An toàn thực phẩm vỉa hè, không chỉ trách nhiệm của cơ quan chức năng

Giữa cái nắng gay gắt của TP.HCM, những gánh hàng rong vẫn tấp nập người mua, mang đến sự tiện lợi cho cuộc sống đô thị nhộn nhịp. Song, ẩn sau sự hấp dẫn của những món ăn đường phố là nỗi lo thường trực về an toàn vệ sinh thực phẩm, một bài toán không dễ giải cho các cơ quan quản lý.

Thực trạng đáng lo ngại

Trưa đầu tháng 4, trên tuyến đường Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn Quận 3, nhiều hàng quán vỉa hè hoạt động nhộn nhịp.

Dưới những mái che tạm bợ bằng bạt, các quầy hàng san sát bày bán đủ món ăn quen thuộc phục vụ dân văn phòng và người lao động.

Một xe đẩy bán cơm trưa đỗ ngay sát lề đường. Trên mặt bàn bày la liệt các khay inox đựng cá kho, thịt kho, trứng chiên, rau xào... Tất cả đều không có nắp đậy, chỉ được phủ qua loa bằng một tấm nylon trong đã cũ và bám bụi.

Bàn bán thức ăn vỉa hè không có tủ hàng

Bàn bán thức ăn vỉa hè không có tủ hàng

Người bán hàng đeo khẩu trang nhưng lại dùng tay trần chia phần cơm cho khách. Đáng nói là, không hề có dụng cụ gắp riêng hay nước rửa tay sát khuẩn tại chỗ.

Cách đó không xa, một xe bánh canh đặt dưới gốc cây, nồi nước lèo nghi ngút khói. Thế nhưng, các nguyên liệu ăn kèm như: chả cá, thịt nạc, bánh canh lại được đựng trong những thau nhựa không đậy kín.

Chiếc xe chỉ có một mái che nhỏ bằng bạt, buộc tạm bợ bằng dây thun, không đủ để che chắn cái nắng gay gắt giữa trưa.

Gần đó, hình ảnh một người phụ nữ bán xôi bằng xe đạp càng khiến người đi đường không khỏi lo ngại.

Nhiều bọc đồ ăn đựng sẵn trong túi nilong dễ đổ mồ hôi hư hỏng

Nhiều bọc đồ ăn đựng sẵn trong túi nilong dễ đổ mồ hôi hư hỏng

Thức ăn được bày biện trên vài thau nhựa đặt ngay giỏ xe, hoàn toàn không có mái che hay tủ kính bảo quản.

Tất cả "phơi mình" dưới nền nhiệt trên 35 độ C. Ruồi nhặng không ngừng vo ve quanh khu vực bán, thậm chí đậu trực tiếp lên những thau xôi và các loại nước chấm. Người bán vừa tay bốc xôi, vừa tay đếm tiền, thiếu vắng hoàn toàn các biện pháp bảo đảm vệ sinh tối thiểu.

Khi được hỏi về điều kiện bảo quản thực phẩm dưới trời nắng, ông Tiến - chủ xe bánh canh, thật thà chia sẻ: “Tôi bán ở đây thì nắng nóng đồ cũng dễ hư hơn mùa mưa. Vì nắng nóng bán mức độ ít thôi, bán được ngày có 3 tiếng đồng hồ, từ 6h sáng đến 9h là nghỉ”.

Theo bác sĩ Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế Quận 11, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố bắt buộc phải ký cam kết đảm bảo ATVSTP với chính quyền phường và tuân thủ bộ 10 tiêu chuẩn của Sở An toàn Thực phẩm (ATTP).

Các tiêu chuẩn này bao gồm việc trang bị dụng cụ che chắn thực phẩm, bàn tủ phải đạt chiều cao tối thiểu, người bán phải có giấy khám sức khỏe định kỳ, không mắc bệnh truyền nhiễm và tuyệt đối không dùng tay trần tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.

“Dù chúng tôi quản lý nhà nước nhưng không thể nào quản lý được các hộ kinh doanh cơ sở bán thức ăn đường phố trên vỉa hè. Việc này được Phòng Y tế phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận tổ chức, tối thiểu một lần mỗi năm cho từng phường. Thường mời các hộ ở mấy phường lại tập huấn cùng lúc”, BS Tài chia sẻ.

Rào cản trong công tác quản lý

Theo một trưởng trạm y tế phường ở quận Bình Thạnh, việc quản lý danh sách các hộ kinh doanh thức ăn đường phố lại gặp không ít khó khăn. Nhiều người bán không có địa điểm cố định, chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi di chuyển sang nơi khác. Công tác kiểm tra cũng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị như công an khu vực, quản lý đô thị... nhưng thực tế lực lượng còn mỏng, dẫn đến tần suất kiểm tra trong năm rất hạn chế.

Trưa nắng 12 giờ, tủ bánh mì patê ngoài nắng sẽ nhanh bị hư hỏng

Trưa nắng 12 giờ, tủ bánh mì patê ngoài nắng sẽ nhanh bị hư hỏng

"Chúng tôi chủ yếu chỉ có thể nhắc nhở người bán đảm bảo các dụng cụ gắp thức ăn và che chắn thực phẩm cẩn thận. Việc xử phạt còn rất hạn chế do thiếu nhân lực và không thể giám sát thường xuyên," vị này chia sẻ thêm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM, khẳng định rằng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ xuyên suốt. Trong đó, thức ăn đường phố luôn được xác định là một trong những nhóm có nguy cơ cao và cần được kiểm soát chặt chẽ.

Theo thống kê của Sở, toàn thành phố hiện có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố. Phần lớn trong số này là các xe đẩy, quầy hàng lưu động, không cố định, nhưng vẫn nằm trong diện giám sát.

Sở An toàn Thực phẩm đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, trang bị kiến thức cũng như hỗ trợ dụng cụ cho người bán nhằm giảm thiểu các yếu tố gây mất vệ sinh.

Thức ăn đường phố tiện lợi cho người dân nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thức ăn đường phố tiện lợi cho người dân nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang triển khai xây dựng các mô hình "tuyến đường an toàn thực phẩm" hoặc "tuyến phố không có thức ăn đường phố" tại một số quận, huyện.

Theo bà Lan, hiện tại đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết bắt đầu nắng nóng, điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân nên cẩn trọng quan sát kỹ lưỡng khi lựa chọn ăn uống bên ngoài và tránh xa những điểm bán hàng mất vệ sinh.

Ngoài các tuyến đường lớn, TP.HCM cũng đặc biệt chú trọng kiểm tra các điểm bán thức ăn xung quanh khu vực trường học, nơi được đánh giá là có nguy cơ cao do học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương và ít có khả năng đánh giá chất lượng thực phẩm.

“Mong người dân luôn nhớ việc rất là đơn giản là nếu có nhu cầu mua thức ăn trên đường nhưng thấy dơ bẩn thì đừng có ghé ăn, đừng ủng hộ, hãy ủng hộ những điểm bán vệ sinh sạch sẽ. Ít ra người bán cũng phải đeo khẩu trang, găng tay hoặc dùng kẹp để gắp thức ăn, không có sử dụng bàn tay để vừa bóc thức ăn vừa cầm tiền. Còn các sản phẩm thực phẩm để trong tủ hoặc là trong quang gánh thì phải được che chắn, đậy nắp, rõ ràng, cẩn thận”, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan khuyến nghị.

Người bán hàng cần nâng cao ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn vệ sinh, đồng thời người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kiến thức để từ chối những điểm bán hàng không an toàn, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thực phẩm vỉa hè lành mạnh và an toàn hơn.

Kim Dung - CTV Quốc Anh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/an-toan-thuc-pham-via-he-khong-chi-trach-nhiem-cua-co-quan-chuc-nang-post1191747.vov