An toàn thực phẩm cho trẻ mầm non
Hầu hết các trường mầm non trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đều thực hiện bán trú. Vì thế, vấn đề an toàn thực phẩm cho trẻ được các trường chú trọng.
Đến Trường Mầm non ABC TP.Quảng Ngãi đúng vào lúc các cô cấp dưỡng tất bật với công việc chế biến thức ăn trưa cho trẻ. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bếp ăn được bố trí ngăn nắp, sắp xếp sạch sẽ.
Bếp trưởng Lê Thị Như Ngọc chia sẻ: Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, tôi luôn nhắc nhở chị em phải đảm bảo vệ sinh. Tất cả các nguyên liệu chế biến thức ăn phải để trên bàn cách mặt sàn từ 20 - 40cm. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, bộ phận chế biến phải nấu thức ăn trước giờ ăn tầm 30 phút, nhằm đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh thức ăn cho trẻ.
Các cô cấp dưỡng Trường Mầm non ABC chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non ABC Nguyễn Thị Sen, nguồn thức ăn nhà trường ký hợp đồng với nhà cung cấp đảm bảo nguyên liệu tươi ngon, sạch, rõ nguồn gốc và có hạn sử dụng. Hằng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm, tổ nuôi, ban giám hiệu tiến hành kiểm tra thực phẩm rất kỹ, nhằm tránh thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình chế biến, trường luôn nhắc nhở các cô cấp dưỡng phải thực hiện đầy đủ theo các bước chế biến thức ăn an toàn, không để lây nhiễm chéo nguồn thực phẩm tươi sống và rau củ quả... Ngoài ra, trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ theo đúng quy định.
Nhờ đó, nhà bếp rộng, thông thoáng, các thiết bị, dụng cụ để nấu, đựng thức ăn, đựng nước uống đều bằng Inox và có bộ nấu chín, sống riêng biệt. Nhà kho luôn thông thoáng, không để đọng nước, ẩm mốc. Vì vậy, sức khỏe của 270 cháu luôn đảm bảo, an toàn và phát triển theo chỉ số quy định.
Tại Trường Mầm non 2/9, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ cũng được nhà trường chú trọng. Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 2/9 Phạm Thị Lệ Hằng cho hay: Trường có 2 cơ sở, với tổng số khoảng 608 cháu, phân thành 19 lớp, với nhiều độ tuổi. Vì vậy, công tác chế biến thức ăn cho trẻ đòi hỏi phải thận trọng trong khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đến cách cho trẻ ăn.
Trường Mầm non 2/9 có 100% trẻ ở bán trú. Buổi sáng, các cháu được ăn các món bánh mì lagu, cháo, bún; trưa các cháu ăn cơm, cháo, canh, món mặn, món xào và món tráng miệng. Vì vậy, công tác vệ sinh nhà bếp, chọn nguyên liệu chế biến thức ăn, đến vệ sinh dụng cụ sau chế biến luôn được các cô cấp dưỡng thực hiện đúng quy định. Các món ăn đều được lấy mẫu lưu trữ để phòng khi có trường hợp nào xảy ra ngộ độc thực phẩm thì dễ dàng kiểm tra, xử lý.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, thành phố có 33 trường mầm non công lập và tư thục, với gần 12 nghìn cháu. Hầu hết các trường đều thực hiện bán trú, có nấu ăn cho trẻ. Vì vậy, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ được ngành giáo dục thành phố luôn quan tâm.
Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi Dương Thị Như Cẩm cho biết: Hằng năm, phòng đều phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cán bộ y tế xã, phường kiểm tra tất cả các khâu quy chuẩn bếp ăn an toàn, vệ sinh bếp ăn, nguồn thực phẩm, trình độ chế biến của cấp dưỡng. Năm nay, dịch Covid-19 kéo dài, nên trước khi trẻ trở lại trường, phòng đã thành lập đoàn kiểm tra về cơ sở vật chất, thiết bị cho trẻ học, vui chơi, đồng thời kiểm tra bếp ăn an toàn ở tất cả các trường. Đến thời điểm này, các trường mầm non công lập lẫn tư thục đều đảm bảo thực hiện bán trú.