An toàn tiêm vắc xin phòng Covid-19: Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu
Sáng 30/11, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến họp Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong toàn tỉnh. Ông Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh chủ trì hội nghị, tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, thành phố.
TRUNG BÌNH TIÊM 40.000 MŨI/NGÀY
Theo đánh giá tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ đợt 1 (từ 26/4) đến đợt 26, tổng số liều vắc xin được cấp cho Lâm Đồng là 1.966.646 liều gồm 4 loại vắc xin: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thực hiện tổng số 1.922.014 mũi tiêm; trong đó, 1.065.998 mũi 1 và 856.016 mũi 2. Độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trên dân số Lâm Đồng đạt 77,55% mũi 1 và 62,27% mũi 2. Tỉ lệ bao phủ vắc xin trên dân số độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đạt 99,35% mũi 1 và 89,04% mũi 2. Tỉ lệ bao phủ vắc xin trên dân số độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi là 81,49% mũi 1 và 0,08% mũi 2.
Tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Phương Duyên – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng báo cáo: Sở đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm chủng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các buổi tiêm chủng. Ngành y tế đã tổng hợp toàn bộ năng lực tiêm chủng của các cơ sở y tế trong toàn ngành và khối tư nhân để đáp ứng với số lượng lớn vắc xin Bộ Y tế phân bổ về. Hiện, toàn tỉnh có 164 điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19 với 206 bàn tiêm, 1 ngày trung bình có khả năng tiêm được cho 40.000 người với 1.485 nhân viên y tế tham gia.
Ngành y tế đã tổ chức 12 lớp tập huấn an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế trong ngành và tham dự các hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng. Hiện, toàn ngành đã bố trí 31 đội cấp cứu lưu động. Bên cạnh đó, mỗi Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh chuẩn bị sẵn sàng 5 giường cấp cứu và luôn có cán bộ thường trực cấp cứu và mỗi trung tâm y tế tuyến huyện chuẩn bị sẵn sàng 2 giường bệnh cấp cứu và luôn có cán bộ thường trực cấp cứu để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng.
Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng Công an và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo tất cả các trường hợp trước khi tiêm phải được xác minh thông tin của công an và bắt buộc phải có số căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc mã định danh cá nhân theo quy định. Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cập nhật thông tin và nhập mới, nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng hàng ngày lên Hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo đúng tiến độ tiêm chủng của đơn vị.
Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát và xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân để duyệt và xử lý thông tin phản ánh của người dân theo đúng quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng. Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Covid-19 tại các đơn vị trong toàn ngành, kịp thời nhắc nhở và hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quy trình tiêm chủng và an toàn tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác tổ chức, phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19. Công tác truyền thông, thông tin được thường xuyên tuyên truyền cho Nhân dân lợi ích của công tác tiêm chủng tạo được niềm tin trong Nhân dân nên tỷ lệ người dân ủng hộ và tham gia tiêm phòng vắc xin rất cao. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn tiêm chủng được ngành y tế phối hợp với lực lượng quân đội, công an và UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện tốt. Các điểm tiêm chủng thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, cán bộ y tế và các cán bộ tham gia công tác tiêm chủng luôn nhiệt huyết, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ TIÊM CHỦNG, KHÔNG ĐỂ VẮC XIN QUÁ HẠN SỬ DỤNG
Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 được triển khai trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm tại điểm tiêm chủng rất cao. Mặc dù ngành y tế đã mời người dân đến tiêm chủng theo từng khung giờ nhất định, tuy nhiên việc tiêm chủng cần đẩy nhanh tiến độ nên số lượng người đến các điểm tiêm trong cùng một thời điểm khá lớn gây khó khăn trong việc giữ khoảng cách và tạo áp lực lớn trong các buổi tiêm chủng.
Các đơn vị y tế trong ngành y tế cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch như: Điều tra, truy vết, tổ chức tiêm chủng, điều trị cho người bị nhiễm; đồng thời, vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ y tế khác nên nguồn nhân lực bị phân tán, cán bộ y tế luôn trong tình trạng quá tải công việc.
Công tác phân bổ vắc xin của Bộ Y tế có khi không đồng đều, lượng vắc xin có đợt về quá nhiều, hạn sử dụng còn rất ít ngày (có đợt chỉ có 4 ngày) gây áp lực cho ngành y tế phải đảm bảo tiến độ tiêm chủng không để vắc xin quá hạn sử dụng. Công tác điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng còn gặp nhiều khó khăn do số lượng người dân đông, địa bàn rộng, nhiều người lớn tuổi không có chứng minh nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Số lượng dân số biến động tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc, Lạc Dương gây khó khăn khi tính toán lượng vắc xin cần để tiêm đủ cho các đối tượng. Một số người dân khi tham gia tiêm chủng không tuân thủ các quy định, hướng dẫn của cán bộ y tế, không giữ khoảng cách, đeo khẩu trang không đúng cách gây khó khăn cho việc phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.
Tại hội nghị, các địa phương và các sở, ngành đã có ý kiến phản ánh về thực tế tình hình triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, khó khăn trong công tác tuyền truyền vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19, nên tỉ lệ tiêm chủng trong các vùng dân tộc thiểu số còn thấp. Thêm nữa, số ca F0, F1, F2 qua ghi nhận vẫn còn nhiều trường hợp chưa tiêm chủng, vì vậy, các địa phương rà soát và tiến hành tiêm chủng phòng Covid-19 cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly, vùng dân tộc thiểu số.
LẬP KẾ HOẠCH TIÊM MŨI 3 CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG THEO QUY ĐỊNH
Ông Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh phát biểu đánh giá: Tỉnh Lâm Đồng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố cả nước đạt tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cao. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng đến thời điểm hiện nay rất tốt. Người dân tham gia tiêm chủng rất cao. Công tác phối hợp, theo dõi, kiểm tra đôn đốc kịp thời, bám sát tình hình thực tế cơ sở. Biến động dân cư là vấn đề hết sức khó khăn trong công tác theo dõi, phân bổ vắc xin. Để phòng chống dịch Covid-19, tỉnh chỉ đạo tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 trước và sau tiêm chủng cho 100% cán bộ làm công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Triển khai nhiệm vụ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chỉ đạo Sở Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đảm bảo độ bao phủ vắc xin mũi 2 cho các đối tượng này đạt từ 99% trở lên.
Tổ chức tiêm ngay mũi 1 cho các đối tượng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ở cộng đồng và tiêm phủ mũi 2 cho các đối tượng này ngay khi có vắc xin của Bộ Y tế cấp về. Chỉ đạo, huy động các đơn vị y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các hoạt động chuyên môn trong tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng tiến độ, tuyệt đối không để vắc xin hết hạn sử dụng.
Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn vướng mắc, sự cố (nếu có).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chủ động liên hệ với Quân khu 7 và phối hợp với ngành y tế nhận vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn từ kho Quân khu 7, bảo quản, vận chuyển và chuyển giao vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn cho ngành y tế theo kế hoạch của Bộ Y tế và ngành y tế Lâm Đồng. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cử cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở tiêm chủng theo quy định. Công an tỉnh chỉ đạo công an huyện, xã phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện quy trình xác định mã định danh cho các đối tượng trước khi tiêm chủng.
Sở Tài chính phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn ngành y tế thực hiện các thủ tục, quy trình để sử dụng kinh phí thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định.
Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, vận động người dân đồng thuận sử dụng vắc xin phòng Covid-19 để đảm bảo tỷ lệ bao phủ trong cộng đồng và phối hợp với ngành y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Hỗ trợ ngành y tế trong việc sử dụng, nhập liệu và xử lý các phản ánh của người dân về các sai sót trong quá trình nhập dữ liệu vào phần mềm tiêm chủng.
Tiếp tục rà soát và lập danh sách đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19 thuộc quản lý của sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị còn lại chưa tiêm gửi về Sở Y tế, tránh bỏ sót đối tượng; phối hợp tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo kế hoạch cụ thể của ngành y tế, đảm bảo các đối tượng được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng tiến độ. Phối hợp, hỗ trợ ngành y tế thực hiện các hoạt động trong kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại địa phương. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn phối hợp với ngành y tế các cấp tiếp tục rà soát lập danh sách đối tượng tiêm chủng trong cộng đồng chưa tiêm, tránh bỏ sót đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin đầy đủ, công bằng. Tổ chức chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn theo kế hoạch, hướng dẫn của ngành y tế đảm bảo an toàn, trật tự và thuận lợi cho người dân. Tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc xin phòng Covid-19, theo dõi các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.