An toàn thực phẩm trong mùa dịch
Thời điểm này, mặc dù tỉnh đã qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn. Những thói quen như tích trữ sẵn thực phẩm, hay mua đồ chế biến sẵn theo kiểu 'bán mang về' đã hình thành ở nhiều gia đình. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa dịch, nhất là trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, đang được nhiều người nội trợ quan tâm.
Tâm lý mua thực phẩm để cấp đông cho các bà nội trợ bận rộn đã hình thành từ nhiều năm nay. Chị Trần Thị Sen, phường An Tường (thành phố Tuyên Quang) cho biết, do cả tuần phải đi làm nên gia đình chị thường tranh thủ 2 ngày cuối tuần để mua thức ăn, chế biến sẵn và cấp đông trong tủ lạnh để sử dụng dần trong tuần. Thời điểm dịch bệnh, ngoài những thức ăn có đủ dinh dưỡng, gia đình chị mua thêm nhiều hoa quả để bổ sung, tăng sức đề kháng cho cả gia đình.
Anh Nguyễn Đình Tâm, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cũng thường tranh thủ những ngày nghỉ để cả gia đình cùng nhau đi chợ, chế biến sẵn thức ăn để những ngày trong tuần vẫn được ăn cơm nhà mà không quá bị áp lực về mặt thời gian. Ưu tiên của gia đình anh là lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, sẵn có của địa phương, việc sơ chế, chế biến cũng luôn đảm bảo nguyên tắc sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng, không lẫn thức ăn sống với thức ăn chín để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 5 cửa hàng thực phẩm nông lâm sản, thủy sản an toàn. Trong đó, chủ yếu là các loại nông thủy sản là sản phẩm tham gia chương trình OCOP tại mỗi địa phương. Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Thuấn, chuỗi 5 cửa hàng này đã mở thêm cơ hội lựa chọn để người dân được sử dụng các loại thực phẩm an toàn, tăng sức đề kháng cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại tại địa phương bất cứ lúc nào.
Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm Tâm Hương, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang) ngoài bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng tập trung bán các đồ ăn chế biến sẵn như măng nứa nhồi thịt, cá kho, thịt kho, canh cá chua... Chị Phúc Thị Hương, chủ cửa hàng cho biết, nắm bắt tâm lý được sử dụng những thực phẩm sạch, bổ dưỡng, các món ăn của cửa hàng chủ yếu sử dụng các nguyên liệu sạch có uy tín do các cơ sở chăn nuôi tại Hàm Yên, Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình cung cấp như thịt lợn sạch, cá tươi, măng nứa, vịt bầu Minh Hương. Những ngày giải cứu nông sản cho nông dân Yên Nguyên (Chiêm Hóa), cửa hàng chị ép cả nước hoa quả để bán cho người tiêu dùng.
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người, nhưng việc ăn uống vừa phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, vừa phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo, trong mùa dịch Covid-19, người dân khi đi mua sắm ngoài thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế, cần tuân thủ thêm một số nguyên tắc như sử dụng dụng cụ kẹp, gắp thực phẩm chuyên dụng hoặc găng tay khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, chọn thực phẩm tươi ngon, không bị hư hỏng, mọt mốc, hết hạn sử dụng. Vệ sinh túi, làn, dụng cụ chứa đựng thực phẩm sau mỗi khi sử dụng. Rau, củ, quả cần rửa sạch để ráo nước và chia thành các phần nhỏ trước khi gói, bọc, bảo quản trong nhiệt độ mát. Các loại thực phẩm tươi sống như cá, thịt và các sản phẩm từ động vật khác phải rửa sạch và để ráo nước; bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày, bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn. Các loại thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh phải để riêng, không lẫn với nhau để tránh vi khuẩn xâm nhập từ loại này sang loại kia.
Đặc biệt, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Lê Xuân Vân khuyến cáo, trong thời điểm này, những nguyên tắc như ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không dùng chung đũa, thìa, cốc uống nước, không ăn thức ăn sống hoặc tái... cần phải được các gia đình đặc biệt lưu ý, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay lây nhiễm bệnh có thể xảy ra.