Ấn tượng hang Khao Quang

Tuyên Quang với diện tích tự nhiên ¾ là núi đồi, trong đó nhiều dãy núi đá vôi có độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loại động thực vật đặc hữu. Qua thời gian người ta còn phát hiện ra các dãy núi đá vôi có các hang động đẹp, được tạo ra bởi quá trình kiến tạo địa chất của trái đất từ cách đây hàng triệu năm, có thể đưa vào khai thác du lịch. Trong số hang động tiêu biểu đó có hang Khao Quang, thôn Lũng Giang, xã Năng Khả, huyện Na Hang. Theo đánh giá của đoàn khảo sát do Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh tổ chức mới đây, hang Khao Quang thực sự là một 'viên ngọc' giữa rừng xanh.

Phát hiện hang trong một lần tuần rừng

Xã Năng Khả có hàng nghìn ha rừng nguyên sinh nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được tỉnh quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2023 trong một lần tuần rừng, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Năng Khả tránh mưa đã bất ngờ phát hiện ra một cửa hang, khi đoàn cố gắng đi sâu vào trong thì phát lộ một không gian hang rộng với nhũ đá vôi tuyệt đẹp. Thông tin về hang mới được kiểm lâm địa bàn báo cáo lên xã Năng Khả và huyện Na Hang.

Huyện đã cử ngay đoàn khảo sát do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Đoan dẫn dầu. Qua khảo sát, xác định hang rất đẹp, cần được tuyên truyền bảo vệ để phát triển du lịch lâu dài. Ở Na Hang ngoài hang Khao Quang mới phát hiện còn có các hang Phia Muồn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú là di chỉ khảo cổ học của người Việt Cổ thuộc thời đại văn hóa Hòa Bình, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2009; hang Bó Kim, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương cũng mới được đưa vào tua khai thác du lịch sinh thái rừng của huyện.

Năng Khả cuộc sống mùa đông như chậm lại, hơn 10 giờ sáng mà mây mù vẫn giăng kín các bản. Trên ngôi nhà sàn truyền thống, người già trẻ nhỏ vẫn quây quần sưởi lửa bên bếp củi. Chúng tôi cùng đoàn khảo sát du lịch tiếp tục hành trình đi đến thôn Lũng Giang, thôn xa nhất của xã Năng Khả để khám phá hang Khao Quang. Xe tô tô của đoàn đi chừng hơn 10 km đường nhỏ quanh co thì dừng lại bên bãi đất trống rộng ven đường, nơi có các thửa ruộng mùa đông chỉ để cho trâu gặm cỏ. Ông Phùng Văn Tiến, Trưởng thôn Lũng Giang cho biết, toàn thôn có 61 hộ dân tộc Dao đỏ.

Đoàn khảo sát ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hang Khao Quang.

Đoàn khảo sát ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hang Khao Quang.

Năm 2023 huyện cho mở con đường từ Lũng Giang đi Lũng Trúc đến cầu Ba Đạo thị trấn Na Hang dài 4,2 km, dự kiến năm 2025 cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Từ đây quãng đường ra trung tâm huyện được rút ngắn, ô tô có thể vào sát chân núi để tham quan hang Khao Quang một cách thuận lợi. Người dân có đường tốt sẽ có cơ hội trong phát triển, giao thương về kinh tế, nâng cao cuộc sống.

Nhìn cảnh sắc ở Lũng Giang bình dị, đẹp hoang sơ, bản sắc văn hóa thì đặc sắc. Các thành viên đoàn khảo sát cho rằng, nếu bảo tồn và phát huy tốt Lũng Giang sẽ là làng du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng nhiều tiềm năng của huyện Na Hang. Anh Nông Văn Nhật, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Khu A thuộc Hạt Kiểm lâm Na Hang cho biết, địa bàn xã Năng Khả được Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang bố trí 1 trạm chính là Trạm Kiểm lâm Khu A cùng 6 chốt Bảo vệ rừng, trong đó có 3 chốt nằm sâu trong rừng, không có sóng điện thoại gồm chốt Mỏ Nước, chốt Bãi Lát, chốt Khao Quang.

Người dân tộc Dao ở đây vẫn có tục lệ thờ thần rừng, công tác bảo vệ rừng nguyên sinh được thực hiện tốt. Bà con xác định rừng che chở và nuôi sống dân làng. Đó là giữ rừng tốt mới có môi trường sống, nguồn nước trong lành. Rừng còn cho các sản phẩm ngoài rừng như măng, mọc nhĩ, giảo cổ lam và các bài thuốc nam quý.

Sản phẩm du lịch mới

Từ khi phát hiện đến khi đưa hang Khao Quang vào phục vụ khách du lịch cũng là cả một quá trình. Đầu tháng 12-2024, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát hang Khao Quang gồm 90 người ở các lĩnh vực quản lý, chuyên gia về du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm phân tích, đánh giá và đóng góp ý kiến trực tiếp vào hoàn thiện sản phẩm, phục vụ du khách trong thời gian tới.

Những nhũ đá vôi với hình thù đẹp.

Những nhũ đá vôi với hình thù đẹp.

Sau khi đi bộ một quãng và tập kết ở chân núi, cả đoàn háo hức leo núi để khám phá hang Khao Quang. Đi đầu dẫn đoàn là các cán bộ kiểm lâm khu vực, đường đi lên Khao Quang cũng không phải khó lắm, gần một tiếng đoàn tới nơi. Ngắm phong cảnh hai bên đường với những cây gỗ lớn, rừng hỗn giao với nhiều loài thực vật, đặc biệt là những đám chuối rừng cao vút, xòe lá râm mát khiến các thành viên trong đoàn thích thú. Hôm nay máy phát điện của ban tổ chức đã cấp điện ánh sáng cho hang Khao Quang với hàng chục bóng đèn Led và các đèn pin của đoàn thám hiểm.

Hang Khao Quang “ngụy trang” rất giỏi, cửa hang cũng không phải to lắm. Tuy nhiên khi vào trong hang cả đoàn cảm thấy choáng ngợp và bất ngờ về độ rộng, độ dài và vẻ đẹp của hang. Chị Nguyễn Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Tôi đã đi du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước, nhưng thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp, tiềm năng du lịch của hang Khao Quang. Ở đây có các nhũ đá bị phong hóa qua hàng triệu năm và sự tác động của dòng chảy nước ngầm tạo ra hình thù đẹp. Nói chung hang Khao Quang quá hoàn hảo, chắc chắn sẽ là một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, được du khách chú ý.

Trên chuyến bộ hành xuống núi, chúng tôi có dịp trao đổi với anh Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh. Anh Kiên cho biết: Được tận mắt thấy hang Khao Quang, vẻ đẹp của nó còn vượt xa sức tưởng tượng của mọi người, phải nói đây là một hang động đẹp. Trước mắt Ban Quản lý sẽ phối hợp với huyện Na Hang trong việc tuyên truyền người dân bảo vệ, giữ gìn hang Khao Quang đúng nguyên trạng.

Đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch, cùng với huyện mở tuyến đường mới lên hang Khao Quang được nhanh, thuận lợi; nghiên cứu xây dựng thôn Lũng Giang phát triển du lịch cộng đồng mang bản sắc dân tộc Dao đỏ. Khi đưa hang Khao Quang vào khai thác du lịch khám phá, mạo hiểm, chính quyền địa phương và thôn Lũng Giang cũng phải xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên bài bản, chuyên nghiệp nhằm giúp du khách có một trải nghiệm thoải mái. Hơn nữa phải nghiên cứu, mời các chuyên gia khám phá hang động giỏi của Việt Nam và thế giới, tiếp tục khám phá hang Khao Quang, chắc chắn có nhiều điều bất ngờ và thú vị ở phía trước.

Rời Lũng Giang trong chiều đông, hình ảnh đàn trâu đang thủng thẳng về chuồng, những mái nhà người Dao đỏ đang đang bốc khói cơm chiều, ai cũng thấy yêu nơi này. Cuộc sống của người dân thì vẫn còn khó khăn, nhưng nơi đây thật sự giàu bản sắc, giàu vẻ đẹp thiên nhiên. Những yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng. Hy vọng sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, sự nỗ lực của người dân, hang Khao Quang trong thời gian tới sẽ trở thành một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của huyện vùng cao Na Hang,

Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/an-tuong-hang-khao-quang-205174.html