Ấn tượng whusu, arnis và khiêu vũ thể thao
Sau 3 ngày tranh tài tại SEA Games, đoàn thể thao Việt Nam đã có 3 bộ môn kết thúc tốt đẹp các nội dung thi đấu, cả 3 bộ môn đã ghi dấu ấn bằng những chiến thắng không thể tuyệt vời hơn.
SEA Games 30 là kỳ đại hội thứ 3 có sự hiện diện của dancesport (khiêu vũ thể thao). Lần đầu tiên bộ môn này xuất hiện là vào năm 2005 cũng chính tại Philippines (chỉ có 2 nội dung và Philippines “gom” cả 2 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB)). Là thế mạnh, năm nay nước chủ nhà tổ chức tới 13 nội dung (6 standard, 6 latin và 1 breakdane nam (Breakdane nữ chỉ có 2 nước tham dự nên không trao huy chương)) và Philippines đã “thống trị” tuyệt đối với 10 HCV, 2 HCB. Ở mỗi thể loại standard và latin, họ chỉ “đánh rơi” duy nhất 1 ngôi vô địch và chỉ có Việt Nam mới giành được.
Với việc chấm điểm cảm tính, phải thật xuất sắc, vượt trội, 2 cặp đôi Đức Hòa - Hải Yến (quickstep) và Minh Trường - Nhã Uyên (jive) mới có thể vượt qua vận động viên nước chủ nhà để đoạt 2 tấm HCV lịch sử tại SEA Games cho dancesport Việt Nam.
Đỗ Đức Trí khép lại một kỳ Sea Games thành công cho môn võ gậy bằng tấm huy chương vàng
Dancesport Việt Nam là đội tuyển đầu tiên kết thúc thi đấu về nước, với tổng 11 huy chương, gồm 2 HCV, 7 HCB, 2 huy chương đồng (HCĐ), được sự trợ giúp của 2 chuyên gia Italy, dancesport Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Võ gậy arnis kết thúc với vị trí nhất toàn đoàn thuộc về Philippines: 14 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ. Đội Việt Nam xếp thứ 2 với 4 HCV, 10 HCB và 6 HCĐ. Đó là kết quả không ai lường trước, ngay cả với những thành viên của đội tuyển võ gậy (arnis) - vốn là những võ sĩ từ môn pencak silat chuyển sang và mới tập môn võ này trong 2 tháng trước kỳ SEA Games 30.
Vũ Thị Thanh Bình là võ sĩ đầu tiên giành HCV cho võ gậy Việt Nam. Chiến thắng của Thanh Bình càng có ý nghĩa khi vượt qua áp lực từ vận động viên chủ nhà Philippines, mang về HCV đầu tiên cho đội. Sau chiếc HCV của Thanh Bình, các vận động viên Việt Nam có thêm động lực. Được sự ủng hộ nhiệt thành từ ngoài sân, Đào Thị Hồng Nhung biết cách tận dụng chiều cao trội hơn đối thủ để tung ra những pha tấn công liên tiếp và đánh bại vận động viên Campuchia, đem về tấm HCV thứ 2. Tấm HCV thứ 3 của võ gậy là sự áp đảo của Cẩm Nhi - vận động viên từng vô địch thế giới và giành HCB Asiad môn pencak silat - trước đối thủ người Myanmar. Kết thúc nội dung gậy cứng, Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu 3 HCV ở môn võ gậy và là đội duy nhất, ngoài nước chủ nhà được hát Quốc ca trong lễ trao huy chương ở môn này. Võ gậy kết thúc thắng lợi với 1 tấm HCV danh giá do công của Đỗ Đức Trí. Chiều 3-12, Trí có màn biểu diễn xuất sắc, đạt số điểm 9,72 và vượt qua đối thủ chủ nhà, đem về cho võ gậy Việt Nam thêm 1 HCV nội dung biểu diễn nam không nhạc.
Cũng tại bộ môn này, đại diện thể thao Bình Phước tham dự SEA Games 30 Nguyễn Ngọc Đạt đã đoạt HCĐ môn võ gậy arnis. Ở nội dung full contact live stick, Nguyễn Ngọc Đạt sau khi vượt qua vòng bán kết đã đoạt HCĐ hạng cân 55kg.
Là một trong 4 bộ môn đã hoàn thành chương trình thi đấu tại SEA Games 30, whusu Việt Nam cũng kịp để lại dấu ấn với 3 tấm HCV danh giá. Cụ thể, vận động viên Phạm Quốc Khánh đã xuất sắc hoàn thành bài thi nam quyền môn wushu với điểm số 9,65 mang về chiếc HCV đầu tiên cho Việt Nam trong ngày thi đấu 3-12.
Tiếp đó, Nguyễn Thị Trang giành HCV nội dung tán thủ hạng cân 65kg nữ, sau khi vượt qua đối thủ người Thái Lan Suchaya với tỷ số 2-0 trận đấu chung kết. Trước đó, Nguyễn Thị Chinh nhận thất bại trước võ sĩ chủ nhà và nhận HCB hạng cân 48kg nữ.
Tiếp đà thắng lợi, võ sĩ Bùi Trường Giang đem về tấm HCV tiếp theo, sau khi vượt qua võ sĩ chủ nhà với tỷ số 2-0 trong trận chung kết tán thủ hạng cân 60kg nam. Đây là HCV thứ 3 của wushu Việt Nam trong ngày 3-12.
9 tấm HCV - thành tích whusu, arnis và khiêu vũ thể thao có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho thể thao nước nhà, mở ra một tương lai sáng cho các bộ môn này, nhất là sau 2 năm tới, SEA Games 31 sẽ diễn ra trên đất nước Việt Nam.