Anh đánh cược, thế giới phập phồng
Quyết định của Anh có thể mở ra con đường trở lại cuộc sống bình thường hoặc là lời cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ không sớm kết thúc
Từ ngày 19-7, tại Vương quốc Anh, những cuộc tụ tập trong nhà không còn bị hạn chế, câu lạc bộ đêm được phép mở cửa, quy định giữ khoảng cách 1 m được dỡ bỏ và việc đeo khẩu trang là tự nguyện dù một số hãng hàng không và công ty vận tải cho biết sẽ vẫn duy trì quy định đeo khẩu trang. Về cơ bản, phần lớn các biện pháp ràng buộc về mặt pháp lý đã được dỡ bỏ, thay vào đó, Chính phủ Anh nhấn mạnh trách nhiệm phòng dịch là của mỗi cá nhân. Không đề cập đến "Ngày Tự do", Thủ tướng Boris Johnson hôm 18-7 thúc giục người dân thận trọng khi Anh chuyển sang bước 4 của lộ trình dỡ bỏ hạn chế, đồng thời nhấn mạnh cuộc sống sẽ không thể lập tức trở lại như trước đại dịch. Song song với việc dỡ bỏ các hạn chế, Chính phủ Anh tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Cho đến nay, khoảng 87,9% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên và 68,3% người được tiêm đủ 2 liều.
Từ London đến Liverpool, hàng ngàn thanh niên đã tiệc tùng ăn mừng tại các câu lạc bộ ngay sau nửa đêm 18-7. Giám đốc Y tế Anh Chris Whitty cảnh báo nước này có thể nhanh chóng gặp rắc rối. Anh ghi nhận khoảng 316.691 ca mắc trong 7 ngày qua, tăng 43% so với giai đoạn 7 ngày trước đó, phần lớn ca mắc mới rơi vào đối tượng trẻ chưa được tiêm phòng.
Ông Jim Reid, chiến lược gia nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank (Anh), hôm 19-7 cho rằng thế giới đang rất quan tâm tình hình ở Anh. Theo chuyên gia này, điều đó có thể mở ra con đường trở lại cuộc sống bình thường hoặc là lời cảnh báo cho các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao khác rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Tại Pháp, chính phủ để ngỏ khả năng tái áp đặt các biện pháp giới nghiêm nếu số ca mắc mới tiếp tục gia tăng do biến thể Delta. Pháp chứng kiến hơn 12.500 trường hợp mắc mới hôm 18-7, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới vượt mốc 10.000. Tại Ý, bất chấp 49,9% người trên 12 tuổi được tiêm phòng đầy đủ, nước này đã có thêm 3.127 ca mắc mới hôm 18-7. Trong tuần tới, Chính phủ Ý dự kiến công bố những hạn chế đối với người chưa được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cấm đến nhà hàng, vũ trường, phòng tập thể dục và sân vận động thể thao.
Tại Mỹ, Tổng Y sĩ Vivek Murthy hôm 18-7 cũng bày tỏ lo ngại khi các ca mắc mới ở Mỹ trong tuần này tăng 70% so với tuần trước, lên mức trung bình 30.000 ca mắc mới mỗi ngày do biến thể Delta và xảy ra ở hầu hết các bang nước Mỹ. Ông Murthy nói với đài CNN rằng gần như tất cả trường hợp tử vong mới ở Mỹ đều nằm trong số hàng chục triệu người chưa được tiêm phòng. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến hôm 18-7, 59,4% người trưởng thành ở Mỹ - gần 153,5 triệu người - đã được tiêm chủng đầy đủ trong khi 68,2% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều. Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là hơn 34,9 triệu và 624.746 ca.
Đông Nam Á hiện là điểm nóng Covid-19 nghiêm trọng. Bộ Y tế Singapore hôm 18-7 thúc giục người chưa được tiêm chủng, đặc biệt là người cao tuổi, nên ở nhà càng nhiều càng tốt trong vài tuần tới. Singapore ghi nhận 88 trường hợp mắc mới hôm 18-7, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Sau 4 ngày có số ca mắc mới tăng kỷ lục, từ ngày 20-7, Thái Lan phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao, tạm dừng hầu hết chuyến bay nội địa và mở rộng lệnh giới nghiêm ở một số khu vực. Tại tâm dịch châu Á, Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục là 1.338 hôm 19-7, nâng tổng số ca tử vong lên 74.920 người trong khi số ca mắc vượt mốc 2,9 triệu.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/anh-danh-cuoc-the-gioi-phap-phong-20210719215525936.htm