An toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết
Trải qua 63 năm thành lập và phát triển (4/10/1961 - 4/10/2024), lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) luôn phát huy tinh thần trách nhiệm với phương châm 'Đảm bảo an toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết'.
Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là một trong những Pháp lệnh nói lên tầm quan trọng của PCCC trong công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và xã hội. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội (khóa X) đã thông qua Luật PCCC có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quyết định chọn ngày 4/10 hằng năm là "Ngày toàn dân PCCC". Thông qua đó nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác an toàn PCCC, góp phần tích cực, chủ động phòng ngừa kiềm chế sự cố cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Thời gian qua, cùng với lực lượng Công an tỉnh Sóc Trăng nói chung, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ được phân công. Tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH kịp thời. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH; kiểm tra an toàn PCCC và CNCH. Đảm bảo công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH khi có yêu cầu của cấp trên; đảm bảo chế độ thông tin liên lạc, thống kê, báo cáo đúng quy định.
Riêng 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra 9 vụ cháy, tuy không thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản gần 3 tỷ đồng. Nguyên nhân do chập điện 7 vụ, đang điều tra 2 vụ. Địa bàn cháy tại thành thị xảy ra 5 vụ (chiếm 55,6%), nông thôn xảy ra 4 vụ (chiếm 44,4%). Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến nay có 2.184 đội PCCC cơ sở, với 10.708 đội viên. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành kiểm tra định kỳ, chuyên đề được 2.172 cơ sở. Qua kiểm tra, lập 2.172 biên bản kiểm tra, có 61 kiến nghị khắc phục, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 13 trường hợp với số tiền gần 70 triệu đồng. Phối hợp Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra được 8 phân trường tại huyện Mỹ Tú, huyện Châu Thành, huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng).
Chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến luôn được đảm bảo, sẵn sàng ứng trực và có mặt kịp thời khi được sự điều động, phân công của lãnh đạo cấp trên. Trong 9 tháng năm 2024, đơn vị điều động 116 lượt xe chữa cháy cùng 786 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia các cuộc bảo vệ theo các phương án chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh.
Đại tá Phạm Minh Khả - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết, thời gian qua để đảm bảo an toàn về phòng cháy, công tác củng cố, kiện toàn lực lượng, phương tiện luôn được quan tâm. Hiện nay, đơn vị được trang bị 13 xe, 55 cano và 9 máy bơm chữa cháy và một số trang thiết bị khác phục vụ công tác PCCC và CNCH theo quy định. Các đội cảnh sát PCCC và CNCH công an cấp huyện mỗi nơi được trang cấp 1 máy bơm chữa cháy, riêng huyện Trần Đề và huyện Kế Sách (Sóc Trăng) mỗi nơi được 2 máy bơm; 6 địa phương có xe chữa cháy gồm: thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Cù Lao Dung, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách. Đơn vị luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án, đảm bảo hậu cần chiến đấu, thông tin liên lạc và các điều kiện cần thiết khác để xử lý, cứu chữa kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ với quan điểm xuyên suốt là “Đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”; thực hiện triệt để phương châm “Bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) trong công tác PCCC và CNCH. Đồng thời, đa dạng hóa công tác tuyên truyền PCCC và CNCH, tăng cường ứng dụng nền tảng số, mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với công tác PCCC và CNCH.