An toàn trong thi công hầm đường sắt đô thị
Một sự việc vừa xảy ra trong quá trình khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. Theo đó, khoảng 16 giờ chiều 20/2, trong quá trình khoan hầm tuyến đường sắt đô thị đã xảy ra tình trạng bùn, đất và chất phụ gia trào lên mặt đất ở ngõ 7, phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình) gây ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Ngay khi sự việc xảy ra, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu đã huy động hàng chục kỹ sư, công nhân và máy móc khẩn trương dọn dẹp bùn đất, giám sát kịp thời xử lý những phát sinh. Tuy nhiên, những bọt khí tại vị trí này vẫn bị đẩy lên từ dưới đất, đến 15 giờ 30 phút chiều 22/2, hiện tượng phun trào được khắc phục hoàn toàn khi máy đào hầm đi qua khu dân cư, ra đến hè phố Giảng Võ.
Nguyên nhân xảy ra sự cố là do trong quá trình khoan hầm dưới lòng đất còn tồn tại giếng nước hoặc cống thoát nước cũ, đã tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất. Ông Salvatore La Valle, Trưởng nhóm kỹ sư đào hầm TBM, liên danh nhà thầu Hyundai & Ghella cho biết, trước khi thi công hầm, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát các hộ gia đình có nhà, công trình dọc theo tuyến hầm, ghi nhận các kết cấu ngầm ở phía dưới có thể xảy ra sự cố.
Dựa trên các kết quả khảo sát đó, nhà thầu cũng đưa vào kế hoạch, quy trình quản lý rủi ro. Tuy nhiên, vẫn còn những đường ống, giếng nước này không còn được sử dụng từ lâu nhưng không được lấp lại.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn-Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó, đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5 km đã hoàn thành và đưa vào vận hành, đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-Ga Hà Nội) dài 4 km, gồm hai ống hầm ngầm.
Ngày 30/7/2024, máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) mang tên "Thần tốc" đã khởi công khoan hầm tại tầng đáy nhà ga S9-Kim Mã tại độ sâu 17,8 m, đến nay, đã khoan được 1.200m hầm. Từ ngày 3/2, máy đào hầm thứ hai mang tên "Táo bạo" bắt đầu vận hành. Dự kiến, toàn bộ hai ống hầm sẽ hoàn thành trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.
Quá trình khoan hai ống hầm sẽ kéo dài trong năm nay và sẽ tiếp tục đi qua các khu dân cư, trong khi các khu vực tuyến hầm ngầm đi qua có nền địa chất không đồng nhất, nhất là khu vực ga Hà Nội có địa hình thấp, trũng hơn so với khu vực chung quanh.
Do đó, để bảo đảm an toàn cho các công trình trong quá trình thi công hầm ngầm, chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu cần duy trì nghiêm ngặt các biện pháp bảo đảm an toàn trong suốt quá trình khoan hầm, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công, cập nhật và kiểm tra chi tiết dữ liệu về công trình ngầm. Những bài học trong quá trình thi công hầm ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ là kinh nghiệm quý cho các đơn vị khi thi công các dự án đường sắt đô thị trong những năm tới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/an-toan-trong-thi-cong-ham-duong-sat-do-thi-post861487.html