Anh: Bi kịch của những đứa trẻ tị nạn

Báo chí trong và ngoài nước Anh thời gian gần đây hướng chú ý về sự an toàn của người tị nạn tại quốc gia này. Từ vụ việc một người đàn ông ném bom xăng vào trại tị nạn ở Dover hồi cuối năm ngoái đến vụ nổi loạn do các phần tử cánh hữu tổ chức tại Knowsley, chưa bao giờ người tị nạn lại gặp nguy hiểm trên đất Anh như lúc này. Vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, người tị nạn, đặc biệt là trẻ em tị nạn, chưa bao giờ thực sự an toàn tại đảo quốc sương mù.

Tiếng kêu cứu của những đứa trẻ

Theo luật pháp Anh, người tị nạn nước ngoài đến Anh mà không làm thủ tục từ trước sẽ phải ở tại trại tị nạn trong thời gian giấy tờ của họ được xử lý. Một phần vì chính sách cắt giảm nhân sự của chính phủ đảng Bảo thủ, một phần vì mức lương không hấp dẫn được người lao động mà bộ máy xử lý giấy tờ tị nạn thuộc chính quyền Anh không thể đuổi kịp được số người tị nạn đến nước này. Nhiều người tị nạn có thể phải chờ đến hơn một năm mới được xử lý giấy tờ. Đứng trước những trại tị nạn đã chật kín người, chính phủ Anh không còn sự lựa chọn nào khác là thuê phòng khách sạn để người tị nạn tạm trú.

Cảnh sát Anh đột kích một cơ sở sản xuất sử dụng nô lệ trẻ em.

Cảnh sát Anh đột kích một cơ sở sản xuất sử dụng nô lệ trẻ em.

Tại các khách sạn cho người tị nạn ở thành phố Brighton mới đây đã xảy ra một vấn đề khiến cả nước Anh phải sững sờ: 222 trẻ tị nạn đã bị bắt cóc khỏi nơi các em và gia đình đang trú ngụ. Đa phần các trẻ bị bắt cóc nằm trong độ tuổi 13-16 và đến từ Albania. Cảnh sát mới chỉ tìm thấy và đưa về gia đình 60 trẻ. Nhiều em cho biết mình đang đi bộ trên đường thì bị những người đàn ông lạ mặt bắt đi và chở đến những ngôi nhà để chờ đến ngày bị bán lại cho người khác.

Điều kinh hoàng nhất là con số 231 vụ bắt cóc chỉ mới được tổng hợp từ tháng 7 năm 2021, và trước đó không biết đã có bao nhiêu vụ việc như vậy. Một vấn nạn kinh khủng như vậy nhưng công chúng lại không hay biết gì do thông tin bị cảnh sát và chính quyền địa phương giấu kín. Khi mọi chuyện vỡ lở, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman và cơ quan dưới quyền bà đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ quốc hội Anh vì tội thiếu trách nhiệm và không trung thực.

Những trẻ tị nạn bị bắt cóc đã đi về đâu? Theo Quỹ Trẻ em & Vị thành niên (TACT), một tổ chức từ thiện hoạt động vì quyền trẻ em, thì đa số các nạn nhân bị buộc trở thành nô lệ: “Ở các trung tâm công nghiệp như Sheffield, Bristol và Milton Keynes có không ít cơ sở sản xuất đang sử dụng trẻ em bị bắt cóc làm nhân công. Họ sẵn sàng phạm luật chỉ để không phải trả thêm vài bảng mỗi tiếng cho người lớn làm... Các cơ sở sản xuất bắt đầu sử dụng lao động ngoại quốc với giá rẻ mạt kể từ khi chính phủ của ông Tony Blair nới lỏng các quy định lao động và mở cửa biên giới cho người nước ngoài đến từ những quốc gia EU khác. Brexit và sau đó là đại dịch khiến cho số người châu Âu muốn đến Anh làm việc giảm rất mạnh. Điều này lại càng khiến tội phạm bắt cóc thêm nhiều trẻ tị nạn, sau đó bán đi làm lao động khổ sai”.

Các nguồn tin từ cảnh sát Anh cho biết có một sợi dây liên kết giữa trẻ em bị bắt cóc và những cơ sở sản xuất hàng giả. Thanh tra Neil Blackwood, chỉ huy Chiến dịch Vulcan của cảnh sát Anh nhằm chống hàng giả, cho biết: “Các băng nhóm tội phạm có thể bắt cóc 20, 30 trẻ em cùng một lúc. Thường chúng có “tay trong” trong các tổ chức đưa người tị nạn vượt biển trái phép lẫn đội ngũ phục vụ khách sạn nơi người tị nạn ở... Rất nhiều trẻ em tị nạn sẽ được đưa đến Cheetham Hill để lao động trong những cơ sở làm hàng giả. Mỗi cái túi xách, dây lưng hay son môi không rõ xuất xứ trên thị trường hoàn toàn có thể có dấu tay của trẻ em bị bắt cóc”.

Một cuộc tuần hành của người Anh yêu cầu chính phủ phải có hành động bảo vệ trẻ em tị nạn.

Một cuộc tuần hành của người Anh yêu cầu chính phủ phải có hành động bảo vệ trẻ em tị nạn.

Phố Cheetham Hill tại thành phố Manchester được gọi là “thủ đô hàng giả” của nước Anh. Nơi đây từng là một trung tâm hàng may mặc lớn nhưng hiện nay còn sản xuất đủ thứ hàng hóa không nhãn mác xuất xứ. Trẻ em bị bắt cóc lao động và sinh hoạt ngay tại các nhà xưởng đặt dưới tầng hầm những ngôi nhà liền kề. Một lý do mà các cơ sở làm hàng giả tại Cheetham Hill sẵn sàng sử dụng trẻ em tị nạn làm người lao động là vì tại đây vốn có rất nhiều gia đình nhập cư từ Nam Á, Bắc Phi và vùng Caribe, tạo điều kiện cho tội phạm dễ dàng giấu nạn nhân bắt cóc. Một đối tượng làm giấy tờ giả ở Manchester khai: “Phần đông khách hàng của tôi muốn mua thẻ căn cước và giấy khai sinh giả để biến trẻ em ngoại quốc thành trẻ em Anh. Có những gia đình mà có tận chục “đứa con” được “thêm thắt” vào”.

Trong khi triển khai Chiến dịch Vulcan, cảnh sát Anh đã mở không ít chiến dịch đột kích vào những cơ sở làm hàng giả tại Manchester và giải cứu 46 trẻ tị nạn bị bắt cóc. Một em nhỏ Syria mô tả cảnh sống trong giam cầm của mình: “Chúng em ngủ dậy rồi đi làm, làm xong thì ăn rồi lại làm đến khi được cho phép ngủ. Mọi thứ chúng em làm đều theo lệnh của ông chủ. Đôi khi ông chủ lại bảo chúng em chạy sang những nhà khác trên phố để tránh cảnh sát... Ngày mà các chú cảnh sát đưa em ra ngoài, em không nhìn thấy gì một lúc vì lâu lắm rồi em không nhìn thấy ánh nắng mặt trời”.

Ngoài Manchester, cảnh sát Anh còn tìm thấy trẻ tị nạn bị bắt cóc rồi đưa đến West Yorkshire, Cleveland, Nottingham, Merseyside, Somerset, Kent, London, Scotland và Xứ Wales. Không ít trẻ sau khi được bán cho cơ sở sản xuất, trang trại, v.v... bị đối xử tàn tệ, thậm chí là chịu tra tấn như trường hợp một em trai 16 tuổi từ Afghanistan bị buộc làm công cho một nhóm đối tượng trồng cần sa trái phép. Khi cảnh sát giải cứu được em nhỏ, trên người em có rất nhiều vết thương do bị đánh bởi dây thép gai. Một số vết thương đã nhiễm trùng vì không được rửa sạch và băng bó đúng cách. Nếu như nạn nhân còn ở trong chỗ “địa ngục trần gian” thêm một thời gian nữa, rất có thể mạng sống của em sẽ gặp nguy hiểm.

Thảm cảnh và phản ứng

Câu truyện của cậu bé người Afghanistan minh họa cho một vấn đề khác trong vấn nạn trẻ tị nạn bị bắt cóc tại Anh - Sức lao động của các em bị lạm dụng bởi tội phạm có tổ chức. Những băng nhóm buôn lậu, sản xuất - mua bán ma túy, cờ bạc, v.v... coi trẻ tị nạn như nguồn lao động hoàn hảo do các em dễ bị đe dọa làm theo lời chúng hơn là trẻ em Anh. Mặt khác, trong trường hợp các em bị bắt, rào cản ngôn ngữ và nỗi sợ nhà chức trách sẽ khiến các em gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn hợp tác với cảnh sát.

Bà Patricia Durr, giám đốc tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT UK, trả lời phóng viên tờ The Guardian: “Nước Anh đang trải qua một cuộc khủng hoảng về chăm sóc trẻ em, và trẻ em tị nạn là các nạn nhân lớn nhất... Mục tiêu của tội phạm là tách rời các em khỏi gia đình cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Khi trẻ em bị “rơi tự do” như thế, các em sẽ sẵn sàng làm mọi việc mà người lớn yêu cầu.”

Nhóm người tị nạn đi thuyền từ Pháp sang Anh.

Nhóm người tị nạn đi thuyền từ Pháp sang Anh.

Một thanh tra giấu tên tại sở cảnh sát London cho biết: “Chỉ trong vòng một tuần qua chúng tôi đã bắt bốn trẻ em là người tị nạn vì tội móc túi. Cả bốn em đều là trẻ mất tích có gia đình đang trú tại các khách sạn ở Eastbourne. Hai trong số bốn em bị bắt cóc, còn hai trường hợp kia vì nghe dụ dỗ của kẻ xấu mà đi theo chúng. Tất cả đều bị bắt đi móc túi để có cái ăn”.

Theo nhiều chuyên gia, không ít trẻ em tị nạn đang bị buộc làm việc trái ý mình trong quá trình sản xuất, chế biến và mua bán ma túy. Trong khi Nam Mỹ vẫn là nhà cung cấp heroin và ma túy tổng hợp lớn nhất tại Anh, nước này đang càng ngày dựa vào nguồn cung cần sa trong nước. Không khó để người Anh tìm mua trên mạng xã hội hạt cây cần sa, giàn lưới, đèn, v.v... để bắt đầu canh tác gai dầu. Và nguồn lao động chính là trẻ em tị nạn bị bắt cóc.

Ngoài việc trồng, chăm sóc và thu hoạch ma túy, trẻ bắt cóc còn đang bị buộc tham gia buôn bán ma túy. Số liệu từ cảnh sát Manchester cho biết họ đang tạm giữ 16 trẻ em tị nạn mang trong người ma túy. Các em khai mình được giao việc đứng đường rao hàng hoặc mang ma túy đến chỗ khách hàng đặt. Bà Patricia Durr và ECPAT UK hiện đang tìm cách đưa các em đoàn tụ với gia đình. Bà Patricia cho biết: “Một em đang bị viêm phổi nặng vì hằng ngày phải đứng 10 tiếng ở góc đường để bán ma túy kể cả khi trời mưa. Em ấy nói rằng làm vậy thì một ngày được trả 20 bảng. Em gửi hết số tiền đấy về cho mẹ và sáu em gái đang ở khách sạn tại Kent”.

Chưa hết, tội phạm băng đảng đang lôi kéo trẻ em tị nạn vào vòng xoáy bạo lực. Mới đây thôi một người phụ nữ đã bị đánh hội đồng đến bất tỉnh sau khi cãi nhau về giá với một cửa hàng bán túi xách ở Cheetham Hill. Hai ngày sau đó, bốn thiếu niên được đưa vào viện sau khi một nhóm 20 người xô xát có đổ máu vì vấn đề tranh giành địa bàn rửa tiền. Tất cả những đối tượng thực hiện hai tội ác nói trên đều là trẻ tị nạn đã gia nhập hai băng đảng Cheetham Hill và Gooch khét tiếng trong vùng. Hồi thập niên 1980, hai băng nhóm này từng không ít lần xô xát vũ trang hay thậm chí là ám sát thành viên của nhau. Ngày nay chúng bắt trẻ em tị nạn đổ máu thay chúng. Hậu quả đối với tính mạng và tương lai của các em khó mà ước lượng hết được.

Cảnh sát Anh đang dồn hết sức vào vấn đề trẻ tị nạn bị bắt cóc và lạm dụng sức lao động. Chỉ riêng trong Chiến dịch Vulcan cảnh sát đã triệt phá 70 cơ sở sản xuất và buôn bán có sử dụng lao động trẻ em, tịch thu 260 tấn đồ giả và 218 kg ma túy cùng 250.000 bảng. Vậy nhưng theo chính ngài Mark Rowley, Ủy viên Cảnh sát Đô thị toàn Anh, thì: “Đây là một vấn đề xã hội mà một mình cảnh sát không thể giải quyết nổi”. “Chìa khóa” vấn đề nằm ở chỗ tháo gỡ việc dồn ứ giấy tờ nhập cư, giải quyết hành chính cho hàng trăm gia đình người tị nạn để họ sớm có cơ hội hòa nhập với xã hội thay vì ở trong tình cảnh “sống dở chết dở” như hiện nay.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/anh-bi-kich-cua-nhung-dua-tre-ti-nan-i686315/