An toàn thực phẩm, vì sức khỏe nhân dân

An toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống, sức khỏe, trở thành vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc đảm bảo ATTP được xem là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành và toàn xã hội. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới', nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh về ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngày càng có nhiều mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng.

Kiểm tra ATTP tại bếp ăn của Trường Tiểu học thị trấn Yên Châu.

Kiểm tra ATTP tại bếp ăn của Trường Tiểu học thị trấn Yên Châu.

Toàn tỉnh hiện có gần 6.750 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 15.080 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 2.263 cơ sở dịch vụ ăn uống và trên 250 bếp ăn tập thể. Với đặc thù dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí giữa các vùng chênh lệch, thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn, nên khó khăn trong việc kiểm soát ATTP và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân vì lợi nhuận nên chưa tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP; trên thị trường lưu thông, phân phối, vẫn còn những sản phẩm tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác bảo đảm ATTP; xây dựng chương trình triển khai với cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương. Công tác phối hợp liên ngành luôn được quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP. Ban Chỉ đạo về ATTP ở các cấp thường xuyên được kiện toàn, có quy chế hoạt động cụ thể đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thành viên.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh) phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra công tác ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong 10 năm qua, các cấp, ngành đã tổ chức 103.813 lượt thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phát hiện và xử lý vi phạm đối với 7.721 cơ sở, xử phạt trên 11,9 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động với 18 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, bước đầu đã hạn chế được việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi; thu hồi và xử lý các sản phẩm không bảo đảm ATTP. Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát đã lồng ghép tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, góp phần từng bước thay đổi, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, chỉ đạo tổ chức sản xuất nông sản trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa và quy định về ATTP, hướng tới sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP và các sản phẩm có thương hiệu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 197 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn được xây dựng, duy trì và phát triển, trong đó: 27 chuỗi rau an toàn, diện tích 154 ha; 123 chuỗi quả an toàn, diện tích trên 2.330 ha; 1 chuỗi cà phê, diện tích 16 ha; 7 chuỗi chè, diện tích 462 ha; 4 chuỗi thịt lợn an toàn, số lượng trên 84.000 con; 2 chuỗi thịt gà an toàn, số lượng 18.000 con; 5 chuỗi mật ong an toàn với 3.990 đàn; 27 chuỗi thủy sản với 3.370 lồng bè. Đến nay, toàn tỉnh có 193 cơ sở chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; duy trì 1 mô hình chợ ATTP đối với chợ Rặng Tếch (Thành phố). Đồng thời, duy trì, giám sát 7 mô hình điểm kiểm soát về ATTP tại các huyện, thành phố.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh ATTP trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh mở rộng việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh ATTP; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện kịp thời, xử lý các sai phạm về vệ sinh ATTP; duy trì công tác rà soát, quản lý các cơ sở thực phẩm trên địa bàn; tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý ATTP, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/an-toan-thuc-pham-vi-suc-khoe-nhan-dan-41019