Anh: Chính trường nổi sóng khi đảng Bảo thủ tìm cách 'loại bỏ' Thủ tướng
Các nghị sĩ cấp cao đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh cho biết họ sẽ tổ chức họp ngày 17/10 để thảo luận về một 'sứ mệnh giải cứu', trong đó tìm cách nhanh chóng loại bỏ Thủ tướng Liz Truss khỏi vị trí lãnh đạo đảng.
Guardian đưa tin, trước đó, trong cuộc họp báo ngày 14/10 bà Liz Truss thông báo quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và hủy bỏ nhiều phần trong gói kích thích kinh tế đầy tham vọng mà bà đề ra khi nhậm chức tháng trước.
Tuy nhiên ý tưởng của bà bị chính tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt bác bỏ kế hoạch và cảnh báo nước Anh sắp bước vào thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" mới.
Những động thái nhằm xoa dịu thị trường tài chính sau 3 tuần đầy bất ổn của chính phủ bà Liz Truss cũng không thể làm giảm bớt những ý kiến chỉ trích trong Đảng Bảo thủ cầm quyền. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ của đảng này sụt giảm nghiêm trọng trong chưa đầy 40 ngày kể từ khi bà Truss nhậm chức.
Một số nghị sĩ nói rằng họ muốn Thủ tướng Truss từ chức trong vài ngày tới, trong khi những người khác nhấn mạnh rằng bà ấy "đang tại nhiệm nhưng không nắm quyền". Trong khi đó, các đồng minh của Thủ tướng Anh trong nội các cảnh báo, đảng Bảo thủ sẽ đánh mất quyền lực nếu lật đổ lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.
"Bà ấy xong rồi", Reuters dẫn lời một số nghị sĩ bảo thủ nói hôm 14/10. "Có vẻ như mọi thứ đang kết thúc. Tôi nghĩ bà ấy sẽ ra đi vào tuần tới", một nghị sĩ khác cho biết,
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố kế hoạch cắt giảm thuế ở Anh của bà Truss là một “sai lầm” và nói rằng ông lo lắng rằng các chính sách tài khóa của nước này có thể gây tổn hại cho Mỹ trong bối cảnh “lạm phát trên toàn thế giới”.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết "có thể dự đoán được" rằng tân thủ tướng Anh đã phải đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế sau khi đề xuất này gây ra xáo trộn trên thị trường tài chính. Bình luận của ông Biden thể hiện sự "chỉ trích bất thường" của một tổng thống Mỹ trước các quyết sách đối nội của một trong những đồng minh thân cận nhất của họ, theo Guardian.
Hiện tại, đồng Bảng Anh và trái phiếu chính nước này giảm mạnh sau phát biểu của bà Truss. Các nhà kinh tế học và giới đầu tư cho hay việc bà đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế vẫn chưa đủ để khôi phục ổn định kinh tế.
Trong lúc này, đảng Bảo thủ đang tính các phương án về tương lai của bà Truss. Nếu bà Truss từ chối từ chức, các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ xem xét đến việc thay đổi các quy tắc để cho phép đảng chọn người kế nhiệm mà không cần bỏ phiếu giữa các thành viên trong đảng. Nếu bà Truss rời nhiệm sở hoặc bị thay thế vào cuối năm nay, bà sẽ là thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh.
Một kế hoạch khác được đề xuất đó là, khi đa số nghị sĩ Bảo thủ đồng ý về một ứng viên thay thế bà Truss, họ sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu trước Hạ viện. Khi đó, ứng viên mới nhận được đa số phiếu bầu tại Hạ viện - nơi đảng này có lợi thế 69 ghế. Tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc cả đảng Bảo thủ chấp nhận ứng viên đó và Quốc vương Anh đồng ý ký tên vào cuộc bỏ phiếu.
Trong lúc này, đảng Lao động Anh cho biết đang tăng các cuộc thăm dò dư luận và kêu gọi tổng tuyển cử. "Thay đổi nhân sự cấp cao nhất của đảng Bảo thủ không phải là thay đổi mà chúng tôi cần. Chúng tôi cần một sự thay đổi của chính phủ", ông Keir Starmer, lãnh đạo đảng Lao động nhấn mạnh.