Ấn tượng phát triển ngành công nghiệp

Những năm qua, tỉnh ta từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp (SXCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN), tạo chuyển biến rõ nét cả về quy mô và chất lượng.

Sản phẩm bê tông tươi Minh Thành (Công ty Hoàng Sơn) cung cấp cho nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Sản phẩm bê tông tươi Minh Thành (Công ty Hoàng Sơn) cung cấp cho nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Năm 2022, mặc dù phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn, song ngành công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá với giá trị SXCN ước đạt trên 41.600 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những địa bàn trọng điểm phát triển CN-TTCN của tỉnh là huyện Lương Sơn. Những ngày cuối năm, tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn, hàng nghìn công nhân hối hả đổ về KCN chuẩn bị cho ca làm mới. Tại KCN này, mỗi ngày có hàng vạn sản phẩm may mặc, linh kiện điện tử… được làm ra. Sau đó, sản phẩm được đưa tới các nhà máy, tổ hợp lắp ráp nhiều nơi cũng như cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Năm 2022, giá trị SXCN của huyện Lương Sơn đạt khoảng 22.950 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, huyện có 825 cơ sở, doanh nghiệp và hộ sản xuất CN-TTCN đang hoạt động, trong đó có 98 đơn vị hoạt động ngành CN-TTCN; 81 hộ cá thể hoạt động sản xuất CN - TTCN và 646 hộ làm nghề TTCN. Toàn huyện có 12 dự án sản xuất gạch cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh.

Trên toàn tỉnh, năm 2022 SXCN có mức tăng trưởng khá. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từng bước phục hồi và sản xuất ổn định; một số sản phẩm chủ yếu của ngành như điện tử, may mặc, kết cấu thép và các sản phẩm từ kim loại... tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đối với nhóm sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện sản xuất ước đạt 9.068 triệu KWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng điện thương phẩm ước đạt 1,13 tỷ KWh, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, thời gian qua, lĩnh vực SXCN, TTCN trên địa bàn luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, bám sát tình hình và chủ động tháo gỡ khó khăn trong SX-KD của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, năm 2022, chỉ số SXCN trên toàn địa bàn ước tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19%, ngành công nghiệp cung cấp nước sạch và xử lý rác thải tăng 3%. Giá trị SXCN ước đạt 41.626 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả trên cũng một phần nhờ tỉnh ta không ngừng phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể và thu hút đầu tư, tạo môi trường SX-KD ngày một tốt hơn. Thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án.

Thống kê năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án trong KCN; 10 dự án trong cụm công nghiệp (CCN) và 55 dự án nằm ngoài khu, CCN.

Tại các KCN hiện có 105 dự án đầu tư đã được cấp phép, trong đó, có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,9 triệu USD và 80 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13.992,7 tỷ đồng.

Cũng theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, mục tiêu năm 2023, xác định CN - TTCN luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH của địa phương, tỉnh ta sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu và có nhiều chính sách ưu đãi, giúp các doanh nghiệp, cơ sở SX-KD, dịch vụ phát triển bền vững. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp gia công, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi. Đẩy mạnh công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của cơ sở CN-TTCN trên địa bàn.

Tập trung huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng khu, CCN; chú trọng thu hút NĐT hạ tầng KCN Thanh Hà, Nam Lương Sơn và các KCN dự kiến bổ sung mới làm cơ sở thu hút NĐT thứ cấp; quan tâm hỗ trợ NĐT hoàn thiện hạ tầng các CCN đã có vốn, đang hoạt động, khắc phục tình trạng chậm GPMB để đẩy mạnh thu hút đầu tư; mở rộng hình thức huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng CNN. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các NĐT triển khai dự án đúng tiến độ, phát huy công suất, hiệu quả hoạt động của các nhà máy; đảm bảo hoàn thành và vượt kế hoạch giá trị SXCN.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác khuyến công; tập trung đào tạo phát triển ngành nghề TTCN, truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu; hỗ trợ đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, mô hình trình diễn kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác tư vấn phát triển công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở CN-TTCN trên địa bàn.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN - TTCN, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý để thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, thân thiện với môi trường. Đồng thời, quan tâm đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất giúp các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, SX-KD, nâng cao vị thế của địa phương.

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/173791/an-tuong-phat-trien-nganh-cong-nghiep.htm