ngày tháng năm sinh đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi mua bán dữ liệu. Hoặc các trang web có độ bảo mật thông tin thấp cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân.
Trước khi trở thành sinh viên trường ĐH An ninh Nhân dân, Võ Lộc cũng từng gặp phải trường hợp bị lừa đảo bởi ứng dụng chứa mã độc. Trước đây, anh thường thích cài một số ứng dụng không có bản quyền vào điện thoại. Thông thường, Lộc sẽ cài ứng dụng ở những trang web có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, một lần, ứng dụng mà anh muốn cài không có ở những trang web quen thuộc, nên anh đã cài ứng dụng ở một trang web nước ngoài. Trong quá trình cài đặt, ứng dụng yêu cầu cấp quyền sử dụng và vô tình một quyền Lộc cấp trước khi truy cập vào ứng dụng đã cho phép ứng dụng truy cập vào tin nhắn, làm Lộc mất hết tiền trong tài khoản sim điện thoại.
Võ Lộc cho rằng, việc bị lộ thông tin cá nhân vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan. Khi tham gia môi trường mạng, việc bị lộ thông tin cá nhân là khó có thể tránh khỏi, nhưng sẽ tùy mức độ. Vì thế, người dùng, đặc biệt là các bạn sinh viên nên cẩn trọng hơn khi chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.
Tham luận “Nâng cao năng lực của sinh viên trong việc ứng phó với các rủi ro từ công nghệ Deepfake” của Trần Lê Trọng Văn (trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM) là một trong 6 tham luận được chọn báo cáo thuyết trình trước Hội đồng. Ý tưởng tham luận của Trọng Văn xuất phát từ mong muốn giúp các bạn sinh viên hiểu rõ về rủi ro khi sử dụng công nghệ AI tạo dựng hình ảnh, bởi vì chính người bạn của Trọng Văn cũng đã từng là một nạn nhân của Deepfake. Khi đó, bạn của Văn nhận được cuộc gọi ảo từ người thân báo tin đang gặp tai nạn. Dù cuộc gọi rất chập chờn nhưng do hoảng loạn, bạn của Văn vẫn gửi tiền theo yêu cầu và khi liên hệ lại thì được người thân báo đã bị hack tài khoản Facebook.
Chia sẻ thêm về vấn nạn Deepfake, Trọng Văn còn cho biết, bên cạnh việc các đối tượng xấu có thể lợi dụng hình ảnh của các bạn sinh viên để đăng lên mạng xã hội, tạo dựng video lừa đảo, bôi nhọ danh dự, các bạn sinh viên cũng cần cẩn thận trong việc sử dụng công nghệ AI vì loại công nghệ này có thể thu thập hình ảnh người dùng để tạo cơ sở dữ liệu hoặc dùng cho mục đích thương mại như mua bán thông tin.
Sau khi Phiên chấm báo cáo Poster kết thúc, Hội đồng sẽ họp kín, chọn ra 6 bài có chất lượng nhất vào thi báo cáo.
Bên cạnh gặp rủi ro về an ninh thông tin cá nhân thì vấn đề thanh niên, sinh viên bị các tổ chức phản động lôi kéo trên không gian mạng cũng được đề cập ở Hội thảo, qua báo cáo của diễn giả chính của phiên toàn thể là Thượng tá, TS Ngô Bích Thủy (Cục An ninh nội địa, Bộ Công an), với chủ đề “Nhận diện hoạt động tác động, lôi kéo thanh niên, sinh viên qua không gian mạng của các tổ chức phản động và trao đổi một số hoạt động phức tạp của người có ảnh hưởng trên không gian mạng (KOL) thời gian qua”.
Thượng tá, TS Ngô Bích Thủy cho biết, nhiều tổ chức phản động lợi dụng nhu cầu học tập của các bạn thanh niên, sinh viên tổ chức các cuộc thi hoặc các lớp đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng truyền thông, kỹ năng lãnh đạo… hay các ứng dụng học ngoại ngữ, tin học để tác động, lôi kéo, cần hết sức cẩn trọng để phân biệt và trang bị kiến thức để cảnh giác trước những trường hợp như vậy.
Hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số” có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực An ninh mạng trong cách mạng công nghiệp 4.0, giúp chia sẻ các nghiên cứu, ứng dụng mới nhất và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.