Ấn tượng Sơn La

PTĐT - Sơn La vùng đất của núi cao, suối sâu, có dòng sông Đà, sông Mã chảy qua; nơi có ngục tù năm xưa với cây đào Tô Hiệu đã đi vào sử sách…

Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La. Ảnh: Huy Ngoan

Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La. Ảnh: Huy Ngoan

PTĐT - Sơn La vùng đất của núi cao, suối sâu, có dòng sông Đà, sông Mã chảy qua; nơi có ngục tù năm xưa với cây đào Tô Hiệu đã đi vào sử sách… Sơn La còn là trung tâm của vùng Tây Bắc Tổ quốc, giàu truyền thống cách mạng. Trong công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của đất nước, Nhà máy thủy điện Sơn La đã được đầu tư xây dựng, có công suất 2.400MW lớn nhất Đông Nam Á; bằng nguồn lực và trí tuệ Việt Nam; nguồn năng lượng từ nước của những dòng sông đã đưa Sơn La trở thành trung tâm năng lượng Quốc gia.

Với những tiềm năng to lớn và vị trí chiến lược của địa phương, Đảng bộ cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã và đang “đánh thức” nguồn lực to lớn từ đất - nước và rừng; từng bước thực hiện hóa “ước mơ” của người dân là có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy…
Thành công có ý nghĩa đột phá trong hơn một thập kỷ qua của tỉnh Sơn La là đã đầu tư đúng hướng, bài bản, quyết liệt; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành chuỗi khép kín của gần 600 hợp tác xã nông nghiệp đã tạo chuỗi liên kết giữa nông dân - hợp tác xã doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm cuối cùng được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.Tỉnh Sơn La có vùng cây ăn quả phong phú, đa dạng, với hơn 70.000ha, là vùng sản xuất cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Trong đó phải kể đến: Hơn 1.800ha nhãn, 1.600ha xoài, hơn 2.000ha cây có múi, chuối, bơ, chanh leo, hồng không hạt, đào, mận… với sản lượng hàng vạn tấn/năm. Sơn La còn có 5.000ha chè, 13.000ha cà phê, 6.000ha cao su, cùng với đó là những nhà máy chế biến cho sản phẩm có chất lượng; ứng dụng công nghệ cao, như ghép mắt, tưới nước nhỏ giọt, bón phân hữu cơ; thực hiện nghiêm ngặt quy trình 18 bước tạo thành chuỗi trong sản xuất nông nghiệp sạch.

Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Nà Sản, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Nà Sản, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Chuyến đi thăm quan và trải nghiệm tại tỉnh Sơn La lần này đoàn chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên và thú vị về những đổi thay ở nơi đây. Đi đến đâu cũng thấy những cánh rừng đại ngàn; những đồi chè, rừng cà phê, cao su xanh ngắt. Những vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Nhãn, xoài, chanh leo và các loại cây có múi được quy hoạch tập trung, bài bản, đã và đang phát triển rất tốt, cho sản lượng cao, chất lượng tốt, người tiêu dùng ưa chuộng. Đáng mừng một số sản phẩm của Sơn La đã vượt biên giới đến với những thị trường khó tính như: Nhãn xuất khẩu sang Úc; chanh leo sang Pháp, châu Âu; xoài sang Mỹ, Trung Quốc. Thành công này tạo cơ hội cho Sơn La mở rộng và phát triển vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.Từ một thị xã nhỏ (phố núi trước đây) nay thành phố Sơn La đã đổi thay đáng kể, những con đường rộng mở thênh thang chạy dọc, chạy ngang thành phố; những con đường mới nối dài ra vùng ven, những khu kinh tế trọng điểm tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển; phố núi ngày nào, thay vào đó là một đô thị khang trang với nhiều công trình kiến trúc hiện đại. Điểm nhấn của thành phố là quảng trường Tây - Bắc đã được xây dựng và khánh thành ngày 7/5/2019 đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc (7/5/1959 - 7/5/2019), quần thể tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây - Bắc, là minh chứng thiêng liêng thể hiện tấm lòng, tình cảm của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tây - Bắc đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Đây sẽ là nguồn động lực tinh thần vô giá để Sơn La vững bước tiến lên.

Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Lê Hồng Hà

Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Lê Hồng Hà

Đến với Sơn La, không thể không đến với Mộc Châu. Cao nguyên Mộc Châu là một huyện của tỉnh Sơn La, một vùng đất rộng lớn, bằng phẳng có diện tích 2.025,1km2, dân số hơn 160.000 người, gồm 12 dân tộc sinh sống, gắn bó: Thái 33%, Mông 18%, Kinh 15%, còn lại là các dân tộc: Dao, Tày, Khơ Mú, Mường… Huyện Mộc Châu nằm trọn trên cao nguyên xinh đẹp nhất miền núi phía Bắc, nơi có khí hậu ôn đới gió mùa rất mát mẻ vào mùa hè, phù hợp cho các loại cây trồng ôn đới như rau xanh, hoa, quả, mận, đào… là điểm đến du lịch lý tưởng của khách trong nước và quốc tế. Từ vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan môi trường, đã từ lâu Mộc Châu là điểm đến của khách du lịch như: Thác giải yếm, rừng thông bản Áng, Hang Dơi… Hơn thế Mộc Châu còn là xứ sở của hoa mận, hoa đào mỗi khi Tết đến xuân về và nhiều loại hoa đẹp của Tây Bắc vừa dung dị, vừa nồng ấm như chính tâm hồn người Tây Bắc vậy. Với những giá trị vốn có của Mộc Châu, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã và đang được đầu tư xây dựng.Phát triển du lịch là khâu đột phá của tỉnh Sơn La; trong đó Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu là tâm điểm, cùng với đó là du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa, gắn với du lịch trải nghiệm lòng hồ Sơn La với trên 200.000ha mặt nước với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ “Sơn thủy, hữu tình”; chắc chắn nơi đây sẽ là điểm đến lý thú của du lịch Sơn La trong tương lai.Đến với Sơn La, một vùng đất rất nhiều tiềm năng miền Tây Bắc Tổ quốc với biết bao đổi thay và những ấn tượng sâu sắc; một Sơn La đổi mới, đang vươn lên bằng nội lực - trí tuệ từ đất - nước - người Sơn La.

Tâm Đắc

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201911/an-tuong-son-la-167665