Ảnh ấn tượng: Giáo hoàng Francis qua đời, Mỹ-Ukraine gặp nhau tại Vatican, căng thẳng Ấn Độ-Pakistan leo thang
Tiếng chuông vang lên tại Tòa thánh Vatican, báo hiệu nhà lãnh đạo Công giáo qua đời, Mỹ-Ukraine ngồi lại sau những tranh cãi nảy lửa, Washington-Tehran bắt đầu vòng đàm phán hạt nhân thứ 3... là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp trong tuần qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự sự kiện Egg Roll thường niên nhân dịp lễ Phục Sinh, ngày 21/4, tại Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp “rất hiệu quả” tại thành phố Vatican, khi dự tang lễ Giáo hoàng Francis vào ngày 26/4. Diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Zelensky kể từ cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2/2025, khi nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Tổng thống Ukraine vì không thể hiện sự cảm kích đối với viện trợ của Washington trong cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Telegram, ông Zelensky khẳng định cuộc gặp “tốt đẹp", hai bên "thảo luận rất nhiều" và "hy vọng sẽ có kết quả". Nhà Trắng cũng xác nhận cuộc gặp, mô tả cuộc trò chuyện "rất hiệu quả". (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Narendra Modi ngày 23/4 đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban nội các về an ninh Ấn Độ (CCS) sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pahalgam, khu vực Jammu và Kashmir. Vụ tấn công tại Pahalgam khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi Điều 370 (quy định về quyền tự trị đặc biệt cho Jammu và Kashmir) bị bãi bỏ năm 2019 đã khiến căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng vốn nhiều lần rơi vào xung đột, nay càng trở nên gay gắt. Tại cuộc họp, CCS đã quyết định, các cố vấn quốc phòng, hải quân và không quân của Pakistan tại New Delhi phải rời đi trong vòng một tuần. Ngược lại, Ấn Độ cũng sẽ rút toàn bộ các cố vấn quân sự của mình tại Islamabad và chấm dứt vĩnh viễn các vị trí này ở cả hai nước. Ngoài ra, New Delhi cũng tuyên bố hủy bỏ toàn bộ thị thực miễn thị thực SAARC (SVES) đã cấp cho công dân Pakistan. Những người đang ở Ấn Độ theo diện này có 48 giờ để rời khỏi lãnh thổ nước này. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên tại các phái bộ ngoại giao cũng sẽ bị cắt giảm từ 55 xuống còn 30 người ở cả hai phía, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5. (Nguồn: X)

Ngày 23/4, quyền Tổng thống Han Duck-soo đã đến thăm Trại Humphreys ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul khoảng 65 km về phía Nam, nơi đặt Bộ chỉ huy Lực lượng liên hợp của quân đồng minh Hàn Quốc và Mỹ. Phát biểu trong chuyến thăm, quyền Tổng thống gọi Trại Humphreys là "biểu tượng của liên minh Hàn Quốc-Mỹ và là tư thế phòng thủ chung kiên định", đồng thời kêu gọi lực lượng này tiếp tục "duy trì sự đoàn kết" như hiện tại. (Nguồn: Yonhap)

Ngày 25/4, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đến Muscat, Oman, tham gia đàm phán với phái đoàn Mỹ. Phái đoàn cấp cao Mỹ do đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff dẫn đầu, trong khi Ngoại trưởng Araghchi làm trưởng phái đoàn các nhà ngoại giao và chuyên gia kỹ thuật của Iran. Đây cũng là cuộc gặp thứ ba giữa ông Witkoff và ông Araghchi trong vài tuần gần đây, nhằm tìm cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei cho biết, Iran sẽ xem xét kỹ thái độ nghiêm túc và sự chuẩn bị của phía Mỹ để đạt được một thỏa thuận "công bằng và thực tế" liên quan chương trình hạt nhân của nước này trong vòng đàm phán gián tiếp mới nhất này. (Nguồn: IRNA)

Giáo hoàng Francis ban phép lành truyền thống “Urbi et Orbi” từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 20/4, chỉ hai ngày trước khi Ngài qua đời. Trước đó, Đức Giáo hoàng đã phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh phổi mãn tính do di chứng từ chứng viêm màng phổi dẫn đến việc phải cắt bỏ một phần phổi khi mới 21 tuổi. Hồi tháng 2, Giáo hoàng đã phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Agostino Gemelli do suy hô hấp nghiêm trọng, sau đó được chẩn đoán viêm phổi kép. Sau 38 ngày điều trị, Ngài được xuất viện về lại Casa Santa Marta để tiếp tục dưỡng bệnh. (Nguồn: Getty Images)

Quan tài của Giáo hoàng Francis được đặt bên trong Vương cung thánh đường St. Peter ở Vatican. Thánh lễ an táng của Giáo hoàng được cử hành vào sáng 26/4. Đức Hồng y Niên trưởng Hồng y Đoàn Giovanni Battista Re chủ trì Thánh lễ, với sự đồng tế của khoảng 200 Hồng y, 700 Giám mục và 5.000 linh mục. (Nguồn: Vatican Pool)

Lãnh đạo nhiều nước đã tới Vatican tham dự lễ tang Giáo hoàng Francis. Linh cữu của Ngài sau đó được chuyển đến nơi an táng ở Vương cung Thánh đường ở Rome. (Nguồn: Reuters)

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh về tương lai an ninh năng lượng, do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tổ chức tại thủ đô London, Anh từ ngày 24-25/4. Quy tụ nhiều lãnh đạo và quan chức cấp cao đến từ khắp các châu lục, bao gồm cả các quốc gia đang đối mặt với thách thức lớn về năng lượng như khả năng tiếp cận, Hội nghị thượng đỉnh lần này xoay quanh ba trụ cột chính là địa chính trị, công nghệ và kinh tế, những yếu tố đang tái định hình thị trường năng lượng toàn cầu. Hội nghị cũng đề cập nhiều vấn đề, bao gồm những thay đổi về nhu cầu, cung cấp và thương mại của các nhiên liệu chính; sự phát triển của các công nghệ năng lượng sạch và chuỗi cung ứng của chúng; tính khả dụng của các khoáng sản và kim loại cần thiết cho nhiều công nghệ năng lượng sạch, đổi mới công nghệ và sự trỗi dậy của AI… (Nguồn: IEA)

Một cuộc không kích của Israel tại khu trại tị nạn dành cho người dân sơ tán ở Khan Younis, Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong tuần vừa qua tiếp tục khẳng định Tel Aviv "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc tiếp tục chiến đấu ở Gaza, cũng sẽ không kết thúc chiến sự cho đến khi tiêu diệt được Hamas và giải cứu toàn bộ con tin. Ông đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong nước, không chỉ từ gia đình các con tin và những người ủng hộ họ, mà còn từ các binh sĩ dự bị và cựu binh Israel, những người đặt câu hỏi về việc kéo dài cuộc xung đột. (Nguồn: Reuters)

Những người sơ tán Palestine chen lấn nhận đồ ăn từ một bếp ăn từ thiện ở Jabalia. Kể từ khi nối lại các cuộc không kích vào Gaza tháng 3/2025, Israel đã âm thầm ngừng việc chỉ định các khu vực nhân đạo, làm dấy lên lo ngại trong giới cứu trợ về sự an toàn của dân thường đang trú ẩn tại những nơi từng được coi là "safe zone". (Nguồn: EPA)

Một cậu bé người Palestine chơi với một con chim bồ câu tại hội trường lớn của Đại học Hồi giáo, ngày 20/4, trong lúc đi sơ tán khỏi các cuộc tấn công của Israel tại Gaza. Ngôi trường này giờ đây là chốn trú ẩn tạm thời ở thành phố Gaza. (Nguồn: Getty Images)

Các nhân viên cứu hộ và dân thường nỗ lực kéo những nạn nhân ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà dân cư bị tấn công bằng tên lửa ở Kiev, vào rạng sáng 24/4. Cuộc tấn công đã khiến nhiều người thiệt mạng và ít nhất 90 người bị thương. (Nguồn: Getty)

Một bé gái đứng trước ngôi nhà bị hư hại của mình sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Kiev. (Nguồn: Reuters)

Các tín hữu vào viếng Giáo hoàng Francis quá cố khi thi hài của Ngài được quàn tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, ngày 24/4. Giáo hoàng Francis là vị giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử. Trước khi được bầu năm 2013, ông đảm nhiệm vị trí Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, Argentina. Đức Giáo hoàng chọn tên Francis để tôn vinh Thánh Francis thành Assisi, vị thánh nổi tiếng trong Công giáo vì sự cống hiến cho người nghèo. Trên cương vị nhà lãnh đạo Vatican, Ngài đã trở thành tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ người nghèo, người di cư và các vấn đề môi trường. Đức Giáo hoàng cũng được biết đến như một nhà cải cách với cách tiếp cận cởi mở, thường xuyên lên tiếng về các cuộc khủng hoảng nhân đạo như di cư, chiến tranh và biến đổi khí hậu. Đức Giáo hoàng cũng nỗ lực cải tổ Giáo hội thông qua đấu tranh chống tư duy giáo sĩ đặc quyền, kêu gọi cách tiếp cận nhân ái hơn với những người Công giáo ly hôn và đồng tính, nhấn mạnh rằng Giáo hội cần rộng mở chào đón tất cả mọi người. (Nguồn: Reuters)

Người dân đưa thi thể của Smit Parmar, người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố gần Pahalgam, vào xe tang để làm lễ an táng tại Bhavnagar, Ấn Độ, ngày 24/4. (Nguồn: Reuters)

Phi hành gia NASA Don Pettit được đưa tới lều y tế ngay sau khi ông cùng hai phi hành gia Nga hạ cánh gần thị trấn Zhezkazgan, Kazakhstan, vào ngày 20/4. Họ vừa trở về sau bảy tháng làm nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ quốc tế. Đây là lần thứ tư ông Pettit bay vào không gian. (Nguồn: NASA)

Một người cầm tấm biển ghi tên những người bị Cơ quan di trú Mỹ bắt giữ hoặc trục xuất, trong một cuộc biểu tình diễn ra tại New York vào ngày 19/4. (Nguồn: Getty)

Những quả rocket bay qua nhà thờ Panagia Erithiani trong lễ kỷ niệm Lễ Phục sinh Chính thống Hy Lạp tại làng Vrontados, trên đảo Chios, Hy Lạp, vào ngày 19/4. (Nguồn: Reuters)

Lớp học tại một trường trung học ở Kandahar, Afghanistan, ngày 22/4. (Nguồn: AFP)

Cảnh sát Tanzania cố gắng bắt giữ một người ủng hộ lãnh đạo đối lập và cựu ứng cử viên Tổng thống của đảng CHADEMA, bên ngoài Tòa án thẩm phán dân sự Kisutu ở Dar es Salaam, Tanzania, ngày 24/4. (Nguồn: Reuters)

Một công nhân uống nước trong khi thu hoạch lúa mì ở vùng ngoại ô Chandigarh, Ấn Độ, ngày 22/4. (Nguồn: AFP)

Một người tham gia lễ hội Carnival Fanti ở Lagos, Nigeria, ngày 20/4. (Nguồn: Reuters)