Ấn tượng với liveshow thính phòng của ca sỹ Đỗ Vũ Lan Nhung
Nữ ca sỹ trẻ Đỗ Vũ Lan Nhung đã có một đêm thực sự thăng hoa và đầy cảm xúc trong liveshow đầu tiên của cuộc đời, cũng là đêm nhạc 'chào sân' tại TP.HCM.
Khán phòng Nhạc viện TP.HCM chật kín khán giả dù cơn mưa rào bất chợt của Sài Gòn ào ào đổ xuống trước giờ mở màn ít phút. Tuy nhiên, dường như đó là “thói quen” của thời tiết Sài Gòn, nên khán giả vẫn tấp nập đến xem, vì thế ban tổ chức đã quyết định lùi giờ mở màn để đợi khán giả. “Đây là liveshow thính phòng đầu tiên trong sự nghiệp, tôi muốn thầy cô, gia đình, bạn bè và những khán giả yêu dòng nhạc cổ điển thực sự được thưởng thức trọn vẹn cả đêm nhạc, nên quyết định lùi giờ mở màn. Tôi muốn được nhìn thấy tất cả những người thân yêu ngồi phía dưới, tôi thực sự muốn được tri ân họ, bằng chính sự thăng hoa trên sân khấu của mình, trong miền cảm xúc mà âm nhạc mang lại” – Đỗ Vũ Lan Nhung chia sẻ.
Vì là đêm nhạc “chào sân” nên Lan Nhung đã phô diễn hết những thế mạnh của mình, đó là một giọng nữ cao đa sắc màu, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, xử lý ca khúc cực kỳ tinh tế, lúc mềm mại bay bổng, khi mạnh mẽ kịch tính rất ấn tượng. Đây cũng coi như là đêm nhạc “báo cáo” kết quả sau nhiều năm tu nghiệp tại Romania của Đỗ Vũ Lan Nhung. Vì thế, ở hàng ghế khán giả, không thể thiếu các thầy cô giáo (như NSƯT Phan Thu Lan, NSƯT Ánh Tuyết,…) - những người đã dạy dỗ, dìu dắt Lan Nhung từ những bước chập chững vào nghề hát. Cũng không thể thiếu gia đình, là mẹ, là cô dì chú bác từ Hải Dương bay vào; và tất nhiên không thể thiếu các nghệ sỹ “đình đám” dòng nhạc thính phòng như NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Anh Bằng,… và cả những học trò mà Lan Nhung đang trực tiếp giảng dạy.
Có một điều cũng rất thú vị khác, xuất hiện trong liveshow của Lan Nhung đa phần là những người bạn, người đồng nghiệp của cô. Đó là nghệ sỹ cello Đinh Hoài Xuân – người từng du học Romania với Lan Nhung, nghệ sỹ piano Iulian Ochescu (Romania), nghệ sỹ Baek Na Yoon (Hàn Quốc) – cô giáo của Lan Nhung, nghệ sỹ Mai Thanh Sơn (đàn nguyệt) – đồng nghiệp của Lan Nhung tại trường CĐ VHNT TP.HCM, ca sỹ Đào Mác – một người bạn thân của nữ ca sỹ,… Tất cả những điều ấy tạo nên sự gắn kết, gần gũi và giúp cho Lan Nhung càng thêm tự tin để tỏa sáng trên sân khấu đêm nhạc của mình.
Liveshow của Lan Nhung gồm các bài hát Việt Nam và các trích đoạn nhạc kịch, những aria cổ điển nổi tiếng. Với một nền tảng kỹ thuật điêu luyện và những trải nghiệm thực tế, Lan Nhung đã đưa khán giả vào những miền cảm xúc đa chiều. Tiếng hát ấy khi thì thánh thót, trong veo như giọt sương, lúc lại mạnh mẽ, trào dâng như sóng biển. Sự tinh tế được thể hiện ở việc xử lý ca khúc, nhưng nốt cao lồng lộng mà không gắt, những nốt thấp hát nhẹ như hơi thở nhưng vẫn rõ nét như sợi tơ. Sự tinh tế thể hiện rõ nhất là ở những bản song ca khi Lan Nhung cùng các khách mời hòa giọng, những phần “bè” cực kỳ hòa quyện, nâng giọng nhau lên, lúc nhỏ lúc to, lúc mềm lúc căng,… tạo nên những mạch cảm xúc cực kỳ thăng hoa cho khán giả.
Trong đêm nhạc này, Lan Nhung còn trình bày bài dân ca Quan họ Bắc Ninh “Se chỉ luồn kim” với phần phối khí cực kỳ ấn tượng của giám đốc âm nhạc – nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, một bản phối giúp ca sỹ vừa giữ được những “lề, lối” chuẩn mực của quan họ, vừa có sự hiện đại của âm nhạc phương Tây, một sự giao thoa tuyệt vời. Đây thực sự là một điểm nhấn thú vị của Lan Nhung, nó thể hiện thông điệp của cô, rằng cho dù đi học trời Tây bao năm, tiếp thu bao nhiêu kiến thức tân tiến của thế giới, thì Lan Nhung vẫn là một người Việt Nam, nói và hát bằng tiếng Việt, bản sắc Việt Nam đậm đà chảy trong huyết mạch của cô. Đấy cũng là minh chứng cho việc, Lan Nhung sử dụng rất nhiều “hơi thở” dân gian Việt Nam vào những ca khúc bán cổ điển, những bài hát “đậm chất” thính phòng – vì thế, Lan Nhung hát rất cảm xúc, rất gần gũi, dễ nghe./.