An toàn thực phẩm ở chợ truyền thống: Vẫn là bài toán khó!
Mạng lưới chợ truyền thống là kênh phân phối lâu đời và có vai trò quan trọng trong phát triển thương mại nội địa, là nơi trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) tại các chợ truyền thống vẫn là bài toán khó với các cơ quan chức năng.
Còn nhiều bất cập
Quảng Bình hiện có 146 chợ đang hoạt động theo đúng quy hoạch, trong đó có 27 chợ thành thị và 119 chợ nông thôn. Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư xây dựng và nâng cấp về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán đầy đủ các loại hàng hóa ngay tại địa phương.
Tuy nhiên, với đặc thù là nơi bày bán nhiều thực phẩm thiết yếu, từ đồ tươi sống đến thức ăn chín, tình trạng mất vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống vẫn còn xảy ra. Phổ biến nhất ở các chợ là hệ thống cấp thoát nước chưa bảo đảm, chưa có nước dẫn đến các quầy hàng thực phẩm; cống và mương thoát nước kích thước nhỏ, không thoát nước kịp khi có mưa lớn úng, ngập gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến bảo đảm ATTP; thực phẩm chế biến sẵn không có nắp đậy, được bày bán cạnh thực phẩm tươi sống; sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh ATTP…
Chợ Ba Đồn là trung tâm buôn bán lớn phía Bắc Quảng Bình, hiện chợ có 671 ki ốt được cấp giấy chứng nhận với gần 1.000 gian hàng. Khảo sát quanh một vòng ở chợ, chúng tôi nhận thấy hạ tầng cơ sở còn nhếch nhác, điện chiếu sáng chưa bảo đảm, phân bố các ngành hàng kinh doanh vẫn còn lộn xộn, chưa đồng nhất, thực phẩm chín, thực phẩm chế biến sẵn còn bán chung với thực phẩm sống.
Đặc biệt, tại khu vực chợ bán cá, hải sản tươi sống, tiểu thương để các loại hải sản trên sàn bán hàng ẩm ướt, bẩn thỉu, ruồi nhặng bu bám đầy, nhìn rất mất vệ sinh.
Ông Đinh Bình Quân, Phó Giám đốc Ban quản lý các công trình công cộng TX. Ba Đồn thừa nhận, quy hoạch ở chợ Ba Đồn đã cũ nên việc phân bố vị trí các ngành hàng kinh doanh ở chợ Ba Đồn sao cho hợp lý chưa làm được, ý thức của một số hộ kinh doanh chưa cao nên tự phát di chuyển lộn xộn, bán thực phẩm chín gần với thực phẩm sống.
Đặc biệt, ban quản lý chợ chỉ có thể can thiệp vào việc giữ gìn trật tự, phân bố các gian hàng chứ chưa kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, chính vì thế, thực phẩm bẩn dễ dàng tuồn vào chợ, rất khó kiểm soát.
Vào chợ Ba Đồn, tới hàng bán thực phẩm khô, như: bánh tráng, khoai deo…, nhiều hàng hóa không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm…Khi được hỏi về tên sản phẩm bánh tráng, khoai deo, chủ hàng giới thiệu là bánh tráng Quảng Hòa, khoai deo Hải Ninh; hỏi về việc không có bao bì nhãn mác, trả lời là ai thích đóng gói thì chủ cửa hàng tự đóng cho; còn hỏi ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng, chủ cửa hàng ậm ờ cho qua và trả lời là hàng mới lấy về.
Khó khăn trong công tác quản lý
Nhằm kiểm soát tình hình vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống trên địa bàn, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm nghiệm nhanh về ATTP tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2020, các cơ quan chức năng đã triển khai lấy và kiểm nghiệm nhanh 2.786 mẫu thực phẩm các loại; kết quả có 2.731 mẫu đạt yêu cầu theo các chỉ tiêu kiểm nghiệm, 55 mẫu không đạt, trong đó có 27 mẫu chả, 16 mẫu bánh xèo, 7 mẫu bánh lá, 3 mẫu bánh đúc phát hiện có hàn the, 1 mẫu rau phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu, 1 mẫu hàu phát hiện có ure), chiếm tỷ lệ 1,97%, tăng 0,14% so với năm 2019. Kết quả kiểm nghiệm là cơ sở quan trọng để giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cảnh báo nhanh cho cộng đồng.
Có một thực tế là dù có khá nhiều lực lượng tham gia vào công tác quản lý nhưng vẫn khó kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh ATTP. Chợ Hoàn Lão là một trong những mô hình điểm về chợ ATTP của tỉnh. Từ khi triển khai xây dựng mô hình, các công trình hạ tầng trong chợ được sửa chữa nâng cấp mới, như: sạp thực phẩm tươi sống được thay thế bằng vật liệu inox, các sạp hàng rau, củ quả được nâng lên cao so với mặt đất, các gian hàng được bày bán tập trung theo khu vực; hệ thống cống thoát nước thải đầy đủ, bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường; có hệ thống cấp nước sạch tới các quầy chế biến tươi sống.
Tuy nhiên, nguồn gốc hàng hóa thực phẩm ở chợ vẫn chưa được kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Theo ông Nguyễn Hữu Kiền, Giám đốc Ban quản lý các công trình công cộng huyện Bố Trạch, trên thực tế, để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài nên việc kiểm tra thường xuyên là rất khó. Hiện việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm của ban quản lý chợ chỉ mới kiểm tra bằng cảm quan nên khó phát hiện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các chợ có quy mô nhỏ lẻ, không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định về ATTP, như: sản xuất thực phẩm có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; khi đã bán ra thị trường không thu hồi được; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng; hàng vi phạm về nhãn mác...
Công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP còn hạn chế, chủ yếu là chấn chỉnh, nhắc nhở và cho thời hạn khắc phục nên tính răn đe chưa cao. Các phòng thí nghiệm trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phân tích, vì vậy phải gửi mẫu kiểm nghiệm ở ngoài tỉnh, mất nhiều thời gian và kinh phí, nảy sinh nguy cơ thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục lưu thông hoặc bị tẩu tán trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm…
''Để bảo đảm vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống, không chỉ cần sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của các tiểu thương; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà người tiêu dùng cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để nhận biết, mua và sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn; cần mua, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách…để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình", ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm.