Ấn tượng nơi biên giới Chiềng Tương
Bên cạnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Chiềng Tương đã chủ động tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại 2 xã Chiềng Tương và Lóng Phiêng. Việc thực hiện các mô hình đã góp phần giúp người dân có cuộc sống no đủ hơn, từ đó, củng cố, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Giúp người dân chuyển đổi cây trồng
Nhiều năm trước, người dân tại bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vẫn giữ thói quen trồng ngô trên những mảnh đất cằn cỗi, hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế, nhiều hộ dân trong xã loay hoay mãi không thoát cảnh nghèo đói. Trước thực trạng đó, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Chiềng Tương đã suy nghĩ tìm ra lối đi giúp người dân chấm dứt cảnh nghèo đói, xóa bỏ tư duy canh tác lạc hậu thông qua mô hình “Giúp dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc”. Cuộc “cách mạng” bắt đầu từ việc chuyển đổi từ trồng cây ngô, sắn sang trồng cây mận hậu. Tự tay người lính Biên phòng lựa chọn cây giống, đầu tư phân bón, chăm sóc cho cây, làm mô hình thí điểm để bà con “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”. Sau đó, diện tích 4,7ha trồng mận được chia đều cho 4 hộ nghèo của bản Pa Kha 1 tiếp tục chăm sóc.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Giàng Thị Chứ, bản Pa Kha 1 cho biết: “Gia đình tôi được Đồn Biên phòng Chiềng Tương trực tiếp xuống nhà vận động trồng cây mận hậu. Ban đầu, vợ chồng tôi còn ngập ngừng, trồng cây mận 3 năm mới được thu hoạch thì lâu quá. Nhưng các anh ở đồn Biên phòng hướng dẫn, lo cho cây giống, phân bón, khi được thu hoạch, các anh bàn giao lại cho mình”.
Vậy là, với diện tích 4,7ha mô hình trồng cây mận hậu của Đồn Biên phòng Chiềng Tương đã được chia đều cho 4 hộ nghèo trong bản Pa Kha 1. Sau khi được chia diện tích trồng cây mận hậu trừ hết các chi phí, mỗi hộ gia đình thực hiện mô hình lãi hơn 50 triệu đồng/vụ. 2 năm sau vụ thu hoạch đầu tiên, nhìn thấy hiệu quả cao từ mô hình trên mà nhiều hộ gia đình tại 2 xã Chiềng Tương và Lóng Phiêng đã chuyển đổi hẳn sang trồng cây mận hậu. Đến nay, nhiều gia đình đã giàu lên trên chính những mảnh đất của mình.
Thượng tá Nguyễn Đình Nhân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Tương cho biết: “Trong những năm qua, Ban chỉ huy đồn đã thực hiện nhiều hoạt động giúp dân, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân trên địa bàn. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt đã được đơn vị áp dụng như: Cử cán bộ đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, duy trì thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đơn vị đã trao 13,5 triệu đồng hỗ trợ 3 học sinh do đơn vị đỡ đầu năm học 2018-2019 và đang tiếp tục xét chọn 2 học sinh trình Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phê duyệt theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Ngoài ra, trong năm 2019, đồn đã trao 75kg gạo từ mô hình “Hũ gạo tình thương” cho 5 hộ nghèo thuộc các bản Đề A, Pa Kha 2, Bó Hin, Pom Khốc, Co Lắc, xã Chiềng Tương. Chúng tôi cũng phối hợp với Hội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Hà Nội trao tặng 23 suất quà cho các hộ gia đình chính sách, thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ với trị giá 7 triệu đồng; cùng Đoàn thiện nguyện Trường Đại học Giao thông Vận tải trao tặng quà cho 74 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản Pa Khêm với trị giá hơn 40 triệu đồng”.
Ổn định tình hình an ninh, trật tự tại trường học
Thượng tá Nguyễn Đình Nhân cho chúng tôi biết thêm, cùng với việc giúp người dân phát triển kinh tế, đơn vị còn triển khai mô hình ổn định an ninh, trật tự và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Tương, bằng cách trực tiếp cử cán bộ xuống sinh hoạt ngay tại nhà trường.
Theo con đường bê tông, chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Tương để tìm hiểu mô hình cán bộ Biên phòng giúp duy trì ổn định tình hình an ninh, trật tự và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho các em học sinh bán trú. Thượng úy Lìa Láo Lanh tâm sự: “Những em học sinh đang độ tuổi mới lớn, xa gia đình và sống tự lập, nên rất cần sự giám sát, kiểm tra sát sao của các thầy, cô giáo. Chúng tôi thường xuyên cùng các thầy, cô giáo quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt của các em; hướng dẫn các em kỹ năng sống, học tập, lao động ở môi trường tập thể, để các em bổ sung thêm kiến thức cho bản thân”.
Ngoài công tác chuyên môn, Thượng úy Lanh được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn các em học sinh trong việc sinh hoạt hàng ngày, từ dậy sớm tập thể dục, gấp chăn màn, ăn uống, vệ sinh cá nhân và đảm bảo an ninh trật tự cho nhà trường. Với các em học sinh, Thượng úy Lanh đã trở nên thân quen, gần gũi như người thân trong gia đình.
Thầy giáo Lê Ngọc Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Tương cho biết: “Mô hình ổn định an ninh, trật tự và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho các em học sinh được Đồn Biên phòng Chiềng Tương và nhà trường phối hợp thực hiện từ năm 2016. Đây là một mô hình rất ý nghĩa, trực tiếp giúp đỡ các thầy, cô giáo và các em học sinh rất nhiều. Khi chưa có mô hình, tình hình học sinh bỏ học thường xuyên xảy ra, nhất là hiện tượng học sinh đánh nhau gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Từ khi cán bộ Biên phòng xuống “3 bám, 4 cùng” tại nhà trường, tình hình mất an ninh, trật tự giảm hẳn, không còn chuyện học sinh bỏ học, đánh nhau nữa. Ban giám hiệu nhà trường rất ghi nhận mô hình Đồn Biên phòng Chiềng Tương thực hiện và mong muốn tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo”.
Chứng kiến Thượng úy Lanh tỉ mỉ hướng dẫn các em học sinh cách gấp chăn màn theo đúng nội quy quân đội, sắp xếp gọn gàng giày dép, đồ dùng học tập trong phòng, mới thấy tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương của người lính Biên phòng dành cho các em học sinh. Hình ảnh ấy không chỉ đẹp trong mắt người dân tại địa phương, mà còn tô thắm thêm hình ảnh người lính Biên phòng trong tâm trí của các em học sinh nơi đây.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-tuong-noi-bien-gioi-chieng-tuong-post432421.html