Anh dẫn đầu nỗ lực chống phá rừng
Vương quốc Anh sẽ dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu lớn chống nạn phá rừng bất hợp pháp, với kế hoạch thành lập một liên minh các nước đang phát triển chống lại ngành thương mại sử dụng sản phẩm từ gỗ phá rừng. Đây là một phần của cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (LHQ) trong năm nay.
Phá rừng là một yếu tố hàng đầu trong việc tăng khí phát thải nhà kính toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia đang phát triển thiếu phương tiện và cơ chế để chống khai thác gỗ trái phép và điều tiết ngành lâm nghiệp. Bộ Phát triển quốc tế (DfID) của Anh sẽ sớm đưa ra kế hoạch giúp các nước tăng cường luật pháp, hỗ trợ buôn bán lâm nghiệp có trách nhiệm và cung cấp hỗ trợ dập tắt hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp.
Ông Zac Goldsmith, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh, cho biết, ngăn chặn buôn bán gỗ bất hợp pháp không chỉ giúp giảm tình trạng biến đổi khí hậu mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì thế giới đa dạng sinh học. Ông tin tưởng đây là một câu chuyện thành công lớn đối với Vương quốc Anh và thế giới, và đặt bối cảnh cho những gì chúng ta hy vọng sẽ là một năm hợp tác quốc tế thành công trong cuộc đua tới Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 26) diễn ra tại Anh tháng 11-2020. Anh sẽ cần thành lập một liên minh toàn cầu gồm các nước đang phát triển để gây áp lực lên các nền kinh tế hàng đầu hành động nhanh chóng với việc cắt giảm khí thải carbon.
Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ chỉ xảy ra nếu Vương quốc Anh dẫn đầu trong việc thành lập một liên minh các nước đang phát triển nhỏ và lớn, bao gồm cả các quốc gia có rừng cũng như các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và EU. Anh sẽ cấp hỗ trợ cho các nước đang phát triển dưới hình thức chuyên môn tài chính và kỹ thuật, điều rất quan trọng đối với nỗ lực chống phá rừng. Anh sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, Indonesia và các đối tác quốc tế khác của Anh để bảo vệ các khu rừng thế giới cho các thế hệ tương lai.
Dự án mới, vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch, sẽ xây dựng chương trình quản lý rừng, tăng cường luật pháp ở các nước đang phát triển, ảnh hưởng đến các đối tác quốc tế để tăng cường nỗ lực, hỗ trợ giao dịch có trách nhiệm. DfID cũng giúp các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ mới trong cuộc chiến chống phá rừng, bao gồm hệ thống điện tử theo dõi gỗ, đánh dấu cây bằng mã vạch kỹ thuật số mà các quan chức có thể quét ở từng giai đoạn của chuỗi cung ứng và ứng dụng điện thoại thông minh hỗ trợ GPS, để kích hoạt cục bộ cộng đồng để theo dõi và báo cáo các vụ xâm nhập bất hợp pháp trong thời gian thực. Năm 2005, chỉ khoảng 1/5 giao dịch gỗ của Indonesia là hợp pháp. Nhưng ngày nay, sau khi có sự can thiệp của Anh và các đối tác khác, 100% hàng xuất khẩu được lấy từ các nhà máy và rừng được kiểm toán độc lập. Tại Liberia, chương trình này đã giúp các cộng đồng lâm nghiệp đàm phán hợp đồng công bằng với các công ty khai thác gỗ để ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/anh-dan-dau-no-luc-chong-pha-rung-645657.html