Anh bộ đội người Cor
Người dân ở thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) vẫn thường nhắc đến một cán bộ biên phòng người dân tộc Cor. Đó là Thiếu tá Hồ Văn Hùng, hiện đang giữ cương vị Chính trị viên Đồn Biên phòng Đức Minh (BĐBP tỉnh), người đã cõng một cụ bà chạy rất nhanh dưới mưa gió...
Cậu bé người Cor hiếu học
“Hồ Văn Hùng là một cán bộ hết lòng vì nhân dân”, đó là lời của ông Hoàng Văn Tiến - nguyên Trưởng thôn An Cường, xã Bình Hải, khi nói về Thiếu tá Hồ Văn Hùng. Ông Tiến cho biết, người dân địa phương xem anh Hùng như người thân trong gia đình. Họ thường nhắc đến anh Hùng là người anh nói chuyện thì không màu mè, sống chân thật.
Anh Hùng xuất thân từ một gia đình nghèo, người dân tộc Cor, quê ở xã Trà Thủy (Trà Bồng). Năm 1990, cậu bé Hùng khi ấy 11 tuổi, bắt đầu rời ngôi làng dưới chân núi Próc để đến học ở trường nội trú huyện Trà Bồng. Ngày ấy, Hùng cùng bạn bè đi bộ thành từng nhóm, vượt gần 8km đường rừng để đến trường. Cứ chiều thứ 6, nhà trường phát cho 3 lon gạo trắng để ăn bù 2 ngày nghỉ. Cậu bé Hùng bắt đầu đi bộ trở về ngôi nhà sàn nằm bên rìa núi. Hùng đưa 3 lon gạo cho mẹ bởi vì cả làng đang thiếu gạo, chỉ toàn ăn củ trồng trên sườn núi Dấp.
Sau 2 ngày nghỉ, cậu lại tiếp tục đi bộ trở về trường, bụng đói vì rời nhà từ lúc 5 giờ sáng. "Pờ ngót", tiếng Cor có nghĩa là đói. "Pờ ngót" ám ảnh suốt những năm tháng tuổi thơ của Hùng. Cậu thỉnh thoảng hỏi cha là một bệnh binh rằng, sau này con phải làm gì để gia đình hết "pờ ngót"? Cha Hùng chỉ nói con ráng học cho giỏi, còn mẹ của Hùng là thương binh Hồ Thị Non thì nói với con, ước ao sau này con xuống miền xuôi làm việc.
Đến tháng 9/1993, cơ may đến với Hùng khi cậu bé có tên trong danh sách được tuyển vào Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5. Ngôi trường này ở TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Bảy năm ở trường thiếu sinh quân, 3 tháng hè là thời gian Hùng tập luyện quân sự như người lính. Năm 2000, cuộc đời rẽ ngoặt khi Hùng được cử đi học tại Học viện Chính trị quân sự.
Gần gũi với nhân dân
Năm 2004, cậu bé người đồng bào dân tộc Cor Hồ Văn Hùng năm nào đã là Thiếu úy, về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Sa Huỳnh (BĐBP tỉnh). Năm 2009, anh Hùng được điều động về Đồn Biên phòng Bình Hải, giữ chức Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Anh Hùng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, nổi trội trong các hoạt động như tăng gia sản xuất, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp dân làm nhà ở... Xã Bình Hải là địa bàn ven biển, năm nào vùng biển này cũng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ biên phòng đi trong mưa lũ khắp làng chài để giúp đỡ nhân dân đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt là hình ảnh Thiếu úy Hùng, anh thường giúp dân chặt cây, kéo mái tôn, di dời đến nơi ở an toàn... mỗi khi vào mùa mưa lũ.
Thiếu úy Hùng nói rất chân chất: “Mình là bộ đội, là đảng viên nên phải gương mẫu, tiên phong giúp đỡ nhân dân. Khi người dân cần là mình có mặt giúp đỡ kịp thời". Anh Hùng được người dân ở An Cường quý mến vĩ lẽ đó, anh luôn hết lòng vì nhân dân. Tháng 11/2013, siêu bão Haiyan có tốc độ gió hơn 280km/giờ được cảnh báo là siêu bão cấp 5 sau khi tàn phá Philipines và tiến vào Quảng Ngãi, đó là một đêm anh Hùng không ngủ.
Anh cùng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị giúp người dân chằng chống nhà cửa, đưa hàng trăm người dân lên Đồn Biên phòng Bình Hải tránh trú bão. Giữa lúc mưa tuôn trắng trời thì người dân kéo áo anh Hùng và chỉ về ngôi nhà của bà Lê Thị Mình (80 tuổi), bị bệnh bại liệt. Không một phút giây chân chừ, anh Hùng chạy ngay đến nhà cõng bà Mình chạy thật nhanh lên đồn biên phòng. Vài năm sau bà Mình qua đời, nhưng cứ tới ngày cúng giỗ, con của bà lại mời anh Hùng về An Cường dự đám giỗ như để bày tỏ tình cảm quý mến.
Tiên phong gương mẫu
Tôi còn nhớ lần gặp anh Hùng vào năm 2004, lúc này anh là thiếu úy. Anh chia sẻ về việc “tôi đã được Đảng và Nhà nước nuôi dưỡng từ lúc còn là học sinh cho tới khi học đại học ra trường”. Cái tâm niệm “trả ơn Nhà nước nuôi mình” đã được anh Hùng biến thành sự nỗ lực, tác phong nhà binh pha lẫn tính cách đặc trưng của đồng bào là “nói như đinh đóng cột”. Anh Hùng hiện là Chính trị viên Đồn Biên phòng Đức Minh. Ở đâu cũng vậy, anh luôn gần gũi, giúp đỡ nhân dân.
Chuyện “nói như đinh đóng cột của đồng chí Hùng” được anh em BĐBP và cán bộ địa phương kể lại, đó là vào năm 2009, tình trạng khai thác đá san hô trái phép diễn ra rầm rộ tại địa bàn xã Bình Hải. Các đối tượng thuê người ra đào phá san hô, sau đó lén lút vận chuyển vào lúc nửa đêm. Có lần, nhận được nguồn tin từ quần chúng vào lúc 2 giờ sáng, do thời gian quá gấp nên anh phóng xe một mình, đi đường tắc, chặn xe ô tô tải chở đầy san hô.
Người chủ hàng đi trên xe ngỏ ý đưa 5 triệu đồng và xin anh Hùng bỏ qua. Khi thấy anh Hùng cương quyết thì người này nâng giá lên 10 triệu đồng. Anh Hùng nhất quyết không và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về sau, anh Hùng tâm tình: “Đảng và Nhà nước nuôi tôi từ hồi nhỏ tới giờ, nên bỏ qua cho trường hợp vi phạm là tôi chưa trả hết nợ. Tôi còn là đảng viên, tôi nhận tiền thì dân không còn tin nữa”. Chủ tịch UBND xã Bình Hải thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Thiện bảo, đồng chí Hùng nói như đinh đóng cột, là người chính trực, gương mẫu. Anh đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.
Từ năm 2014 - 2019, anh Hồ Văn Hùng là Phó Đại Đội trưởng Đại đội Huấn luyện BĐBP tỉnh. Anh Hoàng Văn Hải, một chiến sĩ từng tham gia huấn luyện kể lại, cứ một, hai giờ sáng, anh em lại thấy Đại đội phó Hùng đi kiểm tra. Đại đội phó Hùng rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tình cảm, được anh em quý mến.
Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202406/anh-bo-doi-nguoi-cor-bbc2d03/