Ấn vàng triều Nguyễn hồi hương: Đoạn kết tuyệt đẹp của sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự tôn dân tộc

Ấn vàng triều Nguyễn 'Hoàng đế chi bảo' đã hồi hương về tới Việt Nam ngày 18/11 sau một năm phối hợp tích cực thực hiện các thỏa thuận, thủ tục pháp lý.

Ấn vàng triều Nguyễn "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam không chỉ đáp ứng sự mong mỏi, trông đợi của những người yêu chuộng cổ vật, yêu chuộng lịch sử và những giá trị tinh thần Việt, mà còn vô cùng ý nghĩa ngay trước thềm kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) sắp tới.

Nhấn mạnh về sự kiện này, đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng chia sẻ, đó chỉ là một chặng đường rất ngắn trong cả hành trình mà chiếc ấn đã đi qua, bởi vì ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là một tài sản quốc gia mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam.

“Ấn vàng hôm nay trở về với đất nước của nó, với cội nguồn của nó là một hành trình cam go nhưng cũng là một đoạn kết tuyệt đẹp, phần nào là sự trọn vẹn mà chúng ta đều mong muốn”- Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.

Ấn vàng triều Nguyễn. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

Ấn vàng triều Nguyễn. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

Tháng 10/2022, nhà đấu giá Millon của Pháp thông tin chào bán ấn vàng triều Nguyễn với mức 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của ấn vàng là bảo vật quốc gia, vì thế, trong lịch sử quốc gia cũng như trong công tác bảo tồn di sản quốc gia, các cơ quan, đơn vị và cá nhân hảo tâm đã nhanh chóng phối hợp chặt chẽ, hợp đồng tác chiến để đạt được thành công này.

Tại buổi lễ chuyển giao ấn vàng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – bà Lê Thị Thu Hiền đã khẳng định rõ, việc chuyển giao ấn vàng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.

Như vậy, việc hồi hương của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài mà còn khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế.

Việt Nam đã và đang thể hiện cho thế giới thấy rằng có khả năng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu; cam kết duy trì sự tôn trọng và giữ gìn sự nguyên vẹn của di sản văn hóa dân tộc, đóng góp trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước 1970 của UNESCO.

Thời gian qua, do hoàn cảnh lịch sử và một số lý do khác, nhiều cổ vật giá trị của người Việt đã bị lưu lạc ở nước ngoài nhưng để có thể hồi hương những bảo vật của đất nước là điều không hề dễ dàng. Vì thế, thành công từ việc hồi hương ấn vàng triều Nguyễn cũng sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục có thêm những hiện vật, sưu tập hiện vật khác sớm được hồi hương. Trên cơ sở đó, khẳng định và tôn vinh hơn nữa giá trị lịch sử lâu đời của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, từ dấu mốc mang tính lịch sử này, chúng ta cần có sự quan tâm đúng mức hơn đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị cổ vật sao cho xứng với tầm vóc "quốc bảo”, trong đó cần có những cơ chế riêng, mang tính đặc thù để các bảo vật quốc gia phát huy giá trị xứng với vai trò, vị trí của nó trong đời sống văn hóa đất nước.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-vang-trieu-nguyen-hoi-huong-doan-ket-tuyet-dep-cua-suc-manh-doan-ket-tinh-than-tu-ton-dan-toc-286625.html