An toàn thực phẩm mùa lễ hội
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có tổng số 86 lễ hội đăng ký tổ chức. Trong đó có 1 lễ hội cấp tỉnh; 3 lễ hội cấp huyện; 30 lễ hội cấp xã, phường, thị trấn; 52 lễ hội cấp thôn, xóm. Sau Tết Nguyên đán, lượng người đi lễ chùa, tham dự lễ hội tăng mạnh. Mùa lễ hội năm nay, dù đã có tín hiệu thay đổi theo hướng tích cực, nhưng nhìn chung, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn là nỗi lo thường trực.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có thời gian nghỉ dài ngày, đồng thời sau Tết là mùa lễ hội với nhiều lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn, nhất là thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, thời gian này, thời tiết thường ẩm ướt, nắng nóng bất thường là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATVSTP.
Để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 239/KH-BCĐATTP, ngày 23/12/2022 về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân 2023.
Ban chỉ đạo ATTP từ cấp tỉnh đến cơ sở tổ chức các hoạt động nhằm bảo đảm ATVSTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Tuy nhiên, dù đã ghi nhận sự nỗ lực, nhiều chuyển biến tích cực, song vấn đề ATVSTP tại các lễ hội vẫn là nỗi lo thường trực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, du khách tham dự. Trên thực tế, các lễ hội diễn ra trong thời gian không dài, người tham gia đông, khuôn viên chật, phần lớn cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm mang tính tự phát, không chuyên khiến việc quản lý công tác ATVSTP gặp khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tổ chức tại xã Phong Phú (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy)…, những mâm xúc xích, viên chiên, ô mai… và các loại thực phẩm chế biến sẵn phần lớn đều không được che đậy và đặt ngay cạnh lối đi bụi bẩn, tấp nập khách qua lại. Những người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền, rồi lại bốc thức ăn cho khách… Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự tại các lễ hội cũng còn nhiều điều đáng quan tâm. Tại lễ hội Khai hạ dân tộc Mường xảy ra tình trạng tắc đường trên quốc lộ 6 kéo dài, tình trạng móc túi, vứt rác bừa bãi…
Như vậy, mặc dù vấn đề ATVSTP, an toàn dịp lễ hội đã được các cấp, ngành quan tâm, nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Để kiểm soát được tình trạng ATVSTP, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách đến với các lễ hội rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, Ban Tổ chức các lễ hội. Cần tăng cường kiểm tra, áp dụng những hình thức xử phạt đúng quy định, kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định về ATVSTP được phép tồn tại, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và du khách. Cùng với đó, chính người dân cũng cần thay đổi thói quen, hành vi theo hướng tích cực, ứng xử văn minh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nói không với thực phẩm bẩn khi tham dự lễ hội.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/175048/an-toan-thuc-pham-mua-le-hoi.htm