An toàn thực phẩm tại chợ gần khu công nghiệp
'Mua dứa đi em. Chị sẽ chọn cho em những quả lành, còn lại chiều chị bán cho công nhân'. 'Hôm nay thịt lợn ế quá. Chiều em lại phải mang ra chợ ở Khu Công nghiệp Hoàng Long bán'... Đó là những lời mà tôi thường xuyên nghe các chị bán hàng tại chợ Đ.V., TP Thanh Hóa nói mỗi khi đi chợ muộn vào cuối buổi trưa.
Hàng hải sản được các tiểu thương bán ngay bên vệ đường vào Khu Công nghiệp Hoàng Long.
Hôm nay cũng vậy, 11h30 tôi vội vàng đi từ cơ quan về tạt qua chợ mua ít đồ ăn. Đang suy nghĩ chưa biết ăn gì thì chị Lê Thị H., bán cá tại chợ Đ.V. gọi giật lại “Em ơi. Ăn cá ủng hộ cho chị đi. Hôm nay phải vía nên từ sáng đến giờ đang còn nguyên mẹt cá. Em mà ăn thì để chị cắt con khác cho tươi”. Vừa nói, tay chị H. vừa vớt ngay con cá đang bơi trong chậu ra cắt cho tôi một phần. Chỗ máu cá vừa cắt xong còn đọng trên thớt, chị nhanh tay lấy mấy miếng cá cũ đang bày trên miếng ni-lông lăn một lượt rồi đặt lại vị trí cũ. “Chị giỏi “làm mới” cá nhỉ” – tôi nói rồi cười. “Khách quen như em thì chị có bán đâu. Cá trên đấy bán không hết, chiều chị mang ra chợ bán cho công nhân”.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, không phải mình chị H. mà có một số tiểu thương ở chợ Đ.V., cũng như các chợ khác họp buổi sáng trên địa bàn TP Thanh Hóa, buổi sáng họ không bán hết hàng, chiều đến khoảng 16h đến 19h họ mang đến các khu chợ cóc, chợ tạm gần Trường Đại học Hồng Đức và khu công nghiệp – nơi có đông sinh viên, công nhân thuê trọ để “giải quyết”.
Theo chân em Nguyễn Thị Thúy, ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) bán thịt lợn tại đầu ngõ, tôi xuống chợ cóc tại Khu Công nghiệp Hoàng Long. Mặc dù mới có 16h nhưng các tiểu thương đã dọn hàng ra bán dọc 2 bên rìa đường lớn lẫn đoạn đường vào Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam và Công ty TNHH Giày Hong Fu Việt Nam. Cá, thịt, rau, củ, quả cho đến hàng gia dụng... được bày bán ê hề ngay bên vệ đường. Đồ được chế biến sẵn như thịt quay, nem rán, bánh rán, bún, phở, dưa, cà muối bày bán “lộ thiên” giữa bụi... Thực phẩm chế biến sẵn xen lẫn với hàng bán thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả.
Đứng quan sát quầy bán thịt gà công nghiệp tươi sống ngay ở đầu ngã ba đường vào Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam và Công ty TNHH Giày Hong Fu Việt Nam, chúng tôi thấy một bàn thịt gà chất đống đang được giã đông. Người bán hàng vừa chặt gà vừa nói: “Đùi cũng 60.000 đồng mà thịt cũng 60.000 đồng. Thích lấy phần nào thì lấy”. “45, 50 ngàn đồng/kg thôi”. Một vài công nhân trả giá, rồi nhanh tay đảo đống gà lên chọn. “Có còn tươi không?”, “Gà đông lạnh lấy đâu ra mà tươi. Nhưng chịu khó chọn cũng được món gà rán cho con” – tiếng một vài công nhân trò chuyện với nhau.
Rời hàng gà, tôi quay sang hàng cá biển kế bên. Chị bán cá đang loay hoay “tân trang” lại mẹt cá mối, mẹt tôm. Mặc dù chị cố vùi cá, tôm vào trong lớp đá nhưng khi lại gần quan sát tôi thấy cá, tôm của chị đã ươn và bốc mùi khó chịu. Bên cạnh hàng cá lại là hàng mít. Mặc cho mùi cá, tôm tanh ngòm bốc lên bên cạnh, chị hàng mít cứ vô tư bổ mít, bóc mít mời công nhân mua. Kệ cho tanh, hôi hay dịch bệnh, một vài nữ công nhân vô tư ngồi bốc mít ăn giữa chợ.
Len lỏi giữa dòng người tấp nập mua, bán, tôi lại gặp cô bán thịt lợn đầu ngõ nhà tôi. Nhìn Thúy đang thái thịt cho khách trên tấm bì mỏng đặt ngay giữa lòng đường. Tôi hỏi “Sao em không kê cao thịt lên bán”. Thúy cười rồi nói “Có vài cân thịt lúc sáng bán chưa hết. Em ngồi đây, bán tý là hết mà chị. Thịt cũng không còn tươi nên em bán giá rẻ để về sớm còn chuẩn bị hàng cho sáng mai”.
Nhìn nguồn thực phẩm tại chợ cóc đa phần không rõ nguồn gốc, lại không còn tươi, mới nên tôi ái ngại và bắt chuyện với em Đỗ Thị Hoa, 22 tuổi, quê ở huyện Đông Sơn đang ngồi bên túi thức ăn vừa mua xong. Hoa cho biết: “Vẫn biết thực phẩm ở chợ không còn tươi, nhưng “tiền nào của nấy” mà chị. Đồ tươi, sống, ngon thì chúng em mua sao nổi. Đi làm từ sáng sớm, chuyên cần, tăng ca liên tục cả tháng thì thu nhập cũng chỉ được khoảng từ 5 đến 7 triệu đồng. Trong khi đó, các loại chi tiêu đều nhìn vào đồng lương. Muốn ăn ngon thì lấy gì để nuôi con hả chị. Với lại, tối mịt mới ra khỏi công ty, có người bán thức ăn cho mua đã là tốt lắm rồi”.
Em Lê Thị Hạnh, quê ở huyện Hoằng Hóa ngồi bên cạnh góp chuyện: “Em thấy thức ăn, hoa quả ở đây rẻ. 1kg thịt ba chỉ chợ khác bán 150.000 đồng nhưng ở đây bán chỉ có hơn 100.000 đồng, 1kg xoài 10.000 đồng, một mớ rau 2.000 đến 5.000 đồng. Giá cả phù hợp với túi tiền của công nhân nên chiều nào em cũng mua thức ăn ở đây”.
Trái ngược với sự hỗn độn, mất vệ sinh an toàn thực phẩm của chợ cóc trong Khu Công nghiệp Hoàng Long, chúng tôi xuống chợ công nhân gần Khu Công nghiệp Lễ Môn. Nằm ngay bên cạnh cầu Thống Nhất, phường Quảng Hưng, tuy là chợ tạm, nhỏ có phần lụp xụp nhưng ban quản lý chợ tại đây luôn đi lại nhắc nhở các tiểu thương ngồi đúng khu vực kinh doanh, hàng tươi sống như thịt gà, thịt lợn thì đặt lên bàn bán ở riêng một khu; hàng cá ở một khu, hàng chế biến sẵn ở một khu để tránh lây nhiễm chéo.
Qua đi thực tế tại 2 chợ cóc và chợ tạm của 2 khu công nghiệp nêu trên cho thấy, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho công nhân và góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Do vậy, giải quyết mối lo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ cóc trong Khu Công nghiệp Hoàng Long nên chăng các cấp chính quyền tăng cường lực lượng dẹp bỏ chợ cóc, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tiểu thương về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán thực phẩm ôi, thiu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, mỗi công nhân cũng cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để nhận biết, mua và sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình nhất là khi thời tiết bắt đầu nắng, nóng.