An toàn trong thanh toán điện tử cần được đặt lên hàng đầu
Thanh toán điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, điều này cũng đồng nghĩa với nhiều mối đe dọa, tác động tiêu cực đối với các tổ chức tài chính cũng như khách hàng.
Đây là một trong những nội dung chính được của tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” do Hiệp hội NH Việt Nam chủ trì, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ tổ chức ngày 21-8.
Theo Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán của NHNN, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, rất nhiều tổ chức tín dụng đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây. Riêng hệ thống qua Napas có số lượng giao dịch trong năm 2022 đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt con số là 8,4 tỷ giao dịch/năm.
“Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đều hướng tới mục tiêu Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, từ góc độ đại diện cơ quan quản lý, ông Tuấn cho biết, dù đang phát triển mạnh nhưng ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân chưa thực sự tốt, chưa cao, cho nên dẫn đến các hiện tượng như: cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản.
Một vụ việc điển hình vừa được Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, số lượng tiền trôi qua tài khoản gian lận này là gần 1.000 tỷ đồng. Từ thực tế này, lãnh đạo Vụ Thanh toán chỉ ra 4 nhóm khó khăn, thách thức chính đối với an toàn, an ninh trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành NH.
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Thứ ba, thiếu tương thích giữa các hạ tầng.
“Hiện nay, NH sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an, nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được. Nếu như các cơ sở hạ tầng dữ liệu này tương thích và được tích hợp thì trong trường hợp khách hàng mở tài khoản, đăng ký số điện thoại, sử dụng mobile banking thì NH có thể kiểm tra được số điện thoại chính chủ và người thực hiện có chính xác hay không” - ông Tuấn nói.
Thứ tư là vấn đề con người. Tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn lớn. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ NH số của người dân còn nhiều hạn chế đã góp phần tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận. Kẻ gian thông qua sự thiếu hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ NH số chưa tốt của khách hàng để khai thác và qua đó thực hiện các hành vi gian lận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam cho biết, đi kèm với lợi ích, chuyển đổi số cũng phải đối diện với một số rủi ro. Hiện vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng cho kẻ gian. Bên cạnh đó còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản NH.
Một trường hợp xảy ra phổ biến khác là kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link/brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
“Tựu trung, khách hàng cần tỉnh táo, cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì cho bên thứ ba; cẩn trọng khi tham gia không gian mạng để hạn chế tối đa rủi ro, mất tiền cho kẻ gian”, ông Hùng khuyến cáo.