Anh bắt giữ tàu Iran, đâu chỉ là chuyện chở dầu?
Những động thái mới nhất từ London và Tehran cho thấy việc bắt giữ tàu Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh và 'vờn' nhau trên vịnh Ba Tư giữa Iran và Anh còn có lý do và cả xung đột lợi ích sâu xa khác. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Tàu khu trục HMS Kent được điều động tới vùng Vịnh. (Nguồn: DefenceImagery)
Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Anh ngày 16/7 cho biết sẽ điều tàu khu trục HMS Kent tới Vịnh Ba Tư, khẳng định quyết định nói trên không liên quan tới chuỗi sự kiện gần đây với Iran mà chỉ là “hoạt động có lộ trình”. Như vậy, đây sẽ là tàu chiến thứ ba của London hiện diện tại khu vực này, bên cạnh tàu khu trục thường trực tại vùng Vịnh là HMS Montrose cập cảng tại Bahrain nạp nhiên liệu và hàng hóa, cùng tàu khu trực HMS Duncan dự kiến tới vùng Vịnh đầu tuần tới.
Trong bối cảnh căng thẳng với Iran đang leo thang, việc Anh chủ động điều tàu chiến tới vùng Vịnh, bất chấp tuyên bố của Bộ Quốc phòng, là “tình ngay lý gian”. London hoàn toàn có quyền trì hoãn động thái này vào một thời điểm khác ít nhạy cảm hơn. Vậy điều gì đã khiến Anh đưa ra quyết định này?
Đáp trả chiến lược
Thứ nhất, Iran được cho là đã có hành động đe dọa trực tiếp tới hoạt động của tàu chở dầu British Heritage (Anh) qua eo biển Hormuz ngày 10/7 và chỉ rời đi sau khi có sự can thiệp từ tàu khu trục HMS Montrose. Không lâu sau đó, một tàu chứa bom Iran được phát hiện nằm trên đường di chuyển của tàu khu trục HMS Duncan tới vùng Vịnh và có thể gây thiệt hại nặng nề một khi va phải.
Anh nổi danh với lực lượng Hải quân Hoàng gia thiện chiến và hành động “vuốt mặt không nể mũi” của Iran đã khiến London tức giận. Điều tàu chiến tới khu vực này, khi đó là một bước đi có thể hiểu được của chính quyền Anh. Tuy nhiên, điều động lực lượng quân sự chưa bao giờ là điều đơn giản và London dường như có thêm các tính toán khác.
Thứ hai, Anh vẫn theo đuổi phương án cứu vãn JCPOA, song không còn chỉ giới hạn trong đàm phán. Phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/7, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng London “không đồng ý” với quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), song khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để theo đuổi hòa bình. Ông Hunt khẳng định: “Iran vẫn còn một năm để từ bỏ phát triển bom hạt nhân”.
Người đứng đầu ngành Ngoại giao Anh cũng đã điện đàm trấn an người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif rằng tàu chở dầu Grace 1 của Tehran bị bắt vì vi phạm các lệnh cấm chuyên chở dầu tới Damascus, chứ không phải là hành động có chủ đích. Ông Hunt khẳng định sẵn sàng trả tự do cho tàu này một khi Iran đảm bảo không tiếp tục hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Dường như London vẫn tin rằng JCPOA là con đường duy nhất để giữ Iran không tiếp tục theo đuổi con đường hạt nhân, qua đó đảm bảo hòa bình khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và Iran liên tục tăng mức độ làm giàu của Uranium, vượt qua giới hạn của thỏa thuận, chỉ nỗ lực của Anh, Đức và Pháp nỗ lực thôi là chưa đủ. Nga và Trung Quốc, bất chấp những tuyên bố ban đầu, chưa cho thấy hành động thực sự nhằm cứu vãn thỏa thuận này. Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có khả năng cân nhắc thiết lập lực lượng hộ tống các tàu chở dầu của nước này qua eo biển Hormuz, nơi trung chuyển của một phần năm lượng dầu thô trên thế giới.
Khi đàm phàn không còn hiệu quả như trước, Anh buộc phải tính đến phương án khác. Gây áp lực tuyệt đối có lẽ là một trong số đó. Anh chỉ thực sự hành động trong vấn đề Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức London vào tháng 6 vừa qua. Không loại trừ khả năng London đang nối bước Washington tạo áp lực đối với Tehran, buộc quốc gia Trung Đông ngồi vào bàn đàm phán, dù mục đích của hai bên là khác nhau.
Tương lai ảm đạm
Đề cập về việc Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayalatollah Ali Khamenei đã tuyên bố: “Nước Anh quỷ quyệt đã có hành vi cướp biển, đánh cắp tàu của chúng ta và cho nó là hành động hợp pháp”. Tehran cũng khẳng định sẽ đáp trả thích đáng chừng nào con tàu này chưa được thả; các tàu chứa bom của Iran trôi nổi trên các tuyến đường biển trọng yếu trong trung chuyển dầu có lẽ là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Về phần mình, Anh đã điều tàu HMS Duncan tuần tra tại các khu vực đi lại của tàu bè Anh trong vùng Vịnh, đồng thời ra lệnh cho các tàu này luôn ở trong tình trạng báo động cao nhất, nhằm đối phó với các động thái trả đũa đến từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tuy nhiên, điều mấu chốt nhằm giải quyết căng thẳng Anh - Iran ở đây lại nằm ở Mỹ. Washington đã đơn phương cấm vận Tehran, đánh mạnh vào các giao dịch dầu mỏ của quốc gia này. Nguồn thu ngoại tệ bị siết chặt đồng nghĩa rằng Iran sẽ gặp nhiều khó khăn trong đẩy nhanh chương trình hạt nhân, lá bài chiến lược trong thương thảo với Mỹ và các nước phương Tây.
Bởi vậy, không khó để hiểu tại sao Tehran lại có phản ứng gay gắt sau khi tàu chở dầu của nước này tới Syria, quốc gia đang có nhu cầu nhiên liệu cao vì chiến sự, bị bắt giữ. Bởi lẽ, nó không chỉ gây tổn hại tới chủ quyền quốc gia, mà còn đe dọa đến sự tồn vong của chính quyền Iran.
Trong bối cảnh bầu cử Tổng thống đang đến gần, ông chủ Nhà Trắng đang cố gắng xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo cứng rắn, khác biệt so với người tiền nhiệm và luôn thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Xé bỏ JCPOA và khơi căng thẳng với Iran là một trong số đó.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi nếu như Tổng thống Donald Trump muốn thể hiện tài năng ngoại giao thông qua việc hạ nhiệt căng thẳng. Ngày 16/7, ông Trump đã dành nhiều lời có cánh cho Tehran, tuyên bố Iran đã sẵn sàng thương thảo về chương trình tên lửa, song điều này đã sớm bị Tehran bác bỏ.
Cần nhớ rằng Thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ diễn ra khi Chủ tịch Kim Jong-un có hành động thiện chí – tuy nhiên, Iran chưa bao giờ là Triều Tiên. Khi chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani chưa cho thấy dấu hiệu nhường bước, thiện chí từ một bên là không đủ. Do đó, tình hình căng thẳng tại Trung Đông nói chung và Anh - Iran nói riêng sẽ khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/anh-bat-giu-tau-iran-dau-chi-la-chuyen-cho-dau-97772.html