Ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và ngoại giao của Việt Nam

Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực đang có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường; tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh ngày càng nặng nề hơn.

Các yếu tố này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại. Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn đã có cuộc phỏng vấn độc quyền ông Đào Xuân Lai, Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Lào, về những thành tựu ý nghĩa đó của Việt Nam.

Ông Đào Xuân Lai, Phó Trưởng Đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Lào, trả lời phỏng vấn. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào

Ông Đào Xuân Lai, Phó Trưởng Đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Lào, trả lời phỏng vấn. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào

Về phát triển kinh tế - xã hội, ông Đào Xuân Lai cho rằng Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, đã đổi mới tư duy kinh tế, từ kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây điểm mấu chốt trong thành công của kinh tế của Việt Nam. Ông cho biết sau gần 40 năm Đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD vào năm 2023, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đặc biệt thuộc nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã đạt gần 4.300 USD và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều hiện chỉ còn 2,9%. Đây là những kết quả rất đáng vui mừng, đặc biệt với xuất phát điểm của Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chỉ đạt 26,3 tỷ USD vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, tạo ra nền kinh tế mở và tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư. Nền kinh tế mở của Việt Nam rất lớn, là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thị trường. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế-thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, trong đó có 17 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và đặc biệt là tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện ước đạt 800 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi GDP và Việt Nam rất chú trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút được khoảng 31,4 tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo.

Theo ông Đào Xuân Lai, trong chuyển dịch mô hình kinh tế tăng trưởng và công nghiệp hóa, Việt Nam đã chuyển dịch từ việc giảm khu vực nông nghiệp sang khu vực dịch vụ và công nghiệp theo hướng hiện đại hơn. Khi nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch như vậy sẽ giúp thúc đẩy tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng như các ngành kinh tế của Việt Nam. Điều quan trọng là kinh tế Việt Nam đảm bảo sự phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đã tạo cơ chế tự chủ cho người dân, sự tham gia và hưởng lợi của người dân cũng như doanh nghiệp, để doanh nghiệp và người dân không ỷ lại và trông chờ vào bên ngoài. Đặc biệt là việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Về hội nhập và ngoại giao, ông Đào Xuân Lai khẳng định Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất tích cực. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới ngày càng được nâng cao. Việt Nam có những đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân Việt Nam đã và đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngày càng sâu sắc với tất cả 193 nước và vùng lãnh thổ là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có quan hệ đặc biệt với 3 nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước và quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước. Điều này tạo tiền đề rất tốt và Quốc hội Việt Nam cũng là thành viên của các nghị viện châu Á và Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của Việt Nam cũng tham gia vào các cơ chế hợp tác đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài.

Từ góc độ LHQ, ông Đào Xuân Lai đánh giá rất cao vai trò tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam. Việt Nam đã tham gia hơn 70 tổ chức quốc tế và hiệp hội cũng như diễn đàn, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đặc biệt là LHQ. Không chỉ tham gia tích cực, Việt Nam còn có những đóng góp rất thiết thực, đặc biệt khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, như ở Nam Sudan. Đó là những thành tựu về phát triển kinh tế cũng như hội nhập ngoại giao rất đáng khích lệ của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về đường hướng của Việt Nam trong thời gian tới để tiếp tục duy trì và phát triển những thành nổi bật đã đạt được như trên, ông Đào Xuân Lai nhận định về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội. Đó là "chìa khóa" để tạo niềm tin với các nước mà Việt Nam có quan hệ hợp tác, cũng như với các doanh nghiệp quốc tế, để họ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Ông Đào Xuân Lai cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng suất lao động, vì đây là yếu tố quyết định giúp năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của từng doanh nghiệp. Điểm này rất quan trọng, do đó nhà nước sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng của người lao động. Đặc biệt, Việt Nam cần phải tạo lập các cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiệu quả hơn, hay tăng đầu tư vốn sản xuất mạnh mẽ hơn, cũng như cải cách chính sách tiền lương. Đánh giá Việt Nam đang thực hiện "cuộc cách mạng" về kỹ trị và quản trị, ông Đào Xuân Lai tin rằng quá trình này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách tiền lương, thu nhập để tạo động lực giúp người lao động nâng cao hiệu suất công việc. Đặc biệt hơn nữa đó là cần xây dựng các cơ chế giúp hạn chế rào cản về tài chính để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông cho biết theo số liệu ước tính hiện nay của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam còn tương đối thấp, chỉ bằng khoảng 30% năng suất lao động của Singapore. Đây là những điểm chi tiết mà chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm. Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phải khẳng định được vai trò to lớn hơn của Việt Nam trong việc trở thành đầu tàu và tham gia sâu vào chuỗi sản phẩm có giá trị cao hơn. Trên hết, Việt Nam phải tập trung vào các ngành kinh tế mới, kinh tế mới nổi, như kinh tế số, kinh tế công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) hay chất bán dẫn. Việt Nam phải tập trung nhiều hơn nữa cho việc phát triển các sản phẩm “Made in Vietnam” để có thể xuất khẩu và trở thành đầu tàu trong một số lĩnh vực mới.

Nhận định hiện Việt Nam đang quá chú trọng vào các ngành thâm hụt lao động và phát triển các lợi thế về chi phí sản xuất thấp, ông Đào Xuân Lai cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi và chuyển đổi sang các ngành phát triển có giá trị tăng cao tốt hơn.

Việc đảm bảo cân bằng phát triển giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Đây là điểm Việt Nam cần phải nhấn mạnh, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động môi trường hiện nay khi việc đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh là một tiềm lực mới mà Việt Nam có thể thúc đẩy, tránh được "bẫy" dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên để phát triển. Việt Nam cần chú trọng đến các giá trị bền vững để thúc đẩy nền kinh tế xanh, sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, mà thế mạnh của Việt Nam là năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Những phương hướng đó sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn để hướng tới tầm nhìn và đạt được mục tiêu vào năm 2045.

Về hội nhập và ngoại giao, ông Đào Xuân Lai khẳng định ngành ngoại giao của Việt Nam đã và đang giữ vai trò nòng cốt. Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế và phương thức ngoại giao đa phương hóa, sẵn sàng làm bạn với nhiều nước và chủ động hợp tác với nhiều nước, cũng như các tổ chức, hiệp hội quốc tế. Trong kỷ nguyên của Việt Nam, ngành ngoại giao tiếp tục giữ vai trò chủ động, nhưng Việt Nam cần có sự hợp tác đa ngành và ngoại giao đa ngành dựa trên những kinh nghiệm mà Việt Nam đã có, đó là ngoại giao vaccine, ngoại giao nông nghiệp, ngoại giao du lịch.

Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngoại giao kinh tế, qua đó mở ra các thị trường mới, tạo điều kiện để có thể xuất khẩu các sản phẩm "Made in Vietnam", tạo thị trường mới cho các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu hàng hóa, từ đó có thể chủ động hơn nữa trong việc thích ứng và dẫn dắt các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đã có những công nghệ nhất định và đang tiến tới có thể chủ động sản xuất một số sản phẩm mới. Việt Nam hiện tham gia khá tích cực vào một số cuộc tọa đàm quốc tế và khu vực. Việt Nam cần chủ động hơn nữa, tích cực tham gia sâu hơn vào hoạt động đối thoại với nhiều nước trên thế giới.

Về việc tham dự các cuộc tọa đàm cũng như định hướng phát triển cho các nước, trong gần 40 năm phát triển, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm thu hút đầu tư, định hướng đầu tư phát triển doanh nghiệp, cũng như cải cách thể chế và những kinh nghiệm như vậy là những bài học rất tốt để Việt Nam có thể đóng góp cho các nước đang phát triển. Hiện Việt Nam đã có các mối quan hệ hợp tác nhất định, như hợp tác với các nước châu Phi trong chuyển giao công nghệ và phát triển nông nghiệp. Hiện còn rất nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, giáo dục và cả quốc phòng, Việt Nam vẫn cần tham gia tích cực hơn nữa.

Về khủng khoảng toàn cầu, trong đó có khí hậu và khủng hoảng môi trường, Việt Nam đã và đang rất tích cực thực hiện đề ra các chiến lược, biện pháp thiết thực. Theo ông Đào Xuân Lai, Việt Nam nên chủ động hơn trong tham gia đánh giá, đóng góp tiếng nói trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông khẳng định Việt Nam còn nhiều tiềm lực để nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế trong thời gian tới.

Xuân Tú - Bá Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/an-tuong-ve-nhungthanh-tuu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-ngoai-giao-cua-viet-nam-20241212145757915.htm