Ấn tượng đầu đời
Mặc dù đã 'tốt nghiệp mẫu giáo', mẹ vẫn vừa dắt vừa cõng tôi đến trường vào ngày khai giảng. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ mẹ sợ tôi lạ lẫm, ngơ ngác, không biết vào lớp nào, chẳng may lại bị những đứa trẻ ngỗ nghịch bắt nạt. Nhưng càng lớn tôi càng thấy giá trị của những bước chập chững tới trường mà chẳng bao giờ lặp lại ấy. Nó khắc sâu trong tâm trí tôi, và hôm nay, lại xốn xang, bồi hồi bế con gái đầu lòng vào lớp 1. Tôi sẽ cho con một ấn tượng thật tốt đẹp, để lớn lên, đem theo hành trang ký ức vào đời như một món quà quý giá.
Sân trường rộng rãi, đầy ắp trẻ nhỏ sặc sỡ đủ màu chạy ngược chạy xuôi. Các anh chị lớp trên quen biết nhau rối rít cười đùa sau ba tháng hè xa cách. Học sinh mới như gà con ngơ ngác, sợ sệt, giật mình khi tiếng trống cất lên. “Lớp 1D xếp vào hàng!”. Cô giáo giơ cả hai tay ra hiệu. Tôi buông con ẩy nhẹ nó vào hàng sau một đứa thấp hơn. Nó níu tay ngước nhìn tôi, tôi chỉ vào cô giáo. Như con chim mới ra ràng, thế là nó đã rời khỏi vòng tay tôi, đứng bên những đứa xa lạ mà tôi không có quyền lại gần, chỉ cố chọn một chỗ đủ để nó thấy được từ xa. Phía cuối hàng bất ngờ dồn lên làm nó xô vào bạn đứng trước. Thằng bé quay lại trừng mắt, con tôi vội nở nụ cười cầu hòa. Tình huống va chạm đầu tiên phải tự xử lý qua đi, tôi nhẹ cả người và mừng thay cho con. Nó lớn thật rồi.
Con tôi lớn thật rồi! Cảm giác ấy trào dâng khi tôi khoác lên người nó đồng phục của nhà trường. Áo rộng thùng thình màu xanh dương với những mảng trắng trên vai na ná bộ quần áo bảo hộ lao động, nhưng không sao miễn là đúng quy định. Có điều là loại vải pha nilon quá nhiều, trẻ nhỏ hiếu động chạy nhảy mồ hôi mồ kê nhớp nháp bức bối khó chịu lắm đây. Hôm qua là ngày khai trường, cô căn dặn các bậc phụ huynh phải mua cặp, mua quần áo, sách vở đúng quy định, thậm chí đúng cả nơi mua nữa, đó là cửa hàng đối diện cổng trường. Tôi nghĩ đơn giản mua hàng nào mà chẳng được, liền mua ở hàng bên cạnh. Tôi đã lầm và con mình phải trả giá.
Cô gọi nó lên bảng, đứng xoay lại nhìn cả lớp. Cô giơ cao cuốn vở rút ra từ cặp con tôi, hỏi to:
- Vở này được chưa?
- Chưa! - Phía dưới nhao nhao.
Cô giải thích loại vở thì đúng nhưng bìa bọc bằng loại nilon trong suốt hơi dày, sai quy định, đây là do mua ở cửa hàng khác, không đúng cửa hàng cô đã dặn. Con tôi đỏ mặt xấu hổ, nó biết gì đâu, lỗi là ở nơi tôi. Cô lại cầm cây thước chỉ vào vai áo nó:
- Áo này đúng hay sai?
- Sai! - Cả lớp đồng thanh.
- Sai chỗ nào?
Một đứa mạnh dạn đứng lên:
- Màu xanh chưa đúng.
Cô kéo một trò khác đứng bên cạnh, cùng màu xanh dương, nhìn kỹ của con tôi tươi hơn chút đỉnh. Cô cho trò kia về chỗ còn con tôi đứng nguyên đó, mặt cúi gằm. Cô tiếp tục kiểm tra những thứ khác, sách giáo khoa, thước, bút… Lúc này con gái tôi mới dám ngẩng lên, thấy tôi ngấp nghé ngoài cửa sổ, mắt nó ngấn nước chực khóc nhưng cầm lại ngay, chơm chớp.
Thay nilon bọc vở chẳng đáng là bao, phải mua chiếc áo khác thì thành vấn đề rồi, tôi đành liều gặp cô giáo. Cô cười cười:
- Cứ để cháu mặc cũng được, nó như áo cũ áo mới thôi mà. Vải của con chị là pha nilon còn đằng kia là nilon trăm phần trăm như áo mưa ấy, nóng không chịu nổi.
- Thế sao…?
Cô giáo nhìn tôi phì cười, vỗ nhẹ vào vai, tặc lưỡi:
- Ờ thì cô hiệu phó yêu cầu phổ biến như thế!
Đoạn cô xoay qua chuyện khác, than phiền bọn trẻ bây giờ lướt web như múa, bấm điện thoại di động nhắn tin nhoay nhoáy mà không biết cầm cây bút. Tôi hỏi cháu nhà tôi thế nào, cô bảo nó cũng cầm sai, thôi thì mỗi đứa sai một cách nhưng chẳng hiểu sao có đến mười em sai như nhau, cùng kiểu giống con chị.
“Nét chữ nết người”, xưa mẹ vẫn dặn tôi. Bà viết đẹp lắm, rất nhanh mà lại thẳng hàng, không cần dòng kẻ. Bà bảo thế hệ bà ai viết cũng đẹp, chữ bà là vào loại xấu đấy. Ngày ấy tìm một người viết bằng khen, kẻ khẩu hiệu dễ như bỡn, cơ quan nào chẳng có. Thiếu gì người chép tay cả cuốn sách dày vẽ lại cả bìa y như thật. Giờ thì chữ đã xấu lại viết láu, có trường hợp không đọc ra được ngay chữ của mình. Nghe lời bà, sau này tôi viết cũng rất rõ và đẹp. Đến nỗi cô giáo dạy tôi ở tiểu học giữ lại cuốn vở kỷ niệm và làm mẫu cho những lớp sau. Đám cưới tôi cô đem tặng lại, ôi chao mừng ơi là mừng.
Cầm bút đúng cổ tay hầu như giữ yên, chỉ mấy đầu ngón tay di động nên lâu mỏi mà còn đẹp mắt nữa. Tôi phải tự hào là con mình biết cầm đũa, cầm bút rất sớm. Khổ nỗi tôi dạy một đằng cô mẫu giáo uốn một nẻo, cô bảo cầm như nó là sai, gõ thước vào những ngón tay non nớt đến tím bầm, còn đe về nhà cấm được mách mẹ, phải bảo là bị ngã đau tay. Cách của cô thì ngón cái thò dài ra, bàn tay ôm cây bút như nắm đấm úp xuống mặt giấy, quản bút dựng đứng ghì xuống như viết biên lai, hóa đơn mua hàng, sợ những tờ giấy than phía dưới bị mờ. Lắm khi người viết sệch cả miệng theo tay đến nực cười. Cầm bút theo mẹ đến nhà trẻ bị cô đánh, cầm theo cô mẹ lại không bằng lòng, nó bảo ở lớp cầm theo cô, về nhà cầm theo mẹ, rõ khổ. Giờ thì nó được cầm theo cách của tôi rồi, hỏi ra mới biết, mười đứa cầm sai giống nhau ấy cùng lớp nhà trẻ. Cũng không thể trách cô nhà trẻ, cô lớn lên đúng thời kỳ cải cách chữ viết, chữ cô như đinh, như giá đỗ, cả trang viết thành chữ Ả Rập. Cô cười tít mắt: “Em làm bài thi giám khảo không đọc được, bảo cho điểm kém có khi oan nó, văn nó hay thì sao, thôi, cứ là cho điểm trung bình”.
Học được một tháng thì vợ chồng tôi ra nước ngoài làm ăn đành mang theo cháu. Tôi lo lắm, tiếng tăm thì chưa biết, hỏi các cô:
- Không hiểu cháu có theo được không?
Cô nói:
- Chị cứ yên tâm đi, dạy là nghề của chúng tôi. Con chị thần kinh bình thường, nó không học được là do chúng tôi không biết dạy. Ở đây chúng tôi dạy con em từ nhiều nước trên thế giới, chị xem: da trắng, da đen, da vàng,… đủ cả.
- Ăn mặc thì thế nào? - Tôi hỏi tiếp.
- Các lớp trên có đồng phục, trẻ nhỏ mặc thế nào thì mặc, càng nhiều màu sắc càng hay.
Thấy lớp lớn vào mà bọn trẻ vẫn chơi ngoài sân, cô giải thích:
- Cứ để chúng chơi với nhau rồi biết nói tất, học ngữ pháp không nói được đâu.
- Có phải mang sách vở gì không?
- Chưa… Thôi, cô chỉ có một việc là về lo kiếm tiền.
- Tôi phải đóng bao nhiêu cho cháu?
- Kiếm tiền cho chị ấy. Trẻ nhỏ học không mất tiền, còn được uống sữa và ăn trưa miễn phí nữa.
Tôi thở phào. Chỉ còn cái lo nữa là đi đường, xe cộ nườm nượp thế này. Đến ngã tư giữa lúc đèn xanh, tôi dắt cháu bước xuống đường đúng chỗ vạch cho nguời đi bộ thì một xe con lao tới, tôi vội kéo cháu lại, nó cười:
- Xanh thì cứ đi.
- Nhỡ nó lao vào mình thì sao? - Phản xạ này trong tôi hình thành từ trong nước, vì có khi đèn xanh, đúng làn đường cho người đi bộ, xe vẫn bất chấp lao vào.
- Nó sẽ phải dừng trước vạch. Mẹ có biết đèn vàng là gì không?. - Đến lượt nó đố tôi.
- Là “Chú ý”. - Khi tôi còn nhỏ, một chú công an đến lớp mang theo cái biển có ba vòng tròn đỏ, vàng, xanh, bắt học mãi không thuộc.
- Không phải - Nó nói. - Chú ý thì màu nào cũng phải chú ý, vàng là “chuẩn bị”.
- Sao con biết?
- Mỗi cô dẫn 4 - 5 trò đi dạo phố là thuộc ngay.
- Ở Việt Nam con theo mẹ ra phố, ở đây hóa ra mẹ theo con. - Tôi nói với nó.
- Không phải “theo”, mà là cùng đi. - Nó sửa lại.
Có những cái hằn sâu vào tiềm thức mà mình đâu có hay. Cứ nghĩ nó lệ thuộc vào mình, thì nó phải theo mình, mình lệ thuộc nó thì mình phải theo nó. Đến đây con tôi đã nghĩ khác, bình đẳng hơn: Mẹ con mình cùng đi.
Trước cổng trường tiểu học, dưới một bóng cây lớn có hai bà già ngồi đan len, đến giờ tan học các bà mang hai biển ra chắn đường, xe cộ ngang qua phải dừng lại chờ bọn trẻ. Lái xe container cũng không có vẻ gì là sốt ruột, thích thú nhìn bọn trẻ ngây thơ, còn tiếc khi những đứa cuối cùng qua hết. Không phải học sinh cản trở giao thông mà là giao thông cản trở học sinh. Bằng chứng sinh động nhất cho khẩu hiệu “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.Đường từ nhà đến trường gần một cây số, phải qua hai ngã tư, giữa hai ngã tư có lò bánh mì thủ công nướng than hoa bốc mùi thơm phức. Vỏ bánh dày và giòn màu nâu xỉn tự nhiên con tôi rất thích. Sáng nào tôi cũng cho nó 5 xu mua một cái bánh nóng vừa đi vừa ăn.
Sáng hôm ấy tôi nhớ là đã thả vào túi áo trong của nó 5 xu như thường lệ, nhưng ra cửa nó sờ túi nói là không có. A, con này lại định xin thêm mua cái gì đây. Tôi không tin, banh ngực áo nó, thục tay vào túi. Lần lượt lục không sót một túi nào, trong khi nó đứng đơ ra như một pho tượng, mắt đỏ gay, đanh lại vẻ thách thức. “Nào mẹ đã khám xong chưa”. Quả là không có tiền trong túi. Có thể tôi nhớ lối theo thói quen lặp lại mỗi sáng. Tôi ngồi thụp xuống, ôm nó: “Mẹ xin lỗi!”. Chỉ chờ thế, nó òa khóc. Nó đã ý thức được tự do thân thể và cảm thấy bị xúc phạm, bị làm nhục. Nó là một phần của tôi, nhưng giờ đây đã tách khỏi tôi, nó là nó và tôi là tôi. “Con đã bảo là không có!”. Nó lại òa lên một lần nữa như lúc mới bắt đầu.
- Nín đi. Hè này mẹ sẽ đưa con về Việt Nam thăm ông bà và các cô.
- Cô nào? - Hình như là nó đã hồi tỉnh.
- Các cô đã dạy con ấy.
- Các cô có làm gì con không?
- Không.
- Vì sao?
- Vì các cô không dạy mình nữa.
- Không dạy nữa thì không có quyền đánh trẻ con à?
- Ở đâu cũng có cô hiền, cô dữ, đây cũng vậy phải không con?
- Nhưng sao ở Việt Nam nhiều cô dữ thế?
Tôi kể cháu nghe ngày xưa bà ngoại đi học chịu đòn như thế nào. Ngửa hai bàn tay chìa ra có vết mực tím, đánh! Không thuộc bài, đánh! Một lần thầy giáo bắt bà úp bàn tay xuống bàn, vung thước lên, bà sợ quá rụt tay lại, thế là cây thước quật xuống mặt bàn gãy cấc, văng ra đập trúng vào đầu thầy.
Nó bật cười, bàn tay ngây thơ khum khum dụi mắt.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201908/an-tuong-dau-doi-2961414/