Ảnh chân thực Hà Nội 50 năm trước qua ống kính Thomas Billhardt
'Hà Nội 1967-1975' là cuốn sách tổng hợp 130 bức ảnh quý về phong cảnh, sinh hoạt, con người Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước.
Hà Nội 1967-1975 là tác phẩm được NXB Thế giới, Nhã Nam, Viện Goethe và Camera Work hợp tác phát hành. Cuốn sách bao gồm những bức ảnh được Thomas Billhardt chụp lại trong sáu chuyến đi Việt Nam từ năm 1967-1975.
Khác với nhiều cuốn sách ảnh khác được chụp trong cùng giai đoạn, Hà Nội 1967-1975 không tập trung vào những khoảnh khắc của chiến tranh, mà qua góc nhìn của mình, Thomas Billhardt ghi lại chân dung, hy vọng, cảm xúc và cả những khoảnh khắc riêng tư của con người ở thành phố và làng quê Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia luôn đồng cảm với nhân vật
Thomas Billhardt là một nhiếp ảnh gia đặc biệt. Đặc biệt ở đây không chỉ dừng lại ở ý nghĩa “giỏi”. Tất nhiên, Thomas Billhardt rất giỏi, ông là nhiếp ảnh gia phóng sự nổi tiếng; tài năng của ông không chỉ được công nhận tại Đức mà còn được biết đến trên toàn cầu.
Thomas là một trong số những nhiếp ảnh gia có thể đồng cảm sâu sắc với chính nhân vật, chủ thể mà mình ghi lại trong ảnh.
Phong cách của ông hòa trộn sự thấu cảm và tình đoàn kết xuyên biên giới. Những bức ảnh của Thomas ghi lại nỗi kinh hoàng mà các cuộc chiến tranh gây ra; ảnh hưởng tàn khốc của nó đến con người, đặc biệt là trẻ em.
Những bức ảnh có sức mạnh đủ lớn để tự kể câu chuyện của bản thân. Chúng cho người xem thấy về sự khắc nghiệt của chiến tranh, nghèo đói hay bất công xã hội trên thế giới. Nhưng cũng chính những bức ảnh đó lại ánh lên cuộc sống của con người với nụ cười và hy vọng.
Là một phóng viên ảnh, Thomas Billhardt đã đi khắp thế giới với tư cách đại diện của các cơ quan nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, các thông tấn xã và UNICEF.
Thomas ghi lại hình ảnh của các điểm nóng trên thế giới thời bấy giờ như Việt Nam, Cuba, Bangladesh, Chile, Guinea, Indonesia, Campuchia, Mozambique…
Có thể nói tài năng của Thomas được biết đến từ khá sớm. Điều này có thể lý giải được phần nào khi tuổi thơ của ông gắn liền với mùi hóa chất tráng phim.
Mẹ của Thomas, bà Maria Schmid-Billhardt, là nhiếp ảnh gia tự do và có tiệm ảnh riêng. Chính vì vậy, Thomas có cơ hội được tiếp thu kiến thức nhiếp ảnh từ mẹ mình cũng như đồng nghiệp của bà từ khi còn rất nhỏ.
Bên cạnh đó, Thomas cũng từng bước tiếp cận mặt tối của xã hội khi phải ghi lại các vụ tai nạn có người bị thương nặng hay thậm chí tử vong.
Lấy tiền đề và kinh nghiệm từ những gì được học, được thấy, được cảm nhận trong quá khứ, Thomas dần định hình được phong cách của riêng mình cũng như luôn dũng cảm xông pha tại các điểm nóng của thế giới để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.
Thomas Billhardt chú trọng tới sự “chân thực” của nhiếp ảnh và tính độc lập của nhiếp ảnh gia; mọi hình ảnh đều sẽ hiện lên sống động, trần trụi nhất chứ không thiên vị bất kỳ sự vật hay hiện tượng nào.
Theo Eckstein Wilfried, Giám đốc Viện Goethe Hà Nội: “Thứ mà Thomas cố gắng ghi lại là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hòa bình”.
Eckstein Wilfried cũng cho rằng là một nhiếp ảnh gia, Thomas tìm kiếm những khoảnh khắc thuần khiết, những gương mặt người trước khi họ nhận ra rằng mình sẽ bị ghi lại trên tấm phim. Đó là cách để chụp một bức ảnh chân thực.
Một Hà Nội mộc mạc theo đúng nghĩa đen
Ông tới Hà Nội lần đầu năm 1967. Lúc này, Thomas Billhardt vẫn còn là cộng tác viên tự do của Xưởng phim tài liệu độc lập Heynowski & Scheumann. Mục đích của chuyến đi này là để thực hiện một bộ phim tài liệu phỏng vấn các tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt giữ.
Thế nhưng trước mắt ông lại là sự tàn khốc của chiến tranh. Thomas bắt gặp những hố bom còn mới ở sân bay; nhìn thấy những cánh cửa sổ vỡ vụn vì bom đạn; giật mình khi lần đầu nghe tiếng còi báo động vang lên và bất ngờ trước hàng loạt hầm trú ẩn dày đặc trên đường.
Chính sự khốc liệt đó đã khiến Thomas bị choáng ngợp. Trong buổi khai mạc triển lãm ảnh và giới thiệu sách Hà Nội 1967-1975 vào đầu tháng 10, Thomas chia sẻ qua Skype rằng mình đã rất may mắn khi có cơ hội tới Việt Nam, đến gần hơn với cuộc chiến tranh tại đây.
Bên cạnh đó, ông cũng thấy mình có trách nhiệm phải giới thiệu Việt Nam đến với thế giới, một Việt Nam rất lạ lẫm trong con mắt người nước ngoài.
Dưới ống kính của mình, Thomas không chỉ ghi lại sự tàn khốc của chiến tranh mà còn có cả lòng dũng cảm, sự lạc quan yêu đời của con người nơi đây.
Theo nghệ sĩ Đỗ Phấn, với Hà Nội 1967-1975, độc giả sẽ được bám sát từng giây từng phút đời thường của một Hà Nội thời điểm 1967-1975.
Ở đó, chúng ta có thể gặp anh lính pháo thủ cao xạ với cái nhìn cương trực, quyết liệt; những cô ý tá dịu dàng trong chiếc áo blouse cùng các em bé trong chiến tranh hay ánh mắt háo hức, tò mò của những học sinh trường tiểu học Lê Ngọc Hân đang nhìn lên máy ảnh…
Dù là bức ảnh dưới góc độ nào, các tác phẩm của Thomas Billhardt luôn đi theo tôn chỉ hiện thực sống động, không bố trí hay can thiệp tới nhân vật. Chính vì vậy, ánh mắt, nụ cười của mỗi đứa trẻ, người dân đều toát ra nét chân thật, bình dị xen lẫn chút tò mò, dè dặt.
Một trong những điều làm Thomas Billhardt bất ngờ về Hà Nội chính là sự lạc quan. Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, ông vẫn bắt gặp những nụ cười tươi vui trên phố. Với ông, họ có thể đang phải sống trong mưa bom bão đạn nhưng trong ánh mắt những con người này không phải sợ hãi mà là sự lạc quan và niềm tin chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ kéo dài đến cuối năm 1972. Nhưng thực tế, người dân Hà Nội đã trở lại sinh hoạt bình thường từ cuối năm 1968, đầu năm 1969. Các con phố vẫn tấp nập người đi, trường học đã mở cửa trở lại và người người vẫn tiếp tục lao động, sản xuất để góp sức vào cuộc chiến chung.
Chính vì vậy, Thomas Billhardt càng có nhiều cơ hội để ghi lại mọi khoảnh khắc của Hà Nội với gần như đầy đủ sinh hoạt hàng ngày. Từ tiếng chuống xích lô dồn dập chở nặng người cho tới các bà đỡ trong nhà hộ sinh, những lớp học hát múa và cả phút giây chơi đùa ở công viên Chí Linh (vườn hoa Con Cóc) của những cậu bé tiểu học…
Hà Nội 1967-1975 là cơ hội để thế hệ cha chú, thế hệ của những người Hà Nội khoảng 60-70 tuổi sống lại với tuổi thơ của chính mình một lần nữa thông qua những bức ảnh bình dị mà đầy cảm xúc của Thomas Billhardt.
Qua cuốn sách thế hệ trẻ ngày nay cũng có cơ hội thử một lần hòa mình vào nhịp sống Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước.
Không dừng lại ở đó, Hà Nội 1967-1975 cho người đọc ngày nay nhận thức rõ cái nhìn rất hàn lâm về kiến trúc cổ của thành phố với hai dạng thức tiêu biểu: Khu phố cổ và khu phố Tây thời thuộc địa Pháp.
Ở đó, ta thấy được những cửa hiệu vẽ tranh Bờ Hồ và cuốn thư dán nhà dịp Tết, những đồ thủ công mây tre đan đặc trưng của khu phố cổ; song hành với đó là một số nhà biệt thự thấp tầng cùng vài chiếc xe máy hay hiện diện tại khu phố Tây.
Có thể nói, cuốn sách ảnh này của tác giả Thomas Billhardt đã đem đến cho người xem một cảm nhận không hề mới nhưng được sắp đặt công phu theo tiến trình thời gian và sự kiện, tạo nên độ dày dặn hiếm có của xúc cảm thẩm mỹ.