Ấn tượng của học trò về bài giảng của GS Nguyễn Văn Hiệu
Có cơ hội là học trò của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, PGS.TS Trần Quang Huy ấn tượng về khối kiến thức uyên bác và giọng nói rất hào sảng của thầy mình. Dù là những ký tự khó nhớ, thầy vẫn dễ dàng viết ra và giảng giải khúc chiết.
Hay tin GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua đời, PGS.TS Trần Quang Huy, Viện Nghiên cứu Nano, Trường ĐH Phenikaa, một trong số những học trò của ông vô cùng đau xót. “Mới tháng trước, thầy vẫn khỏe mạnh và phát biểu rất hào sảng nhân Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Vật lý Việt Nam, nhưng nay thầy đã ra đi về với thế giới người hiền. Trong lòng tôi cũng như nhiều thế hệ học trò của thầy đều cảm thấy rất hụt hẫng. Tiếng giảng của thầy vẫn như văng vẳng bên tai”, PGS.TS Trần Quang Huy chia sẻ.
PGS Huy cho hay, mặc dù biết đến danh tiếng của thầy đã lâu, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học ngành Vật lý được 5 năm, anh mới có cơ hội được làm học trò của thầy tại Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội trong chương trình cao học.
“Ấn tượng lớn nhất của tôi khi ấy về thầy là khối kiến thức uyên bác và giọng nói rất hào sảng mỗi khi giảng bài. Lúc ấy, tôi không hiểu được tại sao thầy đã chuyển sang vai trò quản lý, trải qua nhiều vị trí chủ chốt khác nhau và tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội, vậy mà khi giảng bài cho sinh viên, kiến thức chuyên môn của thầy cứ như tự tuôn chảy ra từ một kho tàng vô hạn.
Thậm chí, nhiều phương trình dài loằng ngoằng hay ký tự rất khó nhớ của môn Cơ học lượng tử, thầy cứ thế viết ra và giảng giải một cách logic, khúc chiết, hoàn toàn không phụ thuộc vào tài liệu”, PGS.TS Trần Quang Huy nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp cao học, PGS Huy cũng ít có cơ hội được tiếp xúc thầy. Nhưng với anh, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 2012, nhóm nghiên cứu của anh đã được GS Hiệu mời viết một bài báo tổng quan để đăng trên tạp chí quốc tế “Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology” do chính thầy sáng lập vào năm 2010, đồng thời cũng là tổng biên tập.
Đó là tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được xuất bản bởi một đơn vị uy tín thế giới (IOP Publishing). Những năm đầu, tạp chí vẫn chưa nằm trong danh sách được đánh giá của các tổ chức quốc tế, nhưng thầy vẫn tâm huyết với mong muốn Việt Nam có những tạp chí khoa học quốc tế để sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.
Biết được mong muốn ấy của thầy, nhóm nghiên cứu của PGS Huy cũng hào hứng tham gia.
“Thời điểm ấy, công bố quốc tế của Việt Nam còn ít, bản thân chúng tôi cũng rất trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc tìm chủ đề và tìm nguồn tài liệu để viết không hề dễ dàng. Nhưng thầy vẫn ra sức khuyến khích và động viên chúng tôi nên gắng sức”.
Sau gần 6 tháng nỗ lực, TS Lê Anh Tuấn (sau đó được bổ nhiệm Giáo sư năm 2020), TS Nguyễn Văn Quy (được bổ nhiệm Phó Giáo sư năm 2015) và PGS Huy đã hoàn thành một bản thảo gần 50 trang với 136 tài liệu tham khảo cập nhật.
Cuối năm 2012, bản thảo của nhóm đã được gửi đi bình duyệt độc lập, sau đó được chấp nhận đăng và trở thành bài báo có lượt tải về, lượt trích dẫn nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nhờ cơ duyên ấy mà nhóm của PGS Huy cũng thường xuyên được GS Nguyễn Văn Hiệu nêu tên và biểu dương mỗi khi thảo luận về tạp chí.
“Tôi luôn coi đây là kỷ niệm đẹp và rất vinh dự khi được góp một phần nhỏ bé cùng với thầy để định vị Tạp chí khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế”, PGS.TS Trần Quang Huy nói.
Còn với anh Nguyễn Nghĩa Tài (hiện đang công tác tại Công ty công nghệ không gian Maxar Technologies ở California), ấn tượng về GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là ở tuổi 65 tuổi, thầy vẫn tâm huyết với việc thành lập và phát triển Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Mong ước của thầy khi ấy là đào tạo ra những lớp tài năng trẻ có khả năng đóng góp cho đất nước. Tôi vinh dự khi là một trong những học trò học khóa đầu tiên (K46) và cũng do chính thầy làm chủ nhiệm lớp. Với chúng tôi, thầy là người có kiến thức uyên bác, luôn biến những thứ phức tạp thành kiến thức dễ hiểu. Thầy luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội và nỗ lực tìm cách giải quyết các vấn đề trong khả năng của mình”.
Anh Tài nhớ lại, trong những năm đầu tiên, GS Hiệu luôn cố gắng tìm cách mời những nhà khoa học giỏi nhất của Việt Nam đến dạy cho sinh viên của mình.
“Môi trường ấy, sau này tôi mới biết, không khác gì môi trường của các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài. Ngoài ra, để sinh viên có thể cập nhật nhanh và bắt kịp với những kiến thức của thế giới, sau 2 năm học, có khoảng 1/3 sinh viên trong lớp tôi được thầy gửi đi đào tạo ở Pháp”, Anh Tài nói và cho rằng, chính sự khích lệ, dẫn dắt và tạo điều kiện từ thầy cũng đã truyền cảm hứng cho sinh viên rất nhiều về tình yêu làm khoa học và tinh thần phụng sự xã hội.
Từng có gần 40 năm làm việc cùng GS Nguyễn Văn Hiệu, với GS.TS Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, “những kỷ niệm về GS Hiệu nhiều không thể kể hết”.
Nhưng điều ông nể phục nhất ở GS Hiệu là dù trên cương vị nào, ông cũng luôn là người tiên phong và có sức mạnh lan tỏa năng lượng tích cực.
“GS Nguyễn Văn Hiệu là một nhà khoa học lớn, có tầm nhìn và giàu năng lực ở rất nhiều mặt. Ông đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo tài ba và là người có thể lôi cuốn, truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học trò. Thật hiếm có một người hội tụ được nhiều tố chất tốt và năng lực siêu việt như vậy!”, GS Liêm nhận xét.