Ấn tượng nữ tính quyến rũ trong 'Lụa của Hương'
'Lụa của Hương' vừa kết thúc tuần triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gây ấn tượng đặc biệt về tranh lụa với vẻ đẹp nữ tính, quyến rũ.
Triển lãm cá nhân “Lụa của Hương” tại Phòng trưng bày chuyên đề - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, vừa kết thúc sau một tuần diễn ra, từ ngày 30/12/2019 đến hết ngày 5/1/2020.
Tranh lụa là một chất liệu đặc biệt, truyền thống, bí ẩn phương Đông, gắn liền với tính cách con người và triết lý sống. Nhưng đời sống của tranh lụa còn nhiều đoạn trường.
Lụa Vạn Phúc sau thời gian phát triển cực thịnh khoảng 10 năm trước nay đã thoái trào, đi vào làng Vạn Phúc bây giờ hiếm lắm mới còn một nhà làm lụa, không còn nghe tiếng khung cửi rào rào như trước. Trong khi lụa Trung Quốc tràn vào quá rẻ, chỉ bằng một phần mười so với lụa trong nước, nên sự lựa chọn tự nhiên của thị trường sử dụng tơ nhân tạo hoặc tơ đan xen giữa sợi nhân tạo và tơ tự nhiên là điều không tránh khỏi.
Tiếc nuối những làng nghề dệt lụa có thể đi vào dĩ vãng như Vạn Phúc, họa sĩ Nguyễn Thu Hương lặn lội về làng Quan Phố, huyện Duy Tiên (Hà Nam) để tìm mua lụa Việt. Chị lựa chọn chỉ vẽ trên lụa tơ tằm tự nhiên hoàn toàn.
Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương
Việt Nam cũng mới có nghề làm tơ sen, nhưng chất liệu này còn đắt gấp ba bốn lần tơ tằm, chẳng hạn thành phẩm cho một chiếc khăn cũng phải cỡ 1.000 USD trở lên, nên họa sĩ cũng chưa dám mơ có thể vẽ trên tơ sen.
Họa sĩ chia sẻ: “Tôi vẫn giữ lối vẽ truyền thống, sử dụng màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một màu mới. Thỉnh thoảng tôi cũng làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh” – Nguyễn Thu Hương cho biết.
Đường nét trầm bổng, gợi cảm, vẻ đẹp nữ tính đậm đặc trong tranh Nguyễn Thu Hương. Hương rất lưu tâm đến sự phân bố giữa các mảng hình, màu, nét và khoảng trống...
Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương vẽ theo lối truyền thống
Ngôn ngữ hình ảnh và hòa sắc đương đại của Nguyễn Thu Hương
Triển lãm “Lụa của Hương” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này trưng bày 27 bức tranh, là kết quả của 8 năm làm việc, từ 2012 đến hết 2019; trong đó có một bức ghép kết hợp với trục quay bên trong, vẫn sử dụng chất liệu lụa bồi trên giấy dó. Họa sĩ thường kết hợp giữa ý tưởng, ngôn ngữ tạo hình hiện đại và lối vẽ lụa truyền thống.
Nguyễn Thu Hương tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2005, tốt nghiệp thạc sỹ Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Vẻ đẹp nữ tính trong tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương
Gần mười năm lao động miệt mài với lụa để cho ra vài chục tác phẩm
Thu Hương tham gia nhiều triển lãm nhóm như Biennale Mỹ thuật trẻ,Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức (2019), Viet Art Now – một số gương mặt điển hình, Hà Nội (2019), Festival Mỹ thuật châu Á: Việt Nam - Hàn Quốc, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, Hà Nội (2018), Tranh lụa và điêu khắc nhỏ, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức, Hà Nội, Triển lãm tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tổ chức, California, Hoa Kỳ (2017), Equilibrio, tại White Box, Kuala Lumpur, Malaysia (2016), Điểm đến IV- Mọc, Triển lãm mỹ thuật của một số nữ nghệ sĩ hai nước Việt Nam-Malaysia, Hà Nội (2015), Mỹ thuật Việt Namđịnh kỳ 5 năm, do Bộ VHTTDL và Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức, Hà Nội, Festival Mỹ thuật trẻ, do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức, Hà Nội (2014), Họa sĩ trẻ đang nghĩ gì?, do CLB Họa sĩ trẻ - Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, Hà Nội (2013), Asia Art Festival do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, Hà Nội (2011), Triển lãm tranh lụa toàn quốc, do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh (Bộ VHTTDL) tổ chức, Hà Nội (2007).
Nữ họa sĩ quê gốc Thái Bình nhận nhiều giải thưởng. Năm 2019, họa sĩ Nguyễn Thu Hương đoạtGiải Ba, Biennale Mỹ thuật trẻ, TP.HCM, 2017: Giải Khuyến khích, Triển lãm mỹ thuật khu vực I – Hà Nội của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2006: Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm mỹ thuật khu vực I – Hà Nội.
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/an-tuong-nu-tinh-quyen-ru-trong-lua-cua-huong-377735.html