Ấn tượng đẹp về thầy, cô giáo đi chống dịch
Khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều thầy, cô giáo đã xung phong tình nguyện trực chốt, chăm sóc học sinh và người dân trong các điểm cách ly, tổ chức dạy học miễn phí…
Trường mầm non Tiền Châu (TP Phúc Yên) đã hai lần bị dịch Covid-19 tấn công vào năm trước và năm nay. Mỗi năm chỉ có một học sinh của trường bị nhiễm Covid-19, mọi hoạt động dạy học đã bị đảo lộn. Trường trở thành điểm cách ly cho cả lớp có học sinh nhiễm bệnh. Năm trước, đến sát Tết Nguyên đán, tám cô giáo vẫn phải ở lại trường chăm sóc cho học sinh. Năm nay, 10 cô giáo và nhân viên nhà trường tình nguyện cách ly cùng 24 học sinh và 24 phụ huynh. Các cô giáo đảm trách luôn công việc chăm nuôi, phục vụ chu đáo từ suất ăn đến nghỉ của gần 60 người. Vừa kết thúc đợt cách ly thứ hai, cô Hoàng Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian cách ly, giáo viên làm tốt công tác động viên phụ huynh và học sinh, tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi trong nhà cho trẻ. Thời gian đó cũng khiến cho tình cảm giáo viên và phụ huynh thêm ấm áp.
Ra đường, trực chốt dưới mưa to, nắng gắt là những thời khắc kỳ lạ với người thầy quen đứng trên bục giảng. Thầy giáo Trần Quang Thành, Trường THCS Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) được phân công trực tại chốt kiểm dịch đầu đường 100, nối với huyện Mê Linh (Hà Nội) hơn một tháng. Giờ cao điểm, hàng đoàn xe dài nối đuôi qua chốt kiểm dịch. Hai bàn ghi sổ giấy, bốn máy tính làm việc liên tục không ngừng tay. Nắng tháng sáu hầm hập thiêu đốt cả ngày lẫn đêm. Thầy Thành tả lại không khí lúc đó: "Chúng tôi mồ hôi như tắm và tìm mọi cách để thích nghi. Nước uống bao nhiêu vẫn thấy khát. Thương nhất là bốn anh chị điều tiết giao thông trên đường. Hai đồng chí cảnh sát giao thông má sạm đen vì nắng...". Người thầy vốn sẵn tấm lòng nhân hậu luôn cảm thông với vất vả của người khác mà quên đi vất vả của bản thân.
Thầy Phạm Xuân Thông là nhóm trưởng nhóm giáo viên tình nguyện của Trường tiểu học Cao Ðại (huyện Vĩnh Tường) tình nguyện trực chốt kiểm soát dịch tại đầu cầu Vĩnh Thịnh, điểm tiếp giáp với thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Nhiệm vụ chính của các thầy, cô giáo là hướng dẫn người dân và lái xe kê khai y tế, quét mã QR, lấy thông tin thẻ nhận diện "luồng xanh". Ca trực đêm thường do các thầy giáo đảm nhiệm. Vợ thầy Thông là nhân viên y tế, liên tục phải trực tại bệnh viện, thành ra vợ chồng thầy phải gửi con nhỏ ở chỗ ông bà để tập trung chống dịch. Thầy Thông chia sẻ: "Công việc trực chốt tuy vất vả, nhưng chúng tôi rất vui vì có thể góp sức cùng chính quyền và nhân dân tham gia phòng, chống dịch".
Nhiều thầy, cô giáo khác tình nguyện tham gia các hoạt động chống dịch tại thôn, tổ dân phố. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Ðồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên) và Hiệu phó của trường tình nguyện trực tại chốt kiểm soát dịch bệnh của phường, không nề hà bất cứ công việc gì được giao. Cô giáo Phạm Hồng Dương, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Yên Lạc vận động tổ chức "Bếp ăn mùa dịch" tại thôn Ðại Nội (xã Bình Ðịnh, huyện Yên Lạc). Ðầu tháng 5/2021, thôn Ðại Nội phải cách ly xã hội 15 ngày, mỗi ngày bếp của cô Dương và chị em phụ nữ thôn cung cấp gần 60 suất ăn miễn phí cho lực lượng trực chốt, sau đó mở rộng đến các gia đình neo đơn, chính sách. Người dân trong thôn, các cơ quan, tổ chức đều hưởng ứng đóng góp thực phẩm theo lời kêu gọi của cô Dương.
Trong các đợt dịch bệnh vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc huy động gần 500 lượt thầy, cô giáo tham gia chống dịch, chủ yếu trực tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Ðội ngũ giáo viên tình nguyện đã phát huy được thế mạnh trong việc sử dụng máy tính, điện thoại, phần mềm nhận diện, hỗ trợ rất hiệu quả cho lực lượng tuyến đầu. Ngành giáo dục đã lập danh sách lực lượng dự bị chống dịch gồm các thầy, cô giáo hăng hái, yêu thích hoạt động tình nguyện, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hàng nghìn lượt giáo viên tham gia dạy tình nguyện cho học sinh lớp 12, vào khu cách ly để dạy học sinh dù biết nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. Nhiều giáo viên khác tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19.
Những trải nghiệm tình nguyện khiến cho thầy, cô giáo vất vả hơn, song hình ảnh người thầy cũng gần gũi hơn trong đời sống thường nhật. Và hơn hết, họ đã nhận được sự yêu quý, trân trọng của nhân dân và học sinh ■