An toàn thực phẩm tàu cá: Ngư dân chưa quan tâm
Việc kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, do ý thức cũng như nguồn lực của ngư dân còn hạn chế...
Để đảm bảo an toàn sức khỏe thuyền viên, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình khai thác, xử lý, chế biến... hải sản, Luật Thủy sản 2017 (được cụ thể hóa qua Thông tư số 38) quy định, tất cả tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên phải có chứng nhận về ATTP. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, việc triển khai thực hiện ATTP tàu cá gặp rất nhiều khó khăn, do số lượng tiêu chí, chỉ tiêu quá nhiều. Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, tàu cá phải đáp ứng 10 chỉ tiêu, điều kiện cần và đủ về ATTP, như: Trang thiết bị, dụng cụ bảo quản sản phẩm và dụng cụ, hóa chất vệ sinh; hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc...
Đá xay được dùng phổ biến trong việc bảo quản hải sản khai thác, nhưng nhiều cơ sở sản xuất đá (đá cây và đá xay) chưa được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong thực tế nhiều thuyền viên, thậm chí thuyền trưởng, thuyền phó không có giấy xác nhận kiến thức ATTP; nhiều tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP. Nguyên nhân là do nguồn lực hạn chế, nên chủ tàu chưa quan tâm đầu tư các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu ATTP; một số chỉ tiêu về ATTP chưa phù hợp với hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. “Tôi thấy quy định này cứng nhắc ở chỗ, trên tàu có bao nhiêu người thì bấy nhiêu người phải có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Trong khi đó, lao động trên tàu không ổn định, thường xuyên “nhảy” tàu, thì làm sao chủ tàu đáp ứng được”, ngư dân Phạm Sách, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) đặt vấn đề.
Hiện chỉ có khoảng 1.200/3.338 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được cấp chứng nhận ATTP, nhưng hầu hết là xếp hạng B, chứ không có hạng A. “Mặc dù có một số cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều ngư dân chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh ATTP, trong khi các đơn vị liên quan vẫn chưa tổ chức các lớp phổ biến kiến thức ATTP cho ngư dân. Vì vậy, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát ATTP tàu cá, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng chỉ cử cán bộ gặp gỡ các chủ tàu cá để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP gắn với Luật Thủy sản cho ngư dân”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị nào thực hiện việc lấy mẫu hải sản khai thác để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu chất lượng (hiện chỉ tiến hành đối với một số mẫu sản phẩm thủy hải sản sau chế biến), nên cũng chưa có cơ sở để phát hiện và chấn chỉnh những vi phạm của ngư dân.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp, cải tiến các thiết bị bảo quản hải sản trên tàu cá, đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khai thác. Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các lớp phổ biến kiến thức ATTP cho ngư dân.